HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư 4 dự án BOT cửa ngõ với tổng kinh phí hơn 57.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2028.
Chiều 20/2, tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP.HCM khóa X, các đại biểu đã thông qua chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng 4 dự án BOT theo Nghị quyết 98.
Toàn cảnh kỳ họp 21 HĐND TP.HCM khóa X. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Các dự án bao gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình); dự án nâng cấp trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An).
Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) có chiều dài khoảng 9,62km, đi qua địa phận quận Bình Tân, huyện Bình Chánh. Dự án sẽ mở rộng tuyến đường với mặt cắt ngang rộng 60m, đáp ứng 10 - 12 làn xe.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 16.285 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 802 tỷ đồng trong thời gian xây dựng). Trong đó, ngân sách Thành phố khoảng 9.611 tỷ đồng (chiếm 59% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay), phần vốn của doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 6.674 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 802 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tối thiểu 1.001 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn Nhà nước.
Quốc lộ 1 hiện hữu đang quá tải, dòng xe ùn ứ mỗi ngày. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2025-2028. Thời gian hoàn vốn 21 năm 11 tháng. Thời hạn hợp đồng dự án là 25 năm 11 tháng.
Đối với dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành), dự án có chiều dài khoảng 8,6km, đi qua địa phận quận 7 và huyện Nhà Bè. Dự án sẽ xây dựng đường trên cao, đường song hành với quy mô 10 làn xe, mặt cắt ngang rộng 60m.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.894 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 4.680 tỷ đồng (chiếm 47% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay). Phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.214 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 531 tỷ đồng); trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu 703 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn Nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức thức đối tác công tư.
Trục đường Bắc - Nam TP.HCM quá tải, xe cộ kẹt cứng vào giờ cao điểm. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025-2028. Thành phố dự kiến thời gian hoàn vốn 22 năm 1 tháng; Thời hạn hợp đồng dự án (hợp đồng BOT) 25 năm 1 tháng.
Dự án BOT thứ 3 là nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) nằm trên địa phận TP Thủ Đức với chiều dài tuyến khoảng 5,9km. Đây cũng là dự án BOT có quy mô mặt cắt ngang rộng 10 làn xe và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy mô quy hoạch.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.900 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 14.619,33 tỷ đồng (chiếm 69,95% tổng mức đầu tư); nhà đầu tư tham gia dự án chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 6.281 tỷ đồng; trong đó Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu 942,23 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án.
Thành phố dự kiến thực hiện dự án từ năm 2025-2028, thời gian hoàn vốn khoảng 18 năm 4 tháng.
Dự án BOT quốc lộ 13 nhằm kết nối thông thoáng TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Cuối cùng, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) có chiều dài khoảng 8,03km, nằm trên địa phận quận 12, huyện Hóc Môn. Cũng tương tự 3 dự án BOT nêu trên, quốc lộ 22 sẽ được mở rộng lên 10 làn xe với mặt cắt ngang rộng 60m.
Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 10.424 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 436 tỷ đồng trong thời gian xây dựng). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 6.234 tỷ đồng (chiếm 59,8% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay); phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 4.190 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 628,5 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án.
Thành phố dự kiến thực hiện dự án từ năm 2025-2028. Thời gian hoàn vốn là 23 năm 7 tháng; Thời hạn hợp đồng là 25 năm 7 tháng.
Như vậy, nếu đúng tiến độ, trong 3 năm tới, các cửa ngõ của TP.HCM sẽ được nâng cấp, mở rộng với quy mô 60m, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông do hạ tầng quá tải như hiện nay. Các dự án khi đưa vào sử dụng kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng lưu thông, tạo thành các trục đường thông suốt, lưu thông nhanh, ít gián đoạn giữa TP.HCM và các tỉnh thành, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/trong-3-nam-toi-tphcm-se-co-4-du-an-bot-khung-o-cac-cua-ngo-192250220163054605.htm
Bình luận (0)