Xuất khẩu liên tục tăng trưởng đã đưa sầu riêng trở thành cây trồng mang lại lợi nhuận cao nhất trong mấy năm gần đây, do đó diện tích sầu riêng "bùng nổ" khắp nơi với kỳ vọng làm giàu. Thế nhưng hiện nay sầu riêng chưa vào chính vụ đã đảo chiều giảm giá thấp so với cùng kỳ năm ngoái...
Xuất khẩu liên tục tăng trưởng đã đưa sầu riêng trở thành cây trồng mang lại lợi nhuận cao nhất trong mấy năm gần đây, do đó diện tích sầu riêng "bùng nổ" khắp nơi với kỳ vọng làm giàu.
Thế nhưng hiện nay sầu riêng chưa vào chính vụ đã đảo chiều giảm giá thấp so với cùng kỳ năm ngoái, khiến hàng loạt nông dân như ngồi trên lửa…
Giá sầu riêng rớt thấp...
Ở vùng ĐBSCL các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, TP Cần Thơ…có diện tích sầu riêng nhiều nhất; hiện tại dù chưa vào chính vụ thu hoạch sầu riêng năm 2025, nhưng nông dân vô cùng lo lắng bởi giá giảm mạnh.
Ông Huỳnh Văn On, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre), cho biết: "Hồi trước Tết Ất Tỵ 2025 thu hoạch sầu riêng sớm giống Ri6 được hơn 2 tấn, bán giá 80.000 đồng/kg; sau đó giá liên tục giảm xuống còn khoảng 40.000-50.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái từ 110.000-130.000 đồng/kg".
Cũng ở xã Tân Phú, bà Cao Thị Chiên, cho hay: "Năm nay gia đình bà có hơn 8 tấn sầu riêng Ri6 cho trái sớm. Vào tháng 12-2024, thu hoạch trước 1 đợt được thương lái mua giá 110.000 đồng/kg nên lãi khá; tuy nhiên sang cuối tháng 1-2025 giá giảm còn 55.000 đồng/kg trở lại, vì vậy lợi nhuận giảm đi khá nhiều, nông dân rất luyến tiếc nhưng đành phải bán bởi lo lắng giá có giảm nữa hay không".
Cùng tâm trạng trên, nhiều nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang cũng kém vui vì giá thấp. Ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, chia sẻ: "Sầu riêng là cây trồng chủ lực của vùng này từ nhiều năm và đây cũng là kinh tế chính. Năm ngoái, sầu riêng được mùa được giá đã giúp nhiều hộ thu nhập tiền tỉ; vậy mà nay chỉ mới có sầu riêng sớm nhưng ai cũng lo bởi giá thấp và tiêu thụ chậm. Tình hình này, nếu không sớm cải thiện thì khoảng 1-2 tháng tới khi vào thu hoạch chính vụ sẽ rất khó khăn trong khâu tiêu thụ và xuất khẩu".
Đưa chúng tôi ra thăm vườn sầu riêng mới cho trái vụ đầu tiên trong năm nay, ông Huỳnh Phú Lộc, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: "Mấy năm trước thấy các nơi trúng sầu riêng làm giàu, nên tôi phá bỏ vườn quýt hồng để chuyển sang trồng loại cây bạc tỉ này.
Năm 2025, bắt đầu thu hoạch nhưng giá hiện giờ giảm mạnh nên chưa dám kêu thương lái đến xem vườn. Trước mắt tập trung chăm sóc và chờ thêm vài tuần nữa ra sao mới quyết định bán…".
Theo nhiều hộ trồng sầu riêng lâu năm ở ĐBSCL cho hay, thông thường sầu riêng trái sớm thu hoạch từ giêng cho đến cuối tháng 2 âm lịch hàng năm sẽ có giá không dưới 70.000-90.000 đồng/kg (giống Ri6); trong đó năm ngoái lên tới 110.000-130.000 đồng/kg. Thế nhưng năm 2025 này giá quá thấp, dù nông dân chưa tới mức thua lỗ, song lợi nhuận không bao nhiêu…
Không tăng diện tích, tập trung nâng chất lượng
Bà Nguyễn Thị Thinh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) nhìn nhận, hiện nay ngoài việc giá sầu riêng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, thì đa phần các vườn cho trái sớm đều giảm sản lượng từ 40-60% do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều khiến việc đậu trái không như mong muốn.
Điều này cho thấy đồng lời thu về không như mong muốn, song nông dân và doanh nghiệp càng lo khi vài tháng tới các tỉnh đồng loạt vào cao điểm thu hoạch, sản lượng tăng cao, liệu có rơi vào cảnh "tới mùa - dội chợ - rớt giá".
Cây sầu riêng giúp nông dân ĐBSCL thu nhập bạc tỷ trước đây, nay gặp khó vì giá sầu riêng rớt thấp.
Nguyên nhân dẫn đến giá sầu riêng tuột dốc là do tác động từ ngành chức năng Trung Quốc kiểm tra chất vàng O (Basic Yellow 2 - BY2) - một loại hóa chất có nguy cơ gây ung thư, khi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tỉ dân này.
Trước đó, vào cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phát hiện một vài lô sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan có dư lượng vàng O, nên ngày 10-1-2025 phía Trung Quốc thông báo áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các lô sầu riêng nhập khẩu.
Theo đó, sầu riêng khi vào thị trường Trung Quốc ngoài giấy kiểm định về cadimi (như trước đây) thì nay phải có thêm giấy kiểm định vàng O.
Chính quy định mới này làm cho một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam gặp khó khăn; trong đó có doanh nghiệp đưa hàng lên cửa khẩu nhưng phải quay về do chưa có giấy vàng O. Cũng từ việc thông quan cửa khẩu bị chậm đã khiến giá sầu riêng trong nước giảm mạnh.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo ngành Nông nghiệp lưu ý: Cần thấy rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới và mới đây họ đưa ra quy định mới về kiểm định chất vàng O, nên chúng ta phải tuân thủ khi đưa sầu riêng vào thị trường tỉ dân này.
Ngành đang phối hợp với địa phương rà soát, kiểm tra các vùng trồng, quy trình chăm sóc, dư lượng kháng sinh, cơ sở đóng gói… đáp ứng các tiêu chí mà kiểm định chất vàng O đưa ra. Về cơ bản phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, hạn chế thấp nhất trường hợp lô hàng không đạt quy định.
Đồng thời, cũng hạn chế các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng vướng vi phạm, tránh ảnh hưởng uy tín của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, cũng như các nước khác.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến cuối tháng 1-2025, cả nước có 9 trung tâm, phòng kiểm định vàng O về sầu riêng của Việt Nam (đặt ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cà Mau) được Trung Quốc công nhận.
Ngành chức năng cũng đang đề nghị phía Trung Quốc xem xét công nhận thêm các trung tâm đủ tiêu chuẩn về kiểm định vàng O nhằm đẩy nhanh việc kiểm định khi sầu riêng vào cao điểm thu hoạch trong thời gian tới. Những ngày qua, đối với các lô hàng khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn về vàng O và cadimi thì được đưa lên các cửa khẩu phía Bắc để xuất khẩu thị trường Trung Quốc.
Cùng với giải pháp trước mắt thì về lâu dài việc kiểm soát chặt diện tích, tránh bùng nổ trồng sầu riêng; đồng thời tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; đầu tư nâng chất lượng… là vấn đề cần thiết để phát triển bền vững ngành sầu riêng.
Bà Bùi Thị Châm, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A (xã Trường Long huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), cho rằng: "Qua so sánh vài năm gần đây cho thấy cây sầu riêng lợi nhuận cao gấp nhiều lần các cây trồng khác. Dù vậy, HTX khuyến cáo các xã viên không vội vàng mở rộng diện tích bởi rủi ro về thị trường, đầu ra, vốn đầu tư cao…
Hiện tại, HTX tăng cường hợp tác với các đơn vị thu mua xuất khẩu; xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí giá thành, nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh…".
UBND tỉnh Tiền Giang cho hay: "Toàn tỉnh có hơn 22.000ha sầu riêng, vượt khoảng 4.700ha so quy hoạch đến năm 2030; trong đó có một số nơi nông dân trồng tự phát, manh mún do thời gian qua sầu riêng được giá; điều này kéo theo nhiều rủi ro. Tới đây, Tiền Giang không khuyến khích trồng mới mà tập trung đầu tư nâng chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của thị trường Trung Quốc và khuyến cáo doanh nghiệp mở rộng thêm thị trường khác".
Xuất khẩu sầu riêng tăng kỷ lục nhưng chưa bền vững
Nếu như năm 2021 xuất khẩu sầu riêng mới có 178 triệu USD; đến năm 2022 tăng lên 421 triệu USD, thì năm 2023 cả nước xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch tới 2,3 tỉ USD.
Năm 2024, ghi nhận bước nhảy vọt khi xuất khẩu mặt hàng này lên mức 3,2 tỉ USD, cao kỷ lục từ trước tới nay. Nguyên nhân quan trọng giúp trái sầu riêng Việt Nam có sự nhảy vọt như trên là nhờ đạt được thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Thuận lợi là vậy, song khi nhìn tổng thể thì ngành sầu riêng bộc lộ những hạn chế đáng lo ngại. Do phát triển "nóng" về diện tích đã dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều nơi manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đầu tư hạ tầng, giao thông, kỹ thuật; một số nơi điều kiện không phù hợp nhưng nông dân vẫn trồng sầu riêng khiến chất lượng không như mong muốn…
Hiện nay, vấn đề đảm bảo chất lượng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu nhằm giúp sầu riêng Việt Nam đứng vững trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, bởi sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác.
Cục Trồng trọt đang hoàn thiện văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm; xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cho cây sầu riêng.
Các đơn vị chức năng sẽ xây dựng chương trình giám sát về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, không tuân thủ kiểm dịch theo quy định của nước nhập khẩu; tăng việc kiểm dịch tại các cửa khẩu đối với các lô hàng sầu riêng trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…
Nguồn: https://danviet.vn/trong-sau-rieng-nhu-trong-cay-tien-ty-o-mien-tay-gia-quay-xe-dan-bat-ngo-nghe-thuong-lai-noi-1-cau-20250218204221849.htm
Bình luận (0)