Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết dự thảo luật hướng đến 2 chính sách.
Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha đẻ hoặc mẹ đẻ, hoặc ông nội và bà nội, hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài... được nhập quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Nới lỏng điều kiện nhập tịch
Điểm mới trong dự thảo lần này là Chính phủ đề xuất miễn một số điều kiện nhập tịch cho một số nhóm. Theo đó, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam sẽ không còn bắt buộc phải đáp ứng điều kiện "có năng lực hành vi dân sự đầy đủ".
Người chưa thành niên nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ hoặc người chưa thành niên có cha đẻ hoặc mẹ đẻ, hoặc ông nội và bà nội, hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam thì được miễn một số điều kiện như: biết tiếng Việt, đang thường trú tại Việt Nam, thời gian thường trú tối thiểu 5 năm và khả năng đảm bảo cuộc sống.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình. Ảnh: Quốc hội
Chính phủ cũng đề xuất người xin nhập quốc tịch Việt Nam có người thân thích là công dân Việt Nam thì được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng 2 điều kiện (việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó; không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến Việt Nam) và được Chủ tịch nước cho phép.
Các nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài... được nhập quốc tịch Việt Nam nhằm thu hút nguồn lực chất lượng cao. Theo đó, người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho Nhà nước khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì được miễn một số quy định. Các trường hợp này được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng 2 điều kiện tương tự trường hợp có người thân thích là công dân Việt Nam và được Chủ tịch nước cho phép.
Người tuyển dụng vào cơ quan nhà nước chỉ có quốc tịch Việt Nam
Về quy định về trở lại quốc tịch Việt Nam, Chính phủ đề xuất tất cả trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xét trở lại.
Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng 2 điều kiện tương tự trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và được Chủ tịch nước cho phép.
Theo quy định hiện hành, người đã mất quốc tịch Việt Nam muốn xin trở lại phải thuộc một trong 6 trường hợp. Đó là: xin hồi hương về Việt Nam; có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có lợi cho Nhà nước; thực hiện đầu tư tại Việt Nam; đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài. Như vậy, đề xuất mới đã bãi bỏ tất cả các điều kiện trên.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt kiều bào tiêu biểu dự hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới và Diễn đàn Tri thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài hồi tháng 8/2024. Ảnh: TTXVN
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong một số trường hợp.
Theo đó, “phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam” khi công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài tham gia vào các cơ quan dân cử, cơ quan của hệ thống chính trị, tham gia lực lượng vũ trang, cơ yếu..., nhằm bảo đảm vấn đề an ninh chính trị, lợi ích quốc gia.
Chính phủ cũng đề xuất bỏ quy định về phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp trong thành phần hồ sơ xin nhập/xin trở lại/xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Dự thảo luật bổ sung quy định nhằm giảm bớt thời gian chuyển hồ sơ giữa các cơ quan nhà nước. Cụ thể, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin nhập/trở lại/thôi quốc tịch Việt Nam về Bộ Tư pháp, đồng thời gửi thông tin về Bộ Ngoại giao.
Quy định hiện hành, hồ sơ xin nhập/thôi/trở lại quốc tịch Việt Nam phải lập thành 3 bộ, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan thụ lý hồ sơ.
Nguồn:https://vietnamnet.vn/trinh-quoc-hoi-chinh-sach-noi-long-nhap-tich-tro-lai-quoc-tich-2402013.html
Bình luận (0)