Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế duyên hải miền trung

NDO - Với vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế đa dạng, ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ hệ thống ngân hàng thông qua việc cung cấp nguồn vốn tín dụng. Sự hỗ trợ này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân03/04/2025

Ngày 3/4, tại Hà Tĩnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đồng chủ trì Hội nghị.

Đây là Hội nghị thứ 12 trong chuỗi 15 Hội nghị được Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các khu vực nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tín dụng khởi sắc

Ba tỉnh thuộc Khu vực 8 (Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình) thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trong hành lang kinh tế Đông Tây; với đường bờ biển dài và đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch; có các cảng biển nước sâu thuận lợi giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản và các ngành kinh tế biển mới.

Trong thời gian qua, cả ba tỉnh đều có các thành tích nổi trội trong thu hút FDI, với các dự án lớn về cảng biển, khu công nghiệp và điện gió, tăng trưởng kinh tế ở mức khá, là điều kiện thuận lợi để ngành Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, phối hợp các ngành có liên quan hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh.

Theo Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 8 Nguyễn Thị Thu Thu, đến thời điểm ngày 28/2, mạng lưới quản lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 8 có 253 tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng với đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng, trong đó có 133 đơn vị ngân hàng, 115 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, 5 Chi nhánh tổ chức tài chính vi mô nhỏ trách nhiệm hữu hạn một thành viên tình thương và 495 phòng giao dịch.

Trên địa bàn còn có 1 chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi khu vực Bắc Trung bộ, hoạt động vì lợi ích của người gửi tiền, phối hợp Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế duyên hải miền trung ảnh 1

Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 8 Nguyễn Thị Thu Thu báo cáo tại Hội nghị.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại Khu vực và đã đạt kết quả khá tích cực.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Khu vực 8 đạt 535.688 tỷ đồng, tăng 7.957 tỷ đồng, bằng 1,5% so với cuối năm 2024 (bao gồm cả dư nợ của Ngân hàng Phát triển), chiếm khoảng 33% tổng dư nợ của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cũng cho biết, với các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện ngay từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng đến nay đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2024, theo đó đến ngày 25/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 16 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2024, tăng 17,65% so với cùng kỳ năm 2024 (trong khi cùng kỳ 2024 chỉ tăng trưởng được khoảng 0,26%).

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhất là mới đây nhất khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu (thuế đối ứng) với hàng chục nền kinh tế; trong đó Việt Nam bị áp thuế cao nhất là 46%, sẽ tác động tới kinh tế, từ đó cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với hoạt động ngân hàng cũng như công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế duyên hải miền trung ảnh 2

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Chính vì vậy, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nêu rõ, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% (dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng so với năm 2024) góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước (tối thiểu 8%) và 3 tỉnh của Khu vực (8%-10,5%) trong năm 2025 đòi hỏi toàn ngành Ngân hàng nói chung và tại Khu vực 8 nói riêng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp; trong đó ngoài việc cân đối, bảo đảm “cung” tín dụng, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân để góp phần thúc đẩy yếu tố “cầu” và đẩy mạnh kết nối cung-cầu tín dụng, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý phù hợp.

Đẩy mạnh kết nối ngân hàng-doanh nghiệp

Cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các cuộc đối thoại nhằm tăng kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng là một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp đề cập tới tại Hội nghị.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần cảng quốc tế Lào Việt Nguyễn Anh Tuấn, là một doanh nghiệp hoạt động tại Hà Tĩnh trong lĩnh vực logistics, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Trong quá trình vay vốn, doanh nghiệp và ngân hàng luôn có sự chia sẻ với nhau từ các dịch vụ mà hai bên đang sử dụng đến các mô hình quản trị của nhau.

“Chúng tôi luôn nhấn mạnh đến việc phải đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng bởi theo tôi, có kết nối tốt thì mới phát triển được”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh sự kết nối, doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến vấn đề lãi suất. Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về cảng biển logistics để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các gói tín dụng lãi suất thấp, ổn định hơn.

Là một khách hàng của Agribank từ năm 2016, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Quốc Việt Nguyễn Văn Diệu nhìn nhận: trong hơn 8 năm qua, doanh nghiệp đã nhận thấy chiều hướng thay đổi tích cực ở Agribank khi lãi suất của ngân hàng này luôn ở mức thấp hơn so một số tổ chức tín dụng khác và mức phê duyệt cho vay cũng cao, từ đó giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn, đáp ứng nguồn vốn kịp thời cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế duyên hải miền trung ảnh 3

Toàn cảnh Hội nghị.

Dù vậy, để có thể hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Diệu cũng kiến nghị các ngân hàng cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào công nghệ, phát triển nền tảng ngân hàng số hiện đại để giúp doanh nghiệp giao dịch nhanh chóng, bảo mật và hiệu quả hơn. Đồng thời, ngân hàng cũng cần cung cấp thêm các giải pháp thanh toán linh hoạt để có thể quản lý dòng tiền tốt hơn.

“Đặc biệt cần tổ chức cơ chế đối thoại thường xuyên hơn nữa giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn định kỳ để các doanh nghiệp có phản hồi cụ thể về các quy định chính sách đang áp dụng, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp hơn cho từng giai đoạn phá triển”, đại diện doanh nghiệp Quốc Việt đề xuất.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian tới, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khu vực tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 01, 02 và các văn bản chỉ đạo khác của Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì ổn định lãi suất tiền gửi và triển khai quyết liệt các biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; nghiêm túc thực hiện việc công bố thông tin về lãi suất cho vay, chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất (nếu có) đến khách hàng.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng Hội sở chính và các chi nhánh trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan Nhà nước tại địa phương về các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng; hội sở các tổ chức tín dụng cần sớm hoàn thành việc phân bổ chỉ tiêu kinh doanh để chi nhánh chủ động triển khai các biện pháp huy động và tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch; đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng;…

Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh cần có sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành, hiệp hội liên quan trên địa bàn khu vực để triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương; tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong khu vực tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan đến vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Nguồn: https://nhandan.vn/tin-dung-thuc-day-tang-truong-kinh-te-duyen-hai-mien-trung-post869877.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm