Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trần Công Minh: Cơn lốc biên phải

Là chàng trai tỉnh lẻ với xuất phát điểm khiêm tốn nhưng hậu vệ phải Trần Công Minh vẫn tạo được vị thế lẫy lừng giữa dàn cầu thủ thế hệ vàng bóng đá VN Việt Nam

Báo Thanh niênBáo Thanh niên01/05/2025

KHÚC CUA QUAN TRỌNG CỦA CUỘC ĐỜI

Trần Công Minh sinh năm 1970 tại H.Lai Vung, Đồng Tháp. Với những thiếu niên nơi xóm nghèo ở Lai Vung ngày ấy, niềm đam mê lớn nhất là bóng đá. Những trận đấu trên sân gạch, sân ruộng trở thành nơi nung nấu, nuôi dưỡng đam mê trong sự nghiệp của Công Minh sau này. Với đôi chân nhanh nhẹn, khéo léo và những cú dốc bóng đầy tốc độ, chàng trai trẻ Trần Công Minh có thể "cân" cùng lúc 2, 3 đàn anh hơn mình vài tuổi.

Trần Công Minh: Cơn lốc biên phải- Ảnh 1.

Trần Công Minh từ cậu bé vùng quê nghèo đã trở thành một trong những hậu vệ hay nhất lịch sử bóng đá VN

ẢNH: TƯ LIỆU

Ít người biết rằng thuở ban đầu Trần Công Minh không chọn nghiệp đá bóng. Ông được gia đình định hướng học hết cấp 3 rồi theo ngành sư phạm. Công Minh thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp (khoa giáo dục thể chất), với dự định sau khi tốt nghiệp sẽ về quê làm thầy dạy thể dục. Tuy nhiên, số phận đã rẽ hướng cho Công Minh sang một lựa chọn khác.

Câu nói "nếu là vàng, nhất định phải lấp lánh" rất đúng với sự nghiệp của Trần Công Minh. Giới chuyên môn sớm nhận ra tài năng thiên bẩm của chàng sinh viên có khuôn mặt rất hiền. Chính những bước chạy như cơn lốc ở biên phải khi chơi cho đội bóng của trường đã giúp Công Minh được CLB Đồng Tháp chú ý. Bản hợp đồng chuyên nghiệp được ký kết, đưa chàng trai quê Lai Vung vào khúc cua quan trọng của cuộc đời. Công Minh gia nhập CLB Đồng Tháp ở thời điểm đội có những "quái kiệt" như Trần Thanh Nhạc, Trịnh Tấn Thành hay Huỳnh Quốc Cường. Ngày ấy, bóng đá miền Tây ở giai đoạn đi lên, cuộc đua vị trí chính thức rất cam go. Công Minh cũng phải nỗ lực tột độ mới được xuất hiện ở đội hình xuất phát. Và cứ thế, sự nghiệp của anh mở ra trang mới.

Trần Công Minh nâng VỊ TRÍ HẬU VỆ PHẢI THÀNH NGHỆ THUẬT

So với những danh thủ cùng thời, Công Minh không có chất rắn rỏi lực lưỡng như Lê Huỳnh Đức, cũng không phải mẫu cầu thủ khiến tất cả ồ lên chỉ với một pha xử lý như Hồng Sơn "công chúa". Công Minh tài hoa theo kiểu khác và kèm với tài năng còn có sự kiên trì, nhẫn nại đến… đáng sợ. Chàng trai Đồng Tháp không chỉ phòng ngự tốt, theo kèm người cực rát và dẻo dai, mà còn có những bước chạy như lốc cuốn ở biên. Dù là đá trên sân ruộng hồi nhỏ, rồi chuyển đến CLB Đồng Tháp và bước lên đội tuyển VN, phong cách của anh không thay đổi.

Trần Công Minh: Cơn lốc biên phải- Ảnh 2.

Trần Công Minh được ví như cơn lốc ở đường biên

ẢNH: TƯ LIỆU

Công Minh nâng tầm vị trí hậu vệ phải lên thành nghệ thuật, với những pha đảo chân, rê dắt cực nhanh. Giới hâm mộ nói vui rằng một thời đường biên phải ở sân Cao Lãnh (Đồng Tháp) cỏ khó… mọc được, bởi Công Minh chạy quá nhiệt. Hậu vệ sinh năm 1970 công thủ toàn diện, mà theo nhận xét của cựu trưởng đoàn Dương Vũ Lâm của đội tuyển VN thì: "Công Minh là một trong những hậu vệ biên tốt nhất, thi đấu quyết liệt, lên xuống dọc biên không biết mệt. Công Minh nổi bật nhất thời đó ở Đồng Tháp, rồi sau đó là đội tuyển".

Công Minh khoác áo đội tuyển VN năm 1995, giữa một rừng hảo thủ đã tạo nên "thế hệ vàng" như Võ Hoàng Bửu (đội Cảng Sài Gòn), Lê Huỳnh Đức (đội Công an TP.HCM), Nguyễn Hồng Sơn (đội Thể Công) hay Nguyễn Hữu Thắng (SLNA). Công Minh dần khẳng định giá trị, rồi được trao băng đội trưởng đội tuyển VN nhờ lối sống mẫu mực, chỉn chu cùng ngọn lửa nhiệt huyết đến mức HLV Alfred Riedl từng nói "cầu thủ nào cũng như Công Minh thì đội tuyển VN chẳng phải ngại ai cả".

ĐÔI GIÀY TRONG THÙNG RÁC

Đá ở vị trí hậu vệ phải vốn không nổi bật như tiền vệ trung tâm hay tiền đạo, nhưng Công Minh đã "đóng đinh" tên tuổi của mình tại đây, với sự chắc chắn và tin cậy đến mức HLV nào cũng mặc định hành lang phải chỉ dành cho chân chạy của Đồng Tháp. Bàn thắng đáng nhớ nhất của Công Minh trong màu áo đội tuyển VN là pha đẩy bóng rồi sút chéo góc tung nóc lưới đội Myanmar ở Tiger Cup 1996, trên sân Jurong của Singapore. Đó là giai đoạn đội tuyển VN đang phải chịu áp lực, đặc biệt sau trận hòa Lào ở vòng bảng. Do đó, một chiến thắng đậm trước Myanmar, cùng cú sút sấm sét hiếm thấy của Công Minh như sự giải tỏa. Năm ấy, đội tuyển VN đoạt HCĐ. Hai năm sau, đội giành HCB Tiger Cup 1998.

Trần Công Minh: Cơn lốc biên phải- Ảnh 3.

Trần Công Minh (trái) có sự nghiệp cầu thủ lẫy lừng cùng với thế hệ vàng bóng đá VN

ẢNH: BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Tính đến thời điểm này, cựu danh thủ Trần Công Minh vẫn là hậu vệ giàu thành tích cá nhân nhất của bóng đá VN. Ông đoạt Quả bóng vàng VN năm 1999, trước đó là Quả bóng bạc VN năm 1996, Quả bóng đồng năm 1997 và năm 1998. Ông đã tạo nên "bức tường" chuẩn mực mà đến nay các hậu vệ lứa sau chưa thể vượt qua.

Có một kỷ niệm thú vị về Trần Công Minh. Năm 1995, khi đội tuyển VN tập huấn ở Thụy Sĩ để chuẩn bị cho SEA Games 18, đội đã vinh dự được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tiếp đón. Tại trụ sở FIFA, ông Sepp Blatter, khi đó là Tổng thư ký FIFA, đã hỏi thăm đội, rồi ngỏ ý tặng giày cho các cầu thủ. Đó là những đôi ADIDAS cực xịn, loại 6 đinh và loại 13 đinh. Cả đội thích thú trước những đôi giày bóng loáng, đi rất nhẹ chân. Tuy nhiên, Công Minh và Hữu Đang quen với giày cũ, nên đã lén giấu HLV Karl Heinz Weigang, thay đế giày mà FIFA tặng bằng một đế giày khác cho quen chân. Ông Weigang biết được, mắng học trò rồi quẳng những chiếc giày vào thùng rác, nhưng Công Minh vẫn… lấy ra để đi lại, khiến HLV người Đức chỉ biết cười trừ.

Có sự nghiệp cầu thủ lẫy lừng, nhưng sự nghiệp cầm quân của Trần Công Minh chẳng mấy suôn sẻ. Ông nắm quyền ở CLB Đồng Tháp giai đoạn 2003 - 2006, rồi dẫn dắt Đồng Tâm Long An trong vai trò HLV tạm quyền ở mùa 2008. Đội Long An của Công Minh đã chơi hay khi về nhì, chỉ kém nhà vô địch Bình Dương 2 điểm. Năm 2009, Công Minh giữ vai trò HLV chính thức. Sau đó ông rời Long An và đến năm 2015 lên đội tuyển VN làm "phó tướng" cho HLV người Nhật Toshiya Miura. Năm 2016, Công Minh quay lại CLB Đồng Tháp, nhưng không ngăn được đà sa sút và đội phải xuống hạng với chỉ 1 chiến thắng sau 26 trận. Đây cũng là lần cuối Công Minh nắm một đội V-League. 9 năm qua, ông chuyển sang những vai trò khác như dạy bóng đá cộng đồng, làm việc cho một học viện trẻ…

Sự nghiệp của Trần Công Minh có đầy đủ những nốt thăng trầm, cho ông những trải nghiệm vô cùng quý giá. Còn với khán giả VN, tất cả đã được chứng kiến một Trần Công Minh đầy dấu ấn. Cựu danh thủ sinh năm 1970 đã tạo nên hình ảnh không thể phai mờ về một trong những hậu vệ hay nhất lịch sử bóng đá VN. (còn tiếp)

Cách đây ít năm, cựu hậu vệ Trần Công Minh đã tích cực cộng tác với Báo Thanh Niên khi bóng đá VN bước vào những giải đấu lớn của khu vực hay châu lục. Ông có nhiều bài viết rất hay với những góc nhìn đa chiều, chính xác về đội tuyển VN, đội U.23 VN, được bạn đọc đánh giá rất cao.

Nguồn: https://thanhnien.vn/tran-cong-minh-con-loc-bien-phai-185250430210630519.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm