Lời tòa soạn:
Sau 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, TPHCM đã chuyển mình, trở thành trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước. Nơi đây, dòng chảy đổi mới không ngừng len lỏi vào từng lĩnh vực - từ hạ tầng, công nghệ cho đến cách người dân sống, làm việc và kết nối với thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng kéo theo những bài toán không dễ giải: áp lực dân số, hạ tầng quá tải, biến đổi khí hậu, khoảng cách phát triển giữa nội thành và vùng ven…
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang triển khai nhiều quyết sách lớn để tạo thế và lực mới cho đất nước, TPHCM - với vai trò là đầu tàu - cũng cần nhanh chóng "giải” những bài toán của riêng mình với một tầm nhìn dài hạn, bao quát và thực tiễn.
VietNamNet giới thiệu loạt bài “TPHCM: Tháo gỡ những điểm nghẽn để vươn mình trong tương lai”. Đây là tập hợp các đề xuất và tư vấn chiến lược từ các chuyên gia làm việc lâu năm ở các quốc gia phát triển, có góc nhìn toàn cầu nhưng luôn đau đáu với tương lai của thành phố. Tất cả đều chung một mong muốn: TPHCM sẽ trở thành một đô thị thông minh, đáng sống, hài hòa với thiên nhiên, mang bản sắc riêng trong dòng chảy toàn cầu hóa.
TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa sinh năm 1977, lớn lên ở TPHCM trong thời hậu chiến. Ký ức tuổi thơ của ông gắn với dòng sông xanh mát, những lễ hội đua thuyền và những bát cơm độn bo bo...
Tốt nghiệp đại học, ông rời thành phố, sang châu Âu học tập và làm việc. Mỗi lần trở về, ông lại bất ngờ trước sự đổi thay mạnh mẽ của thành phố, đi kèm với đó là những “vết thương” của một đô thị phát triển quá nhanh, cần được “chữa lành”.
Sau 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, TPHCM đã khoác lên mình diện mạo mới, trở thành trung tâm kinh tế đi đầu của cả nước. Ảnh: Hoàng Hà
“Trong tất cả các kế hoạch tương lai, chúng ta cần đặt môi trường lên hàng đầu. Chúng ta phải đặt phát triển bền vững làm kim chỉ nam cho mọi sự phát triển của TPHCM.
Nếu làm được như vậy, trong tương lai, TPHCM không chỉ là trái tim của kinh tế cả nước mà còn là không gian sống xanh tươi, nơi người dân không chỉ đến vì nhu cầu kinh tế mà còn vì sự kết nối, bình yên và tự hào.
Tôi mong rằng, sau 50 năm và trong nhiều năm tới, TPHCM sẽ trở thành một biểu tượng không chỉ của sự thịnh vượng về vật chất mà còn về tinh thần” - ông Khoa chia sẻ.
3 trụ cột chiến lược
Với vai trò cố vấn cao cấp tại Viện Địa kỹ thuật Na Uy và Giám đốc mạng lưới Năng lượng và Biển thuộc tổ chức AVSE Global, TS Khoa cùng các chuyên gia đưa ra định hướng chiến lược cho TPHCM xoay quanh 3 trụ cột: kinh tế số, phát triển bền vững và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để đạt được mục tiêu khá tham vọng là kinh tế số chiếm 45% GDP của thành phố vào năm 2030, theo TS Khoa, trước hết, hạ tầng công nghệ thông tin phải được ưu tiên đầu tư đồng bộ nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo - mô hình đã được Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) ứng dụng hiệu quả.
“Đây là yếu tố cốt lõi để thu hút các startup, nuôi dưỡng các ý tưởng công nghệ và phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn” - ông Khoa nói.
Một ví dụ tiêu biểu là dự án Thủ Thiêm Eco Smart City trị giá 2 tỷ USD do một tập đoàn Hàn Quốc đầu tư, hướng đến xây dựng đô thị thông minh với hạ tầng IT hiện đại, tích hợp các dịch vụ tài chính, thương mại, giải trí.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số sẽ giúp TPHCM quản lý đô thị hiệu quả hơn, từ giao thông thông minh đến cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.
TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa - cố vấn cao cấp tại Viện Địa kỹ thuật Na Uy, Giám đốc mạng lưới Năng lượng và Biển, AVSE Global. Ảnh: NVCC
Theo ông Khoa, phát triển bền vững là yếu tố sống còn trong quy hoạch và phát triển bất cứ đô thị nào. Với vị trí địa lý đặc thù, TPHCM là đô thị dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, ngập lụt và nước biển dâng.
Thành phố cũng cần khẩn trương triển khai các giải pháp thích ứng, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị cần gắn với không gian xanh, hành lang xanh, công viên mở… Giao thông công cộng hiện đại, đặc biệt là mạng lưới metro và xe buýt điện, cũng đóng vai trò then chốt trong việc giảm khí thải và cải thiện môi trường sống.
Đáng chú ý, TS Khoa lưu ý đến “bài toán cũ nhưng nan giải”, là hệ thống thoát nước của TPHCM.
“Hệ thống được xây từ thời Pháp, thiết kế cho 500.000 dân, trong khi dân số hiện nay của thành phố đã gần 10 triệu người. Việc cải tạo là bắt buộc để ứng phó với ngập lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Mọi công trình hạ tầng lớn như cao tốc, cảng biển, đường sắt liên tỉnh… cần được thiết kế với tiêu chuẩn khí hậu thích ứng, sử dụng vật liệu sạch và công nghệ thân thiện môi trường”.
Yếu tố trụ cột thứ 3 là nguồn nhân lực. TS Khoa nhận định đây là yếu tố then chốt cho mọi sự phát triển. Theo ông, TPHCM cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Ông đề xuất đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu - mô hình mà nhiều nước châu Âu đã thực hiện hiệu quả. Việc liên kết đào tạo liên ngành, xuyên quốc gia sẽ tạo ra đội ngũ nhân lực có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Tinh gọn bộ máy, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chung
Trong bối cảnh làn sóng cải cách hành chính đang được xúc tiến mạnh mẽ từ Trung ương, thì TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - được kỳ vọng sẽ tiên phong trong việc tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa quản trị và định hình lại mô hình phát triển phù hợp với tầm vóc một đô thị lớn trong khu vực.
Theo TS Đinh Thanh Hương - Giám đốc điều hành Tri thức và Dự án AVSE Global, từ năm 2023, tổ chức đã tư vấn cho chính quyền TPHCM một chương trình cải cách hành chính gồm nhiều vấn đề, gồm: tinh giản bộ máy, hiệu quả hóa bộ máy và số hóa toàn diện.
“TPHCM có nền kinh tế tư nhân rất năng động, nhưng bộ máy hành chính lại chưa bắt kịp tốc độ phát triển đó. Việc tinh gọn bộ máy là điều kiện tiên quyết để thành phố có thể vận hành hiệu quả và phản ứng nhanh với nhu cầu phát triển” - TS Hương nhận định.
Các vấn đề tinh giản bộ máy, số hóa... đã được AVSE đề xuất với TPHCM từ năm 2023. Ảnh: Hoàng Hà
Một trong những kiến nghị quan trọng mà AVSE từng đề cập là tinh gọn bộ máy hành chính và đơn giản hóa thủ tục. Theo đó, thành phố cần rà soát lại quy trình xử lý công việc giữa các sở, ban, ngành để loại bỏ các khâu trung gian không cần thiết, từ đó rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đi kèm với đó là việc số hóa toàn bộ văn bản, giấy tờ và quy trình hành chính. Yêu cầu này không mới nhưng vẫn đang bị chậm triển khai ở nhiều cấp độ.
“Đến nay vẫn còn tình trạng cán bộ sử dụng email cá nhân để tiếp nhận tài liệu quan trọng từ cơ quan nhà nước. Việc đó không chỉ kém chuyên nghiệp mà còn tiềm ẩn rủi ro về bảo mật thông tin” - chuyên gia của AVSE cảnh báo.
AVSE cho rằng TPHCM cần xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, được kết nối giữa các cơ quan nhà nước, đảm bảo tính liên thông và minh bạch trong quá trình ra quyết định. Cơ sở dữ liệu này cũng sẽ tạo tiền đề để thành phố ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) trong quản lý đô thị thông minh.
Sáp nhập hành chính: Bước đi đột phá
Song song với cải cách hành chính, một nội dung khác được AVSE đánh giá là đột phá và cấp thiết là sáp nhập tỉnh, thành và tái cấu trúc đơn vị hành chính.
Từ góc nhìn chuyên môn, TS Hương cho rằng: “Hiện nay, có những tỉnh dân số chỉ hơn 600 nghìn người như Quảng Trị, trong khi một huyện như Bình Chánh của TPHCM đã gần 1 triệu dân. Điều này tạo nên sự không hợp lý trong phân bổ nguồn lực, nhân sự và tổ chức bộ máy”.
Việc sáp nhập không chỉ giúp giảm đầu mối hành chính mà còn góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Thay vì duy trì 3 UBND tỉnh, 3 bộ máy vận hành độc lập, khi gộp lại chỉ cần 1 UBND cấp tỉnh và các sở ngành tương ứng, giúp tiết kiệm ngân sách đáng kể. Ngoài ra, khi số lượng đầu mối giảm, việc ban hành và triển khai chính sách cũng thuận lợi, đồng bộ và hiệu quả hơn.
“Thay vì có 63 Sở Khoa học và Công nghệ như hiện nay, sau sáp nhập, con số này chỉ còn 34. Như vậy, các chính sách về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… sẽ dễ dàng được thực hiện và giám sát hơn nhiều” - TS Hương phân tích.
TS Đinh Thanh Hương khẳng định sáp nhập tỉnh, thành, tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn. Ảnh: NVCC
TS Hương cho biết rất vui mừng khi những đề xuất, tư vấn trước kia của AVSE đang dần dần được đưa vào thực tiễn. Một trong các nội dung đó là cơ chế tài chính linh hoạt để hỗ trợ quá trình tinh giản bộ máy, chẳng hạn như gói hỗ trợ nghỉ hưu sớm cho cán bộ.
Theo nữ chuyên gia, thay vì duy trì công việc ổn định nhưng thiếu động lực, những người có năng lực có thể dùng khoản hỗ trợ này để khởi nghiệp, đầu tư vào sản phẩm địa phương hoặc hỗ trợ con cái lập nghiệp.
“Điều này sẽ tạo ra dòng chảy mới giữa khu vực công - tư, giúp kích thích đổi mới sáng tạo và kinh tế địa phương” - bà nói.
AVSE cho rằng việc mở rộng địa giới hành chính của TPHCM, kết nối với các địa phương lân cận sẽ hình thành một vùng đô thị lớn với hệ sinh thái kinh tế - công nghiệp - đổi mới sáng tạo - logistics hoàn chỉnh.
Theo TS Hương, những địa phương này đều đã có tiềm lực: Bình Dương có khu công nghiệp phát triển, còn Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế về cảng quốc tế và du lịch. Khi liên kết lại, TPHCM sẽ hình thành một hệ sinh thái đủ tầm để cạnh tranh với các mô hình thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, thành phố cần có chiến lược sắp xếp lại cấp hành chính, phân bổ lại nguồn lực và xác lập rõ vai trò từng địa phương trong tổng thể liên kết. Việc này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, sự đồng thuận của trung ương và các tỉnh, cùng với một lộ trình triển khai rõ ràng, bài bản.
Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, được thành lập vào năm 2011. Tính đến năm 2019, tổ chức đã tập hợp được hơn 10.000 trí thức chuyên gia cấp cao và các nhà khoa học người Việt trên toàn cầu đang làm việc trong nhiều lĩnh vực.
Thành lập tại Pháp, AVSE Global hoạt động với sứ mệnh kết nối tri thức Việt toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức và công nghệ.
Tổ chức này triển khai nhiều chương trình chiến lược trong các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, công nghệ, đô thị thông minh, và đổi mới sáng tạo. AVSE Global thường xuyên phối hợp với các cơ quan nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp để tổ chức hội thảo, diễn đàn quốc tế, và các dự án phát triển năng lực.
Với mạng lưới chuyên gia trải rộng trên hơn 20 quốc gia, AVSE Global trở thành cầu nối quan trọng giữa nguồn lực trí tuệ Việt Nam toàn cầu và các nhu cầu phát triển trong nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bài tiếp: Cơ hội đột phá và khát vọng thương hiệu toàn cầu của thành phố 80% dân nhập cư
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/tphcm-nua-the-ky-phat-trien-qua-nhanh-va-nhung-vet-thuong-can-chua-lanh-2393019.html
Bình luận (0)