(NB&CL) Đó là tâm huyết và mong muốn của những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong sự kiện tới đây tại Hội Báo Xuân Ất Tỵ tỉnh Hưng Yên. Sự phối hợp đặc biệt này hứa hẹn sẽ mang đến những dấu ấn sâu sắc, đáng nhớ cho công chúng. Đây cũng là sự kiện “mở màn” cho ý tưởng phối hợp với các địa phương trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam mà tới đây sẽ còn tiếp tục lan toả ở nhiều địa phương khác.
Từ nguyện vọng của địa phương…
Vì sao có sự phối hợp này? - Bà Trần Thị Kim Hoa - cố vấn thường trực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: Xuất phát từ nguyện vọng của Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên, ngay từ giữa năm 2024, Hội Nhà báo Hưng Yên đã trao đổi về kế hoạch hợp tác với Bảo tàng Báo chí Việt Nam để tổ chức sự kiện trưng bày về 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam và trưng bày về báo chí Hưng Yên, tạo điểm nhấn tại Hội báo Xuân tỉnh Hưng Yên năm 2025. Mong muốn tạo sự khác biệt từ phía địa phương dường như đã hoà nhịp với mong muốn và nhu cầu của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
“Khi đi làm việc với các địa phương trong cả nước, chúng tôi thấy rằng, báo chí địa phương rất đặc biệt, đất nước Việt Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau đều có báo – Đài địa phương và đều có lịch sử riêng của họ trong nhiều thập kỷ. Từ đấu tranh cách mạng cho đến hoà bình thống nhất, đến đổi mới, hội nhập, báo chí đều có những câu chuyện xúc động, ý nghĩa về vai trò, sứ mệnh… Vì vậy nói đến Báo chí Cách mạng không chỉ nói đến báo chí Trung ương, các tờ báo lớn mà còn có báo chí địa phương…
Và đó cũng là lí do mà chúng tôi rất sẵn lòng triển khai phối hợp với địa phương để tôn vinh và tự hào về điều ấy. Cũng bởi suy nghĩ đó, trong hành trình sưu tầm, Bảo tàng đã rất quan tâm đến khu trưng bày báo chí địa phương nhưng khu vực đó vẫn còn ít ỏi so với thực tế… Thực hiện chuỗi sự kiện tôn vinh và tự hào Báo chí Cách mạng ở từng địa phương sẽ là công việc vất vả nhưng cũng là trách nhiệm của Bảo tàng. Mỗi địa phương sẽ phải tìm cách làm mới, làm sâu sắc hơn nữa…” – bà Trần Thị Kim Hoa nhấn mạnh.
Không gian trưng bày tại Hội báo Xuân Hưng Yên đã cơ bản hoàn thiện. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh và Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo tỉnh hứa hẹn sự thành công cho sự kiện.
Tại sự kiện, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ triển khai gian trưng bày với điểm nhấn là tái hiện lại lịch sử 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam và báo chí Hưng Yên trong dòng chảy lịch sử đó. Công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những ấn phẩm báo chí quý, một số tờ báo Xuân qua các thời kỳ, cũng như những hiện vật gắn liền với hoạt động làm báo của các thế hệ nhà báo Việt Nam. Điểm đáng chú ý nữa là những câu chuyện được kể về các nhân vật và sự kiện gắn liền với các mốc son của báo chí Hưng Yên, các nhà báo liệt sỹ và gương mặt báo chí Hưng Yên tiêu biểu…
Thông qua các hình ảnh, tài liệu hiện vật và câu chuyện được trưng bày, công chúng sẽ hiểu hơn lịch sử phát triển của báo chí Việt Nam, về những đóng góp to lớn của các thế hệ nhà báo trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, công chúng sẽ hiểu hơn về những đóng góp của báo chí Hưng Yên trong dòng chảy chung của báo chí nước nhà.
Có thể nói, sự hiện diện của Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ làm phong phú thêm bức tranh toàn cảnh của Hội Báo Xuân Ất Tỵ Hưng Yên, đồng thời mang đến những giá trị văn hóa và lịch sử ý nghĩa…
Chạy đua, bứt tốc để thực hiện đồng thời nhiều kế hoạch
Lần đầu tiên Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Hưng Yên tổ chức Hội báo Xuân Ất Tỵ tỉnh Hưng Yên, dự kiến diễn ra vào ngày 21/2/2025 nhưng sẽ không chỉ dừng lại câu chuyện của báo chí một địa phương, mà dự kiến sẽ tiếp tục lan toả… Và một trưng bày không thể phác hoạ hết, dựng lại được hết lịch sử hay tôn vinh được thành tựu đó nên cần phải có nhiều hoạt động tiếp nữa.
Bà Trần Thị Kim Hoa cho biết: “Chúng tôi lựa chọn thời điểm này để phối hợp với các địa phương thực hiện mạch tôn vinh và tự hào về Báo chí Cách mạng là bởi năm nay là thời điểm vàng, thời điểm trăm năm có một… để những người còn sống hôm nay có cơ hội được tri ân lịch sử, tri ân những nhà báo đi trước... Một dịp để nhìn lại chúng ta đã làm được gì, để lại những gì và bây giờ sẽ tiếp tục phải làm gì, có những món nợ gì với cha ông chưa trả được”.
Bà Hoa cũng chia sẻ thêm rằng, Bảo tàng Báo chí đã và đang tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai phối hợp với Hội Nhà báo Quảng Trị và sẽ tổ chức “Ngày hội báo chí Quảng Trị”. Trong ngày hội đó, ngoài trưng bày “Lịch sử 100 năm và tự hào báo chí Quảng trị” thì còn có hội thảo nhận diện lại đóng góp, thành tựu, trách nhiệm báo chí đối với Quảng Trị và đất nước…
Từ Quảng Trị, dòng chảy đó sẽ tới TP. Hồ Chí Minh với kế hoạch trưng bày tại Đường Đồng Khởi và dự kiến có cuộc hội thảo về nhà báo chiến trường… và cứ như vậy, mỗi tỉnh phối hợp sẽ có những ý tưởng riêng gắn với từng nét đặc sắc, độc đáo của báo chí địa phương. Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn sẽ nói được nhiều hơn, kể được nhiều hơn, tôn vinh được nhiều hơn, cùng phác hoạ lại được nhiều điều mà người làm báo được trải qua và chứng kiến, đã có cơ hội được trải nghiệm…
Qua hình ảnh trưng bày để hiểu hơn về lịch sử phát triển của báo chí Việt Nam.
Có thể nói, tiến tới 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, những ngày này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã và đang chạy đua và bứt tốc để thực hiện đồng thời nhiều kế hoạch. Mục tiêu cho các nội dung trưng bày, hội thảo có sự phối hợp với địa phương chắc chắn sẽ là điểm nhấn đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của công chúng và góp phần tôn vinh những giá trị lịch sử trong hành trình một thế kỷ xung trận của Báo chí Cách mạng Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống báo chí của từng địa phương.
Sông Mây
Nguồn: https://www.congluan.vn/ton-vinh-nhung-gia-tri-lich-su-trong-hanh-trinh-mot-the-ky-post335236.html
Bình luận (0)