Toạ đàm nhằm tạo ra một diễn đàn đối thoại cởi mở, thiết thực giữa các các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý nhà nước… trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của các TCTD đã hết hiệu lực, đang gây ra một số khó khăn trong lĩnh vực này.
Tọa đàm sẽ có sự tham dự của đại diện Bộ Tư pháp, đại diện Báo Pháp luật Việt Nam, Ngân Hàng Nhà nước, các vị lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, chuyên gia pháp lý, các cơ quan báo chí – truyền thông...
Theo Ban tổ chức Tọa đàm, XLNX không chỉ là câu chuyện nội bộ của ngành ngân hàng, mà là vấn đề chung của nền kinh tế – nơi người dân, doanh nghiệp và cơ quan công quyền cùng có trách nhiệm trong việc bảo đảm sự ổn định tài chính, khơi thông nguồn vốn và tạo dựng lòng tin thị trường.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, mỗi tháng, hệ thống TCTD xử lý được trung bình 5.800 tỷ đồng nợ xấu – cao hơn gần 2.300 tỷ so với thời điểm trước khi có Nghị quyết. Tổng cộng, hơn 443.800 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý. Tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ tăng từ khoảng 20% lên đến hơn 36%, hình thức xử lý nợ thông qua phát mại tài sản bảo đảm (TSBĐ) cũng đạt gần 21%.
Tuy nhiên, kể từ ngày Nghị quyết 42/2017 hết hiệu lực (1/1/2024), một khoảng trống pháp lý đã xuất hiện, đặc biệt là việc TCTD không còn quyền thu giữ, xử lý TSBĐ – được xem là “linh hồn” của Nghị quyết. Trong hai tháng đầu năm 2025, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đã tăng thêm 34.000 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên mức vượt ngưỡng cảnh báo 3% theo thông lệ quốc tế.
Tham dự tọa đàm, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến về tính cấp thiết phải luật hoá một số vấn đề trong Nghị quyết 42/2017/QH14; Quyền thu giữ giữ tài sản bảo đảm theo phương thức có điều kiện; Trách nhiệm của chính quyền cấp xã và cơ quan công an tại địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ và giám sát quá trình thu giữ, đặc biệt trong việc giữa an toàn, an ninh trật tự, xử lý các tình huống phát sinh; Tăng quyền cho TCTD; Bảo vệ người đi vay; Phân định rõ nợ xấu do lỗi khách quan và lỗi chủ quan để có ứng xử phù hợp; việc kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản bảo đảm trong trường hợp TCTD bán khoản nợ xấu có TSBĐ; Cơ chế cho TCTD chủ động xử lý TSBĐ…
Tọa đàm được thực hiện dưới sự tài trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Công ty Cổ phần Tập đoàn MCV và Công ty Cổ phần Công nghệ Di Động Việt.
Nguồn: https://baophapluat.vn/toa-dam-luat-hoa-mot-so-van-de-theo-tinh-than-nghi-quyet-422017qh14-cua-quoc-hoi-ve-xu-ly-no-xau-post549222.html
Bình luận (0)