Đức cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Kiev, Trung Quốc tố máy bay Philippines "xâm phạm' không phận, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ gần 300 người nghi là thành viên PKK…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cùng Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud tại Cung điện Diriyah, ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 18/2. (Nguồn: theguardian) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Trung Quốc tố máy bay Philippines 'xâm phạm' không phận: Chiến khu miền Nam thuộc quân đội Trung Quốc ngày 18/2 ra tuyên bố cáo buộc một máy bay Philippines đã "xâm phạm" không phận Trung Quốc ở khu vực bãi cạn tranh chấp Scarborough.
Tuyên bố nhấn mạnh động thái của Philippines đã "vi phạm" nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định quân đội Trung Quốc đã triển khai lực lượng hải quân và không quân để theo dõi, giám sát và xua đuổi máy bay. (Reuters)
*Ấn Độ-Nga ký thỏa thuận đơn giản hóa hợp tác quân sự: Ngày 18/2, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã gặp Đại sứ Ấn Độ tại Moscow Vinay Kumar và một thỏa thuận đã được ký kết nhằm đơn giản hóa thủ tục tương tác giữa các cơ quan quân đội của hai nước.
Trong cuộc gặp, các bên ghi nhận tầm quan trọng của văn kiện đã ký đối với sự hợp tác sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực quân sự và khẳng định trọng tâm của hai bên là liên tục tăng cường hợp tác cốt lõi theo tinh thần của quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền Nga-Ấn. (Sputniknews)
*Trung Quốc bắt cựu quân nhân bị tình nghi do thám bí mật quân sự: Ngày 18/2, cơ quan phản gián hàng đầu Trung Quốc thông báo đã bắt giữ một cựu quân nhân bị tình nghi giúp một cơ quan nước ngoài do thám các bí mật quân sự của Trung Quốc.
Các chuyên viên an ninh quốc gia đã "sàng lọc tỉ mỉ" một lượng lớn dữ liệu, từng bước truy vết các đầu mối và cuối cùng xác định được nghi phạm - một người đàn ông họ "Ni", từng phục vụ 2 năm trong quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc đã tăng cường đáng kể các biện pháp an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ và các đồng minh trên các lĩnh vực công nghệ, quân sự, an ninh, thương mại và kinh tế. (SCMP)
*Philippines quyết tâm triển khai hệ thống Typhon của Mỹ: Theo Tư lệnh Lục quân Philippines, Trung tướng Roy Galido, Manila không chỉ bác bỏ yêu cầu của Bắc Kinh về việc rút hệ thống tên lửa Typhon do Mỹ sản xuất khỏi bờ biển của họ mà còn đang tăng cường sử dụng hệ thống này bằng cách đưa hệ thống Typhon vào một cuộc tập trận lớn trong tháng tới.
Cuộc tập trận năm nay sẽ có sự tham gia của khoảng 6.000 quân và lần đầu tiên diễn ra không chỉ trên đảo Luzon, miền Bắc Philippines, mà còn ở Visayas ở miền Trung và Mindanao miền Nam. (SCMP)
*Philippines, Nhật Bản khẳng định cam kết "tự do hàng hải" ở Biển Đông: Ngày 17/2, các Cố vấn An ninh Quốc gia (NSA) của Philippines và Nhật Bản đã tái khẳng định cam kết về "tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông và Biển Hoa Đông".
Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Philippines ra thông cáo cho biết cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Año đã điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Okano Masataka. Hai cố vấn khẳng định về quan hệ hợp tác an ninh Nhật Bản - Philippines và đồng ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ. (Philippines News Agency)
Châu Âu
*Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 18/2 xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nga đã nhiều lần nhấn mạnh sự quan tâm của mình đối với một giải pháp hòa bình ở Ukraine thông qua các biện pháp ngoại giao. Đồng thời, Tổng thống Putin đã chỉ ra về chủ quyền bằng không của đất nước Ukraine hiện đại, cũng như tính không hợp pháp của ông Zelensky.
Hiến pháp Ukraine không quy định việc hoãn bầu cử tổng thống trong thời gian áp đặt thiết quân luật, mặc dù quyền hạn của Tổng thống Zelensky đã kết thúc vào ngày 20/5/2024. (TASS)
*EC lên kế hoạch tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine: Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 18/2 nêu ý định tiếp tục tăng cường các năng lực quân sự của Ukraine.
Trong cuộc gặp với đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga Keith Kellogg, bà von der Leyen đã vạch ra các kế hoạch của châu Âu nhằm tăng quy mô sản xuất và chi tiêu quốc phòng. Theo tuyên bố, EU dự định đảm bảo đầy đủ phần viện trợ quân sự của khối cho Kiev và "sẵn sàng làm thậm chí còn nhiều hơn nữa".
Bà von der Leyen cũng khẳng định lập trường EU sẵn sàng hợp tác cùng Mỹ để chấm dứt xung đột và giúp bảo đảm nền hòa bình công bằng và lâu dài mà Ukraine. (AFP)
*Ukraine khẳng định cần bảo đảm an ninh trước khi ngừng bắn: Đại sứ Ukraine tại Nhật Bản Sergiy Korsunsky nhấn mạnh Kiev cần các bảo đảm an ninh như một điều kiện cho lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột với Moscow, trong bối cảnh lo ngại về lập trường hòa hoãn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Theo số liệu của chính phủ, Nhật Bản đã tiếp nhận hơn 2.700 người tị nạn Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra và khoảng 2.000 người trong số họ vẫn đang sinh sống tại nước này. (Kyodo)
*Nga và Mỹ bắt đầu đàm phán về Ukraine: Ngày 18/2, các quan chức Nga và Mỹ đã bắt đầu đàm phán về vấn đề Ukraine. Cuộc đàm phán diễn ra ở Điện Diriyah, thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Cuộc đàm phán này đánh dấu bước đi quan trọng nữa của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đảo ngược chính sách cô lập Nga trước đó mà Washington xây dựng từ thời cựu tổng thống Joe Biden. Cuộc gặp này cũng mở đường cho khả năng Tổng thống Trump gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong thời gian sắp tới. (Reuters)
*Đức cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine: Chính phủ Đức cho biết họ đã quyết định phân bổ một gói viện trợ quân sự mới cho Kiev, bao gồm 56 xe bọc thép MRAP, tên lửa IRIS-T SLM và IRIS-T SLS, cũng như 300 thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công HF-1 cùng nhiều vũ khí khác.
Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ukraine, sau Mỹ. Một phát ngôn viên nội các Đức cho biết hồi đầu tháng 2 rằng Đức đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ trị giá gần 44 tỷ euro (46 tỷ USD) kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào đầu năm 2022. (RIA Novosti)
Trung Đông-châu Phi
*Ai Cập đăng cai hội nghị thượng đỉnh về Gaza: Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 18/2 thông báo nước này sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Arab khẩn cấp vào ngày 4/3 để thảo luận về diễn biến xung đột Israel-Palestine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho biết nước này sẽ bắt đầu đàm phán về giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, bao gồm cả việc trao đổi những con tin Israel còn lại với tù nhân Palestine.
Các cuộc đàm phán cho giai đoạn hai của thỏa thuận lẽ ra phải được tiến hành trước khi giai đoạn một kết thúc vào ngày 2/3, nhưng Qatar cho biết các cuộc đàm phán chưa chính thức bắt đầu. (Reuters)
*Israel yêu cầu Hamas rời Gaza và giao nộp vũ khí: Ngày 17/2, phát biểu trước cuộc họp nội các thảo luận về giai đoạn tiếp theo của lệnh ngừng bắn tại Gaza, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich tuyên bố, các chiến binh Hamas phải giao nộp vũ khí và rời khỏi Gaza.
Ông Smotrich cho biết sẽ yêu cầu các bộ trưởng bỏ phiếu để đưa ra tối hậu thư rõ ràng cho Hamas: "Ngay lập tức thả tất cả các con tin, rời khỏi Gaza đến các quốc gia khác và hạ vũ khí theo kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump". Ông Smotrich cảnh báo: "Israel sẽ mở cổng địa ngục" nếu Hamas từ chối yêu cầu trên. (Arab News)
*Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ gần 300 người nghi là thành viên PKK: Ngày 18/2, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ 282 người bị tình nghi là thành viên của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK - bị cấm hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ) trong các cuộc đột kích kéo dài 5 ngày qua.
Các cuộc đột kích diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bãi nhiệm các thị trưởng ủng hộ người Kurd được bầu do có liên hệ với PKK, trong một chiến dịch diễn ra cùng thời điểm dấy lên những hy vọng về việc chấm dứt xung đột kéo dài 40 năm giữa PKK và chính quyền. (Al Jazeera)
*Israel rút khỏi các làng ở Nam Lebanon: Một nguồn tin an ninh Lebanon ngày 18/2 cho biết quân đội Israel đã rút khỏi các làng ở miền Nam Lebanon nhưng vẫn duy trì 5 vị trí, khi hạn chót rút quân theo thỏa thuận hòa bình với Hezbollah dần kết thúc.
Trả lời AFP, nguồn tin giấu tên này cho hay: "Quân đội Israel đã rút khỏi tất cả các làng biên giới trừ 5 vị trí , trong khi quân đội Liban đang triển khai dần dần do có mìn ở một số khu vực và đường sá bị hư hỏng". (AFP)
*Mỹ và UAE không kích IS ở Somalia: Mỹ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thực hiện các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) mới vào ngày 16/2 tại Puntland.
Trong nhiều tuần qua, khu vực bán tự trị này của Somalia đã phát động một chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn. Mục tiêu là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, có trụ sở tại dãy núi Calmiskaad ở Đông Bắc Puntland. Chính quyền ước tính họ đã tiêu diệt hơn 100 chiến binh trong tuần qua. (Al Jazeera)
*Israel cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ chuyển tiền cho Hezbollah: Ngày 17/2, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Iran trong việc chuyển tiền cho Hezbollah.
Ông Gideon Saar tuyên bố: "Có một nỗ lực của Iran nhằm chuyển tiền vào Lebanon để giúp Hezbollah khôi phục quyền lực và địa vị. Nỗ lực này đang được thực hiện với sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ". (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Doanh nghiệp Mỹ mất 300 tỷ USD khi rời thị trường Nga: Ngày 18/2, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev cho biết các công ty Mỹ đã thiệt hại 300 tỷ USD khi dừng kinh doanh tại Nga.
Trả lời báo giới, ông Dmitriev – người cũng là thành viên quan trọng trong phái đoàn Nga tới Saudi Arabia để đàm phán với Mỹ, cho rằng Washington đã bắt đầu hiểu ra về tầm quan trọng của thị trường Nga.
Trái với báo chí phương Tây, báo chí Nga cho rằng nối lại hợp tác kinh tế là nội dung quan trọng nhất của cuộc gặp Nga-Mỹ tại Saudi Arabia ngày 18/2. (Sputnik)
*Nga thả công dân Mỹ trước thềm đàm phán tại Saudi Arabia: Tờ New York Times (NYT) đưa tin ngày 17/2, Chính phủ Nga đã thả một công dân Mỹ, bị bắt giữ vì tội tàng trữ một lượng nhỏ cần sa, trước thềm các cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga và Mỹ tại Saudi Arabia.
Kalob Byers Wayne, 28 tuổi, bị giam giữ tại sân bay Vnukovo của Moscow trong quá trình kiểm tra hành lý vào ngày 7/2, sau khi các viên chức hải quan phát hiện mứt cam có tẩm cần sa trong hành lý của anh ta. (Reuters)
*Châu Phi kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba: Tại Đại hội đồng lần thứ 38 của Liên minh châu Phi (AU), các nhà lãnh đạo lục địa đen đã đồng thuận thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại đối với Cuba. Đây là lần thứ 16 liên tiếp AU đưa ra yêu cầu này, phản ánh lập trường nhất quán của các quốc gia châu Phi trong việc ủng hộ Cuba.
Theo các nhà lãnh đạo châu Phi, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh Cuba đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt xảy ra gần đây, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế và xã hội của người dân Cuba. (AFP)
*Mexico và Mỹ hướng tới thỏa thuận toàn diện về thương mại và an ninh: Ngày 17/2, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum thông báo Mexico và Mỹ chuẩn bị bước vào vòng đàm phán cấp cao trong tuần này, tập trung vào các vấn đề then chốt về thương mại và an ninh biên giới.
Bên cạnh vấn đề thương mại, hai bên cũng sẽ tổ chức một cuộc họp riêng biệt nhằm hoạch định chiến lược hợp tác song phương toàn diện, bao gồm các lĩnh vực an ninh, kiểm soát biên giới và quản lý di cư. (AFP)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-182-nga-my-dam-phan-ve-ukraine-israel-yeu-cau-hamas-roi-gaza-va-giao-nop-vu-khi-chau-phi-keu-goi-my-bo-cam-van-cuba-304780.html
Bình luận (0)