Vào năm 166 SCN, sử gia Trung Hoa ghi rằng đại sứ từ Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã xuất hiện tại kinh đô Lạc Dương (Trung Quốc). Những lữ khách tới đây qua Malaysia, dọc theo bờ biển Thái Lan và Việt Nam, neo đậu tại một cảng của Trung Quốc ở cửa sông Hồng thuộc vịnh Bắc Bộ. Tiếp theo, họ vượt qua gần 2.000 km đường bộ. Quý tộc và quan lại nhà Hán vô cùng kỳ vọng chuyến viếng thăm của đám người ngoại lai. Từ lâu, người Trung Quốc đã biết về Đế quốc La Mã. Họ gọi nó là Đại Tần, coi đế quốc này ngang hàng về quyền lực với mình. Song, đây là lần đầu tiên hai đế quốc cổ đại tiếp xúc trực tiếp.
Tuy nhiên, khi diện kiến, các đại sứ đã gây thất vọng vì chỉ mang theo những “món đồ rẻ tiền” nhặt nhạnh ở Đông Nam Á: ngà voi, sừng tê giác và mai rùa, chẳng có thứ gì gợi nên vẻ huy hoàng của thành Rome. Hoàng đế cùng triều thần nghi ngờ họ chỉ là đám thương nhân phương Tây sống ở châu Á và chẳng phải sứ thần của Hoàng đế La Mã. Họ cũng băn khoăn vì sao các lữ khách phương Tây lại đi qua Việt Nam. Tuyến đường thông thường nối Đông-Tây là qua Hành lang Cam Túc, nối lưu vực Hoàng Hà với Trung Á. Nhà thám hiểm và nhà ngoại giao Trương Khiên đã du hành tới Trung Á qua Hành lang Cam Túc vào thế kỷ II TCN và dải đất màu mỡ đó sau này là một phần quan trọng của Con đường Tơ lụa.
Ở phương Tây, mối quan tâm tới tuyến đường lớn xuyên Á bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước. Dấu ấn của Phương Tây xuất hiện ở Trung Á từ thời Alexander Đại đế dẫn quân tới tận sông Ấn và thành lập một số thành phố trong khu vực này (327 TCN). Tuy nhiên, những mối liên hệ giao thương đầu tiên với vùng Viễn Đông được thiết lập bằng đường biển, từ cảng Alexandria của Ai Cập, dưới triều Ptolemies.
Phát hiện tuyến đường từ người đắm tàu
Tuyến đường biển tới Cận Đông là một khám phá tình cờ. Tàu tuần tra trên Biển Đỏ phát hiện một chiếc thuyền trôi dạt chở một người đàn ông ngắc ngoải. Không ai hiểu người này nói gì để biết anh ta đến từ đâu, họ bèn đưa anh trở về Alexandria. Khi con người may mắn này học được tiếng Hy Lạp, anh giải thích mình là thủy thủ Ấn Độ và chiếc thuyền của anh đã trôi khỏi lộ trình.Vua Ai Cập (Ptolemy VIII Euergetes II) đã giao quyền chỉ huy đoàn thám hiểm Ấn Độ cho nhà du thám Eudoxus xứ Cyzicus. Trên triều, Eudoxus được nghe về các tuyến đường hàng hải dọc sông Nile và những điều kỳ diệu độc đáo dọc bờ Biển Đỏ. Nhờ khả năng quan sát tinh tường, ông nhanh chóng học được cách vượt Ấn Độ Dương từ người thủy thủ Ấn Độ. Thông tin quan trọng là tận dụng các điều kiện thay đổi theo mùa: gió mùa thổi từ phía Tây Nam tới Ấn Độ từ tháng 3 tới tháng 9, từ phía Đông Bắc tới Ai Cập từ tháng 10 tới tháng 2. Tuân theo chỉ dẫn, Eudoxus thành công đi từ Ai Cập tới Ấn Độ chỉ trong vài tuần. Sau khi hoàn tất trao đổi quà tặng với các raja (tù trưởng hoặc vua), ông quay về Alexandria với chiếc thuyền nặng trĩu gia vị và đá quý. Chuyến tiên phong của Eudoxus đã mở ra một thế giới mới hấp dẫn với người đương thời. Các thương nhân từ cả phương Đông và phương Tây nhanh chóng tận dụng cơ hội để giao thương qua Ấn Độ Dương.
Bản đồ Peutingercho thấy mạng lưới đường bộ La Mã chạy qua đế chế vào thế kỷ IV SCN. Phần cực đông được tái hiện ở đây. Đền thờ Augustus được chỉ rõ (phía dưới bên phải) cạnh thành phố Muziris ở Ấn Độ, ngay bên trái của chiếc hồ hình bầu dục. Nguồn: AKG/Album
Alexandria quốc tế
Sau khi La Mã chinh phục Ai Cập vào năm 30 TCN, Alexandria trở thành cảng chính tiếp nhận hàng hóa đổ về từ phương Đông. Sau khi cập bờ Biển Đỏ, hàng hóa được vận chuyển bằng lạc đà tới sông Nile và thuyền tới Alexandria, từ đây chúng được phân phối khắp Địa Trung Hải. Người Syria, Ả Rập, Ba Tư và Ấn Độ trở thành những khuôn mặt phổ biến trên đường phố Alexandria.
Tất cả hàng hóa và con người phải đi qua thành phố Koptos (hay còn gọi là Qift), trung tâm thương mại trên bờ sông Nile. Từ đây, một số tuyến lữ hành khởi hành qua sa mạc Đông Ai Cập theo hướng Biển Đỏ. Một bản khắc ở Koptos ghi lại những người đi cùng đoàn lữ hành phải trả phí khác nhau theo nghề nghiệp. Ví dụ, thợ thủ công cần trả 8 drachma, thủy thủ - 5, vợ lính - 20, còn gái điếm phải trả tới 108 drachma. Đoàn lữ hành sẽ đi qua sa mạc vào ban đêm để tránh cái nóng khắc nghiệt. Họ có thể tích trữ nước và thực phẩm tại các đồn quân sự dọc theo tuyến đường.
Các cảng nhộn nhịp nhất ở Biển Đỏ là Myos Hormos (Quseir al-Qadim) cách Koptos hơn 160 km về phía đông (5-6 ngày đường), và Berenice cách hơn 402 km về phía Nam (12 ngày đường). Các đoàn thương nhân từ Hy Lạp, Ai Cập và Ả Rập hội tụ ở những cảng này để nhận ngà voi, ngọc trai, gỗ mun, bạch đàn, gia vị và lụa Trung Hoa từ Ấn Độ. Họ gửi những chiếc tàu chở đầy rượu vang và hàng hóa phương Tây quay lại Ấn Độ. Dưới thời La Mã, các bến cảng luôn tấp nập.
Biển Đỏ đến Ấn Độ Dương
Một cuốn sổ tay của thương gia về Ấn Độ Dương có niên đại từ giữa thế kỷ I TCN (Periplus Maris Erythraei) nhắc đến các cảng chính của Ấn Độ nơi tàu thuyền cập bến: Barygaza, Muziris và Poduke. Các raja thu hút nhiều du khách đến các cảng này, cũng như đám thương gia, nhạc sĩ, phi tần, trí thức và linh mục. Ví dụ, ở Muziris có nhiều người nước ngoài đến nỗi họ dựng ngôi đền thờ Augustus - hoàng đế La Mã đầu tiên. Một sinh viên trẻ từ Alexandria giờ đây có thể quyết định phiêu lưu qua Ấn Độ Dương thay vì du ngoạn trên sông Nile.
Các hiện vật được tìm thấy dọc Con đường tơ lụa
Tuy nhiên, không nhiều người dám đi xa hơn Ấn Độ. Cuốn Periplus Maris Erythraei khẳng định lụa có xuất xứ từ Trung Hoa và được vận chuyển bằng đường bộ qua dãy Himalaya tới cảng Barygaza. Người Trung Hoa được gọi là người Seres (người làm lụa), nhưng ít ai từng gặp họ. Nhiều người La Mã chẳng biết gì về con tằm và tin rằng tơ lụa là một loại sợi thực vật. Người phương Tây biết về một đất nước xa xôi làm ra một loại vải tốt và mang về để dệt chỉ vàng ở Alexandria hoặc nhuộm màu tím hoàng gia của Tyre. Nhưng vị trí chính xác của nơi ấy vẫn là điều bí ẩn.
Khi đã đến Ấn Độ, các thương nhân thường không đi thẳng đến Trung Quốc. Đầu tiên, họ dừng chân ở đảo Taprobane (Sri Lanka), rồi băng qua eo biển Malacca đến Cattigara (Óc Eo) ở đồng bằng sông Cửu Long ở nước ta. Tại đây, người ta đã tìm thấy nhiều viên đá quý chạm khắc theo họa tiết La Mã và huy chương mang hình hoàng đế La Mã Antoninus Pius và Marcus Aurelius, cùng đồ vật của Trung Quốc và Ấn Độ. Những phát hiện này gợi ý Óc Eo là một trung tâm thương mại nhộn nhịp, và điều này mở ra khả năng rằng những người được cho là đại sứ La Mã thay mặt Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius trình diện tại Lạc Dương thực chất là thương nhân từ Óc Eo.
Nguồn: Nationalgeographic
Nguồn: https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/75446/tu-la-ma-toi-lac-duong-huyen-thoai-con-djuong-to-lua-tren-bien.html
Bình luận (0)