Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tổ chức sản xuất hiện đại - Động lực nâng chất nông thôn mới

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, Tây Ninh xác định tiêu chí số 13 - Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nội dung có vai trò đặc biệt quan trọng. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân, tiêu chí này còn giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với thực tiễn địa phương và yêu cầu hội nhập.

Báo Long AnBáo Long An16/07/2025

Chuyển biến tích cực

Một trong những mô hình tiêu biểu tại tỉnh là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại nông nghiệp Hương Trang (xã Bình Hòa) với gần 200 thành viên, diện tích sản xuất lúa hơn 500ha. HTX này chuyên cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho các thành viên; kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ có tổ chức sản xuất chặt chẽ, các thành viên yên tâm sản xuất, đầu ra ổn định, giá bán tốt hơn, đời sống được cải thiện rõ rệt.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng (xã Nhựt Tảo) giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn cho người tiêu dùng

Tại xã Phước Lý, mô hình liên kết sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đang được mở rộng. HTX Rau an toàn Phước Hiệp là đơn vị đi đầu trong tổ chức vùng sản xuất chuyên canh rau màu sạch, cung cấp cho các bếp ăn, siêu thị lớn tại TP.HCM. Mỗi ngày, HTX tiêu thụ hơn 2 tấn rau các loại.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Phước Hiệp Trần Thanh Minh, để giữ uy tín, HTX quản lý quy trình sản xuất nghiêm ngặt, áp dụng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc rõ ràng; tổ chức kiểm tra đồng ruộng định kỳ. Chính nhờ cách làm bài bản đó, sản phẩm của HTX được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao hơn thị trường từ 10-20%.

Không chỉ phát triển ở lĩnh vực trồng trọt, tổ chức sản xuất hiện đại tại Tây Ninh còn được thể hiện rõ nét trong chăn nuôi. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại chăn nuôi heo, gà theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học.

Nhiều trang trại đã áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, xử lý chất thải bằng biogas hoặc đệm lót sinh học, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này, tạo thành các chuỗi liên kết từ sản xuất - giết mổ - chế biến - tiêu thụ.

Công nhân Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Lý) sơ chế rau trước khi giao cho khách hàng

Trong lĩnh vực kinh tế nông thôn, Tây Ninh đang phát huy hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chương trình được xem là "đòn bẩy" thúc đẩy tổ chức sản xuất bài bản hơn, khuyến khích các chủ thể kinh tế, đặc biệt là HTX và doanh nghiệp nhỏ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn ở Tây Ninh vẫn còn không ít khó khăn. Đầu tiên là tình trạng manh mún, nhỏ, lẻ trong sản xuất vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các vùng sâu, vùng biên giới.

Nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà với mô hình HTX, chưa quen với cách làm bài bản, thiếu sự tin tưởng vào liên kết chuỗi. Trong khi đó, năng lực quản lý và tài chính của nhiều HTX còn yếu, thiếu cán bộ chuyên môn, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thành viên Hợp tác xã Cây ăn trái công nghệ cao Tân Thành (xã Mộc Hóa) sơ chế chuối trước khi giao cho khách hàng

Một vấn đề khác là các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Tây Ninh tuy phong phú nhưng vẫn thiếu liên kết vùng nguyên liệu, khó mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi. Sản phẩm OCOP chủ yếu còn mang tính tiểu thủ công, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường lớn, nhất là thị trường xuất khẩu.

Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy sản xuất của nông dân

Để tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của tiêu chí số 13, tỉnh Tây Ninh xác định cần có những giải pháp đồng bộ và đột phá. Trước hết là đổi mới mạnh mẽ tư duy sản xuất của nông dân, thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình điển hình.

Song song đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ thành lập và củng cố HTX, nhất là các HTX hoạt động hiệu quả, có định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu chuẩn chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định.

Ban Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại nông nghiệp Hương Trang (xã Bình Hòa) cùng thành viên thăm đồng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đinh Thị Phương Khanh cho biết, việc tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại chính là nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tây Ninh đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi nông nghiệp không chỉ dừng lại ở sản xuất mà phải gắn với thị trường, với công nghệ và giá trị gia tăng. Tổ chức sản xuất bài bản, có liên kết và đổi mới chính là con đường tất yếu để nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững thành quả nông thôn mới và xây dựng vùng nông thôn đáng sống.

Có thể nói, tiêu chí số 13 không chỉ là một điều kiện kỹ thuật trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà còn là nội dung mang tính chiến lược, góp phần chuyển hóa toàn diện nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Khi tổ chức sản xuất hiệu quả, kinh tế nông thôn khởi sắc, nông dân sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất - không chỉ có thu nhập ổn định mà còn có thể yên tâm, tự tin làm chủ trên chính mảnh đất quê hương mình./.

Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/to-chuc-san-xuat-hien-dai-dong-luc-nang-chat-nong-thon-moi-a198839.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm