Lần đầu đến Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), tôi chỉ lướt qua những bức chân dung Bác với đôi chút tò mò của người làm báo. Nhưng trong lần trở lại, khi lặng nghe chị hướng dẫn viên kể về từng tác phẩm, tôi mới thấm thía rằng mỗi bức tranh không chỉ là hình ảnh, mà là cả một câu chuyện lặng thầm về tình yêu nước, về nghệ thuật và lòng tri ân sâu sắc.
Ấn tượng nhất có lẽ là bức tranh vẽ bằng chính máu của họa sĩ Diệp Minh Châu với chủ đề “Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi bắc-trung-nam”. Tác phẩm ra đời trong kháng chiến chống Pháp, là biểu tượng mạnh mẽ của niềm tin và lý tưởng cách mạng.
Không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, đây còn là minh chứng cho lòng yêu nước, sự hy sinh và niềm tin sắt son của người nghệ sĩ miền nam đối với vị lãnh tụ kính yêu.
Bên cạnh Diệp Minh Châu, nhiều nghệ nhân miền Tây cũng dày công sáng tạo nên những bức chân dung Bác Hồ bằng nhiều chất liệu truyền thống mộc mạc.
Nghệ nhân Đặng Mộng Tường (bí danh Nhạn Trắng) là người đầu tiên nghiên cứu vẽ tranh bằng mực nho trên lá chuối, mo cau, với chủ đề xuyên suốt “Sen và Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Hơn 20 năm gắn bó với chất liệu này, ông đã cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm, mang đến một góc nhìn mới về Bác trong lòng người dân Nam Bộ.
Ở một không gian khác trong bảo tàng, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tranh gói vải của nghệ nhân Hồ Văn Tai, người cuối cùng theo đuổi dòng tranh hình nổi trên lụa đã gây xúc động đặc biệt trong tôi.
Bằng đôi tay tài hoa, ông đã tạo nên hơn 3.000 tác phẩm, khắc họa nhiều danh nhân như Bác Hồ, Bác Tôn, Lênin, Nguyễn Trung Trực… Từ tấm lụa mỏng manh, ông thổi hồn vào từng nét chạm, gìn giữ một dòng tranh tưởng đã mai một, gắn liền với văn hóa vùng đất sông nước hiền hòa.
Nghệ nhân Lê Văn Nghĩa (Bảy Nghĩa) ở Đồng Tháp cũng chọn chất liệu gần gũi như lá sen, vỏ tràm… để tạo nên những chân dung Bác mộc mạc mà sâu lắng. Tận dụng màu tự nhiên từ lá, vỏ cây như nâu, vàng nhạt, ngà…, ông đã tạo nên những bức tranh về Bác Hồ hiền từ, gần gũi, đầy tôn kính.
Trong hàng ngàn tác phẩm, có hơn 100 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông thực hiện đã được trưng bày tại nhiều sự kiện văn hóa lớn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian nói chung, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh quê hương “Đất Sen Hồng” Đồng Tháp.
Góp thêm sắc màu cho bộ sưu tập tranh chân dung Bác ở bảo tàng, nghệ nhân Võ Văn Tạng ở An Giang cũng gửi gắm nhiều tác phẩm. Đến nay, ông đã sáng tạo nên hàng chục ngàn tác phẩm từ lá thốt nốt - loài cây gắn bó với đời sống đồng bào Khmer.
Với tình yêu Bác sâu đậm, ông đã dành phần lớn cuộc đời để vẽ hơn 20.000 tác phẩm, trong đó có bức “Di chúc Bác Hồ lớn nhất Việt Nam” được ghi nhận kỷ lục quốc gia. Những bức chân dung bằng lá thốt nốt không chỉ là biểu tượng nghệ thuật, mà còn là cầu nối văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc ở miền Tây Nam Bộ.
Ngoài ra, bảo tàng còn lưu giữ nhiều tác phẩm độc đáo khác: tranh thêu Bác Hồ, tranh Bác Hồ từ gạo của nghệ nhân Ngô Văn Nhớ (Tiền Giang); chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đá granit xay từ Bảy Núi của thầy giáo Võ Hoàng Nam (An Giang); tranh Bác Hồ bằng dây điện thoại của họa sĩ Đỗ Năm (Cần Thơ)… Tất cả tạo nên một không gian nghệ thuật chân thành, sinh động và đầy sáng tạo.
Một số vị trí trưng bày hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ và hình ảnh người dân, du khách tham quan tại bảo tàng.
Dù được thể hiện bằng chất liệu nào, điểm chung của các tác phẩm vẫn là tấm lòng thành kính của người dân miền Tây dành cho vị Cha già của dân tộc. Qua những bức tranh ấy, tình yêu Bác không chỉ sống mãi trong ký ức, mà còn lan tỏa trong từng gam màu, từng thớ lá, từng hạt gạo, trở thành mạch nguồn cảm hứng bất tận cho hôm nay và mai sau.
Nguồn: https://baolangson.vn/tinh-yeu-bac-qua-nhung-gam-mau-chat-lieu-dan-gian-5047532.html
Bình luận (0)