Công nhận sản phẩm đạt OCOP huyện Tri Tôn năm 2025
Mua 6 công đất lập vườn trên núi Dài (xã Lương Phi), chị Trần Thị Ánh Quyên được “tặng” hàng trăm cây chuối có sẵn tự nhiên. Đến đợt thu hoạch, xem như chị thêm nguồn thu mà không tốn khoản chi phí chăm sóc nào. Khi chuối rớt giá, chị nghĩ đến giải pháp sấy khô, nên đầu tư máy sấy bằng điện. Ròng rã 1 tháng, các mẻ chuối làm ra đều hỏng. Từ những lần thất bại, chị rút ra nhiều kinh nghiệm, dần dần thành công. Sản phẩm được giới thiệu cho bạn bè, người thân, nhận về phản hồi tích cực. Từ đó, chị Quyên quyết định phát triển hướng đi này.
Chị Quyên chia sẻ: “Chuối xiêm thông thường sấy càng lâu sẽ càng khô, không kết mật. Đó là sự khác biệt lớn khi tôi làm sản phẩm chuối sấy Bảy Núi Farm, được mọi người khen ngon. Chuối già sau khi thu hoạch được ủ chín tự nhiên. Qua sơ chế rửa sạch cho thêm chút rượu, muối để không bị mốc, không lên men và tăng vị đậm đà. Một mẻ chuối sấy hơn 24 giờ mới đạt yêu cầu. Bước đầu sấy hơn 10 giờ, rồi ngưng cho chuối kết mật, mới sấy bước còn lại. Thành phẩm đạt yêu cầu là bên ngoài có màu đẹp tự nhiên, bên trong khô ráo, mềm dẻo. 50kg chuối tươi sẽ sấy được 30kg chuối thành phẩm”. Sản phẩm chuối sấy của chị Quyên (mang tên gọi chuối sấy mộc của Hộ kinh doanh Bảy Núi farm - Vườn trên mây) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Tri Tôn. Đây là tín hiệu đáng mừng khi “đứa con tinh thần” của chị Quyên được nhiều người biết đến.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, địa phương bắt đầu triển khai Chương trình OCOP từ năm 2020. Thời điểm đó, trên địa bàn huyện chỉ có đường thốt nốt sệt của Công ty Cổ phần Palmania được đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao tỉnh An Giang. Năm 2023, huyện có thêm 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: Nhãn Ido Tổ Hợp tác nhãn Ido (xã Tân Tuyến); rượu gạo của Cơ sở sản xuất rượu Công Chuẩn (xã Lạc Quới); chanh không hạt của Hộ kinh doanh Nguyễn Minh Công (xã Lương An Trà). Năm 2024, có thêm 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: Chuối sấy mộc của Hộ kinh doanh Bảy Núi farm - Vườn trên mây; nấm Linh Chi tai to, nấm đông trùng hạ thảo Nương farm và nấm mối Nàng Nương của Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh (xã Tà Đảnh); 3 sản phẩm OCOP 5 sao, gồm: Mật thốt nốt sệt, mật thốt nốt bột và mật thốt nốt hạt của Công ty Cổ phần Palmania.
Hiện nay, huyện đã có 10 sản phẩm OCOP, trong đó 7 sản phẩm OCOP 3 sao, 3 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Năm 2025, đơn vị hỗ trợ 8 chủ thể kinh tế thực hiện hồ sơ OCOP; tổ chức Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện đối với 9 sản phẩm. Bên cạnh đó, phối hợp, hỗ trợ chủ thể thực hiện liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại; cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu; thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng, đặc trưng của Tri Tôn.
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực về nguồn lao động, văn hóa, trí tuệ, sự sáng tạo... của địa phương. Trên cơ sở đó, cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới thông qua sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, vùng miền. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc thực hiện Chương trình OCOP một cách sâu rộng, thường xuyên, liên tục, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Địa phương hỗ trợ các chủ thể phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị, cơ giới hóa, công nghệ chế biến quy mô vừa và nhỏ; xây dựng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học - công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề; tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi… Các chủ thể cần ứng dụng chuyển đổi số, trang thiết bị phục vụ kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới nâng hạng phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao.
ĐỨC TOÀN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/tri-ton-phat-trien-san-pham-ocop-a420720.html
Bình luận (0)