Từ bao đời nay, Tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Nhất là từ khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày càng góp phần củng cố thêm niềm tin, tự hào về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa mạnh mẽ, có sức sống lâu bền.
Giữ gìn, bảo tồn nơi khởi nguồn
Phú Thọ là vùng đất cội nguồn dân tộc, nơi khởi nguồn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khu di tích lịch sử đền Hùng là tâm điểm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất cả nước với những hoạt động lễ, hội diễn ra trang nghiêm, thành kính.
Mỗi năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh thu hút hàng triệu người dân cả nước, kiều bào nước ngoài đến dâng hương. Do vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn được Phú Thọ nỗ lực triển khai.
Bà Phạm Thị Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử đền Hùng, cho biế, để lưu truyền cho thế hệ mai sau, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
Tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng; hằng năm tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở đền Hùng và các làng xã một cách trang nghiêm, thành kính.
Chương trình biểu diễn mở màn cho chuỗi các sự kiện Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)
Phú Thọ đưa giáo dục di sản vào trường học; mở rộng địa bàn kiểm kê tới các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê; tổ chức nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, thực hành xã hội của Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ.
Tỉnh đầu tư khôi phục và xây dựng mới nhiều không gian thờ tự; phục hồi nhiều tập tục thờ cúng, lễ hội, diễn xướng dân gian. Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn lưu giữ được 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả làng xã, trong đó đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực tham gia đề án góp giỗ theo đúng truyền thống cúng giỗ của người Việt Nam. Không ít doanh nghiệp, tổ chức, đồng bào trong và ngoài nước tham gia góp giỗ và công đức bằng hình thức xây dựng những công trình, trùng tu, tôn tạo các di tích trong Khu Di tích lịch sử đền Hùng với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Oanh, đền Hùng được xác định là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam, vì vậy, việc tổ chức đa dạng các hoạt động nhằm giới thiệu đậm nét về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến đông đảo người dân đang được Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá đậm nét về di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để nhân dân hiểu thêm về giá trị to lớn của di sản.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: Rước kiệu của các xã vùng ven đền Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ; Dâng hương các vua Hùng; triển lãm ảnh và hiện vật về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương."
Tỉnh tổ chức các cuộc thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, thi bơi trải; các chương trình nghệ thuật chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương thu hút du khách…
Mở rộng không gian thực hành
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, không chỉ riêng Phú Thọ có nhiều di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương mà hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương.
Một số địa phương trong cả nước có nhiều điểm thờ Hùng Vương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang…
Những địa phương này hằng năm đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng theo hướng dẫn chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào ngày mùng 10/3 âm lịch một cách trang trọng, thành kính, thể hiện sự tri ân, công đức tổ tiên của thế hệ con cháu với công lao dựng nước của các vua Hùng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh có tới 12 địa điểm thờ vua Hùng. Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Thành phố đến các điểm thờ tự này dâng hương tưởng niệm các vua Hùng và tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi. Đền Hùng trong Thảo Cầm viên, tại công viên văn hóa Đầm Sen và Khu du lịch Suối Tiên cùng tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân và khách du lịch.
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống của các địa phương được các thành viên các câu lạc bộ biểu diễn phục vụ đông đảo du khách thập phương về trẩy hội. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)
Tại Cần Thơ, có hai ngôi đình thờ Hùng Vương lớn và cổ nhất nằm ở các quận Bình Thủy và Ô Môn. Lễ tưởng niệm các vua Hùng hằng năm được thành phố tổ chức trọng thể.
Tỉnh Vĩnh Long tổ chức trang trọng Giỗ Tổ Hùng Vương với việc rước linh vị vua Hùng từ đền Long Thành về trung tâm văn hóa thông tin tỉnh vào ngày 10/3 âm lịch.
Kiên Giang cũng đã xây dựng đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại xã Thạch Đông B. Hơn 60 năm qua, ngôi đền này đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương và các vùng lân cận.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, không chỉ trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng lập đền thờ các vua Hùng như ở Hoa Kỳ, Canada, Australia… hoặc điểm thờ tự để đặt ban thờ, bài vị và tượng Hùng Vương để kiều bào cùng tổ chức lễ dâng hương nhớ tổ tiên trong ngày quốc lễ như ở Nga, Séc, Lào…
Việc thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, nơi đâu có người Việt sinh sống thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - thờ các vua Hùng được người Việt tôn vinh và thờ tự.
Đặc biệt, năm 2015, một số kiều bào Việt Nam ở nước ngoài còn sáng lập ra Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, quy mô quốc tế. Đây là dự án nhằm vinh danh giá trị tinh thần của dân tộc Việt trên các phương diện văn hóa, xã hội, truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... Dự án được triển khai góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới và gắn kết tinh thần đại đoàn kết dân tộc; làm cầu nối cho bà con Việt kiều và người dân trong nước.
Qua 10 năm, Ban Dự án đã tổ chức trực tiếp và trực tuyến Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu; kết nối các đại biểu trí thức kiều bào và bạn bè quốc tế từ gần 50 quốc gia, góp phần thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lan tỏa các giá trị văn hóa, con người Việt Nam...
Với giá trị to lớn đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-ban-sac-van-hoa-cua-nguoi-viet-nam-post1024469.vnp
Bình luận (0)