1. Thắng cố
Đây là một trong những món ngon nổi tiếng tại các phiên chợ vùng cao và các nhà hàng của Hà Giang. Thắng cố tiếng Mông gọi là Khấu Tha có nghĩa là canh thịt, bao gồm toàn bộ nội tạng của bò, trâu hoặc dê; nhưng thắng cố bò là ngon nhất. Để nấu nồi thắng cố, người ta sẽ lấy nội tạng và bốn chi dưới của con bò đem rửa sạch rồi thái hình vuông bằng hai đốt ngón tay, ướp mắm muối, hạt tiêu, hạt dổi, sả, gừng; khi nước sôi thì thả thịt vào ninh cho đến khi chín đều, thả tiết đã được đánh đông thành những miếng vuông nhỏ đổ vào, đảo đều khi tiết chín là được. Thắng cố nên ăn cùng với mèn mén và uống với bát riệu ngô là tuyệt vời nhất. Món ăn thắng cố và thịt lợn cắp nách được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam (lần thứ V năm 2021 – 2022).
Giá một bát thắng cố từ 50.000-60.000 vnđ tại các phiên chợ vùng cao; từ 800.000-1.500.000 vnđ/1 nồi tại các nhà hàng.
2. Thắng Dền
Nguyên liệu chính của Thắng Dền là bột nghiền từ gạo nếp, khi nấu chín được rắc thêm lạc rang, hạt vừng, ít cùi dừa tươi và chan cùng nước đường gừng cay nồng có tác dụng rất tốt trong việc làm ấm cơ thể. Món ăn này ăn ngon nhất khi còn nóng, thích hợp ăn khi vào mùa đông giá lạnh.
Món Thắng Dền tại Phố cổ Đồng Văn Hà Giang.
Giá bán 1 bát Thắng Dền khoảng từ 15.000-25.000vnđ.
3. Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp chính là món ăn truyền thống làm nên thương hiệu của đặc sản Hà Giang. Thịt trâu gác bếp mang đậm phong cách ẩm thực của đồng bào Hà Giang.
Thịt trâu tươi được tẩm ướp với hạt mắc khén tê cay cùng các gia vị truyền thống, sau đó mang treo gác bếp để lấy vị khói bếp đặc trưng sẽ ra thành phẩm món Thịt trâu gác bếp của miền núi. Phần thịt bên ngoài có màu nâu sẫm nhưng bên trong lại có màu đỏ bắt mắt và đậm vị.
Giá bán giao động từ 800,000 - 1,100,000 vnđ/1 kg.
4. Món ăn Rêu đá
Món ăn Rêu đá được coi là đặc sản thiên nhiên ban tặng mà không cần phải bỏ tiền đi mua nguyên liệu về chế biến. Rêu mọc tự nhiên trên các mỏm đá, bám vào các gờ đá dưới lòng suối được lấy về sơ chế cho đến khi hết cát và chất bẩn. Sau khi sơ chế xong thì có thể chế biến các món ăn, như: Rêu hấp, canh rêu, rêu xào, nộm rêu, rêu nướng tùy theo sở thích của mỗi người. Món ăn Rêu đá có chủ yếu ở các huyện phía Tây của Hà Giang, nơi có nhiều đồng bào là người dân tộc Tày sinh sống.
Rêu được gói vào lá và đem đi nướng.
Giá giao động từ 120.0000-150.000 vnđ/1 đĩa tại các nhà hàng, homestay.
5. Bánh chưng gù
Bánh chưng gù là một loại bánh đặc trưng, phổ biến được làm từ gạo nếp của đồng bào dân tộc Tày Hà Giang. Nhân bánh được làm bằng đỗ xanh bỏ vỏ và thịt lợn đen thái mỏng. Bánh có hình dáng giống như người phụ nữ đeo gùi trên lưng đang cúi xuống. Đây là một loại bánh không thể thiếu trong ngày lễ, tết của người Tày. Bánh được gói rất cẩn thận và được bày trí trên bàn thờ để thờ cúng tổ tiên và sử dụng trong các bữa ăn truyền thống. Đến nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường phát triển du lịch, nhiều cơ sở uy tín đã gói hàng nghìn chiếc bánh Chưng gù mỗi ngày để bán ra thị trường.
Bánh chưng gù thường có hai loại: Bánh chưng đen và bánh chưng xanh. Đối với Bánh chưng đen, người Tày sẽ tạo màu bằng nhiều cách khác nhau như dùng cây nếp, cây núc nác, cây vừng, cây xoan muối... được rửa sạch, phơi khô, đốt thành than rồi đem giã thật mịn trộn với gạo khi luộc chín sẽ cho ra bánh màu đen.
Còn đối với bánh chưng xanh thường thì sẽ được người Tày lấy lá cây giềng say đặc lấy nước trộn với gạo khi luộc bánh sẽ có màu xanh hấp dẫn, bắt mắt mà vẫn giữ được hương vị thơm ngọt của gạo.
Giá bán giao động từ 10.000 – 35.000 vnđ/1 chiếc tuỳ vào cỡ bánh to hay bé.
6. Thịt Bò Vàng
Thịt bò vàng là thành phẩm từ con Bò Vàng (bò Mông, hay bò Mèo) là giống bò bản địa của tỉnh Hà Giang được nuôi chủ yếu tập trung ở 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là giống bò có khả năng chống chịu khá tốt với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng; trở thành sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang vào năm 2018. Với chất lượng thịt đặc biệt, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Đây không chỉ là sản phẩm nông sản nổi bật mà còn là nguồn thu nhập quan trọng đối với hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Sản phẩm thịt bò H’Mông chất lượng cao được đóng gói, bảo quản đi tiêu thụ.
Giá bán thịt bò tươi dao động từ 400.000 – 450.000 đồng/kg tùy từng loại thịt.
7. Rau cải cay muối chua
Rau cải cay là một loại rau quen thuộc ở vùng cao Hà Giang, thường được đồng bào người Mông, Lô Lô trồng xen kẽ cùng với một số loài cây khác. Bạn dễ dàng bắt gặp loại rau này được bày bán nhiều, rất rẻ tại các phiên chợ vùng cao. Chỉ cần thấy khung cảnh người người xúm xít những gian hàng rau cải cay cũng đủ biết rằng hương vị của nó đặc biết đến nhường nào.
Rau cải cay sau khi được muối chua.
Thân cải sau khi tước bỏ lớp vỏ già cứng bên ngoài, cắt ngắn sẽ được cho vào muối không gia vị. Rau cải sau khi chần cải qua nước sôi nóng, người ta sẽ ủ toàn bộ cải vào trong nồi đậy vung kín hoặc buộc kín trong túi nilông để qua đêm, hoặc ủ khoảng 10 giờ. Khi đó, thân cải màu xanh sẽ ngả sang màu cỏ úa, tinh dầu cải tiết ra. Thông thường người dân hay muối ủ rồi lấy cải đã muối ra chế biến, nêm nếm gia vị thành món dưa cải xào.
Giá bán khoảng từ 60.000-80.000 vnđ/1 đĩa dưa cải xào.
8. Đặc sản bánh Tam giác mạch
Hà Giang nổi tiếng với những cánh đồng, thửa ruộng trồng hoa Tam giác mạch. Bánh được làm từ hạt của cây Tam giác mạch. Từ những hạt tam giác mạch nhỏ hơn hạt đậu được những người dân ở đây xay thành thứ bột thật mịn màng, sau đó cho bột hòa lẫn với nước lã thành bột dẻo, rồi cho vào khuôn truyền thống đúc thành từng miếng bánh tròn xoe. Bánh Tam giác mạch được nướng trên than hoa, xếp thành từng chồng nhìn rất bát mắt. Bánh mang lại hương vị đặc biệt, mềm mềm, xôm xốp, vị ngọt thanh thanh, càng nhai càng bùi, lâu lâu lại phảng phất hương thơm riêng của cây rừng. Vì công đoạn làm bánh rất phức tạp nên hiện không có quá nhiều người làm bánh để bán. Du khách muốn thưởng thức phải đến phiên chợ hoặc những điểm bán hàng trên phố Cổ Đồng Văn và một số điểm du lịch trên địa bàn các huyện vùng cao.
Bánh Tam giác mạch được nướng tại khu phố Cổ Đồng Văn.
Giá bán là 10.000 vnđ/1 chiếc bánh.
9. Hồng không hạt Quản Bạ
Khác với quả Hồng không hạt ở các địa phương khác, Hồng không hạt ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang thuộc loại hồng ngâm, giống bản địa, được đồng bào dân tộc nơi đây trồng từ lâu đời. Quả hồng nhỏ, không to, khi chín có màu vàng, nhiều bột cát, nhưng đậm vị, giòn ngon rất khác biệt so với loại hồng nơi khác. Quả hồng thường chín vào khoảng tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Sản phẩm quả Hồng không hạt huyện Quản Bạ được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý vào năm 2017. Vào dịp cuối năm, nếu lên vùng cao Hà Giang, đi qua huyện Quản Bạ, bạn có thể mua hồng được bày bán dọc theo đường quốc lộ, hai bên vệ đường, khắp các chợ.
Giá dao động từ 40.000-6.000 nghìn đồng/1kg.
10. Bánh cuốn Hà Giang
Bánh cuốn là món dùng để ăn sáng và ăn trưa của không chỉ người dân bản địa Hà Giang mà còn được du khách ưa thích. Vỏ bánh được làm từ bột gạo hấp trắng mỏng, mềm mịn và rất thơm. Bên trong bánh cuốn là nhân thịt năm cùng mộc nhĩ. Khác với miền xuôi, bánh cuốn Hà Giang được dùng với nước chấm hầm từ xương lợn. Bánh cuốn ăn kèm với giò lợn, hành khô và rau thơm, thêm chút ớt chưng hoặc măng ớt ngâm chua sẽ tăng thêm gia vị ngon của món bánh cuốn Hà Giang. Đây là món ăn bạn nên thưởng thức khi đến bất kỳ nơi nào của tỉnh Hà Giang.
Giá bán từ 15.000 vnđ/1 đĩa cho khoảng 6 chiếc bánh.
Nguồn: https://hagiang.gov.vn/thong-tin-du-lich/top-10-mon-an-ngon-khi-di-du-lich-ha-giang-610202
Bình luận (0)