Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ góc nhìn địa văn hóa đến phát triển Đà Nẵng

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đó chỉ là sự chia tách về địa giới hành chính, còn về địa lý tự nhiên và lịch sử văn hóa, Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn là một khối không thể tách rời. Và rồi sau 28 năm, từ 1-7-2025, hai đơn vị hành chính của vùng đất Quảng lại về chung một nhà.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng06/07/2025

vutrongphan-6.jpg
Vùng đất phía Tây xứ Quảng. Ảnh: VŨ TRỌNG

Núi liền núi, sông liền sông, biển cả mênh mông

Vùng cao của Quảng Nam - Đà Nẵng có núi rừng Tây Giang và Nam Giang, những dãy núi ở biên giới Việt - Lào cao trung bình 1.500m, thấp dần về phía đông, nối liền vào vùng núi đồi Đại Lộc, Hòa Vang. Dãy núi Bạch Mã xuất phát từ vùng Trường Sơn, đâm ngang kéo ra tận biển, đoạn cuối là núi Hải Vân với đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến đây đã khen: “Chỗ này là yết hầu của miền Thuận Quảng”.

Cụm núi Ngũ Hành Sơn nằm sát biển vừa có giá trị địa chất - địa mạo, vừa gắn với những giá trị văn hóa như các di tích Sa Huỳnh, Champa, hai ngôi quốc tự Tam Thai và Linh Ứng… cùng với làng nghề đá Non Nước nổi tiếng mấy trăm năm qua.

Phía tây nam giáp giới với Kon Tum có đỉnh Ngọc Linh (2.598m) là núi cao nhất trong vùng Trường Sơn Nam, nổi tiếng với quốc bảo sâm Ngọc Linh. Núi rừng Trà My được mệnh danh là đất “Cao sơn ngọc quế”, có nhiều loại cây gỗ lớn như cẩm lai, giổi, lim..; nhiều loại dược liệu quý như trầm, quế... Các dãy núi có độ cao từ 1.000 - 1.500m ở Trà My, Phước Sơn kéo xuống vùng núi có độ cao 500 - 900m ở khu vực từ Duy Xuyên đến Tam Kỳ.

Trong vùng này có dãy Hòn Tàu với địa thế hiểm trở, người Chăm xưa đã chọn thung lũng Mỹ Sơn dưới chân núi Chúa để xây dựng thánh địa từ thế kỷ thứ 4; sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, Hòn Tàu đã trở thành căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà. Giáp giới tỉnh Quảng Ngãi là các dãy núi thấp dưới 1.000m nối tiếp nhau đâm ngang ra sát biển, trong đó có dãy núi Thành lừng danh trong kháng chiến chống Mỹ.

Hệ thống sông chính ở Quảng Nam kết nối các vùng văn hóa Kinh - Thượng từ núi cao xuống đồng bằng ven biển. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ Ngọc Linh, chảy qua là nơi cư trú của các tộc người Xơ Đăng, Ca Dong, Bh’Noong, Co. Các loại sản vật khai thác ở vùng rừng núi được thuyền bè vận chuyển theo đường sông về đồng bằng, ở chiều ngược lại, những sản vật của vùng đồng bằng cũng được thương lái đưa lên miền Thượng để trao đổi hàng hóa. Phía tả ngạn sông Thu Bồn, tại khu vực thuộc địa phận làng Câu Nhi có một chi lưu dài gần 30km chảy qua Vĩnh Điện nên gọi là sông Vĩnh Điện, đến Cổ Mân thì nhập với sông Cẩm Lệ và đổ ra sông Hàn.

Tại các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, các sông A Vương, sông Kôn, sông Cái, sông Thanh chảy qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, với nhiều lâm thổ sản quý giá, nơi đây tộc người Cơ Tu đã sinh sống tự bao đời. Các dòng sông này hợp lưu tại Đại Lộc tạo thành nguồn Vu Gia. Tại xã Đại Hòa, sông Vu Gia tách ra làm hai dòng, một nhánh là sông Yên chảy lên phía bắc hợp lưu với sông Túy Loan thành sông Cẩm Lệ; một nhánh chảy về phía nam hợp lưu với sông Thu Bồn tại Giao Thủy - vùng dâu tằm nổi tiếng một thời của đất Quảng.

Qua khỏi Giao Thủy một đoạn, Thu Bồn tách thành hai nhánh sông, bao bọc cù lao Gò Nổi; đất Bảo An - Gò Nổi từ xưa đã vang danh với nghề ươm tơ, dệt lụa, làm đường bát; phía hạ lưu, sông chảy qua Điện Bàn và Hội An rồi đổ ra Cửa Đại. Dưới thời các chúa Nguyễn, Hội An - vùng đất “hội nhân, hội thủy” ở hạ lưu sông Thu Bồn đã trở thành thương cảng quan trọng nhất của Đàng Trong. Dọc theo chiều dài dòng sông, nhiều bến thuyền đã được hình thành từ rất sớm, làm nơi tập kết hàng hóa để vận chuyển đi hai miền ngược - xuôi.

Bờ biển Đà Nẵng từ hòn Sơn Chà đến cực nam Quảng Nam dài hơn 180km, ngoài khơi xa có quần đảo Hoàng Sa, là ngư trường rộng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị cao. Vào thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã thành lập Đội Hoàng Sa để kiểm soát quần đảo này.

Nơi có địa thế tốt nhất cho tàu thuyền ghé vào tránh bão là vịnh Đà Nẵng - một vùng nước sâu kín gió. Vịnh có 2 cửa sông đổ ra: Cửa sông Cu Đê, nơi tiếp nhận các loại lâm sản từ nguồn Lỗ Đông vận chuyển xuống theo đường sông; Cửa sông Hàn tiếp nhận các loại sản vật từ vùng rừng núi miền tây Quảng Nam vận chuyển ra theo đường sông Vĩnh Điện và sông Cổ Cò.

Vùng biển này nằm trên con đường giao thương biển Đông Nam Á, tàu bè các nước đi thường xuyên qua lại và cập bến buôn bán ở Đà Nẵng, Hội An và Cù Lao Chàm, là điều kiện thuận lợi để phát triển ngoại thương của đất Quảng.

Mạch nguồn văn hóa Đất Quảng

Từ khi những người cổ đầu tiên xuất hiện ở địa điểm khảo cổ học Bàu Dũ (Núi Thành) đến khi người Việt có mặt ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, đã trải qua hơn 6.000 năm. Sự tiếp nối, giao thoa, tiếp biến của các nền văn hóa Cồn sò điệp ở giai đoạn sơ kỳ thời đại đá mới, văn hóa Sa Huỳnh giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt, văn hóa Champa khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên trở đi, sau cùng là văn hóa Đại Việt từ năm 1306, khi vua Chăm là Chế Mân dâng 2 châu Ô, Lý làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Đại Việt, đã hình thành nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đất Quảng.

deo-hai-van-nhin-ra-vinh-da-nang.jpeg
Đèo Hải Văn nhìn ra Vịnh Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt ở Đàng Ngoài, tiếp biến văn hóa Chăm - Việt đã để lại nhiều dấu ấn qua phong tục tập quán, lễ hội như tục thờ Thiên Y A Na với lễ hội Bà Thu Bồn, lệ Bà Chiêm Sơn, lễ rước cộ Bà Chợ Được. Người Quảng đã tiếp thu được từ người Chăm bản địa nhiều tri thức dân gian và nghề truyền thống như dệt lụa, đóng ghe bầu, đi biển, đánh cá, làm nước mắm…

Người Quảng phần lớn có gốc gác ở vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An. Người dân ở đây có tính hiếu học, rất quả cảm, có sức chịu đựng gian khổ. Khi vào sinh cơ, lập nghiệp ở đất Thuận Hóa, tiếp xúc với người Chăm bản địa, một tộc người được G.Maspero mô tả trong tác phẩm Vương quốc Champa là: “hung hãn và hiếu chiến, rất can đảm”. Trong quá trình cộng cư với người Chăm, đã xuất hiện một lớp người Việt mới với tính cách đặc trưng của con người ở vùng đất phên giậu, mà theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi là vì “nhiễm tục cũ của người Chiêm”, phải chăng từ đó mà có tính khí quật cường, hay phản kháng, hay cãi?

Cùng với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tính cách con người Quảng Nam - một giá trị vô hình đã góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa đất Quảng. Tinh thần hiếu học, tính thẳng thắn “hay cãi”, sự dũng cảm, kiên cường và tinh thần yêu nước đã giúp người Quảng trụ bám vững vàng trên quê hương và xây dựng nên thành phố Đà Nẵng như ngày hôm nay.

Danh xưng Quảng Nam ra đời vào năm 1471, đến nay gần 555 năm, trải qua bao biến động thăng trầm trong lịch sử, bản sắc văn hóa đất Quảng vẫn được gìn giữ, lưu truyền và phát huy. Cần đi từ giá trị địa văn hóa đến tư duy phát triển, tạo nên giá trị mới sau sự kiện hợp nhất. Mong rằng sau lần sáp nhập này, người Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn giữ mãi truyền thống đoàn kết, một lòng xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng giàu mạnh và đáng sống.

Nguồn: https://baodanang.vn/tu-goc-nhin-dia-van-hoa-den-phat-trien-da-nang-3265091.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm