Sự tử tế đôi khi chỉ là hành động các bạn trẻ nhường chỗ cho người lớn tuổi. (Nguồn: NLĐ) |
Trong sự vội vã của cuộc sống hiện đại, đôi khi lòng người trở nên xa cách, khô khan và vô cảm. Thế nhưng, chỉ cần một hành động nhỏ như một cái nắm tay khi qua đường, một lời hỏi han, hay việc nhường ghế cho người cao tuổi dù là những ứng xử thường nhật nhưng cũng đủ để làm bừng sáng niềm tin vào sự tử tế trong mỗi chúng ta. Đặc biệt, khi chính những người trẻ, thế hệ tương lai của đất nước chủ động lan tỏa sự nhân văn ấy, đó không chỉ là một nghĩa cử đẹp, mà còn là minh chứng cho sức sống của đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong đại lễ 30/4 vừa qua, hình ảnh các sinh viên nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh – những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập dân tộc đã khiến không ít người xúc động. Họ không làm điều đó để được ghi nhận hay ca ngợi, mà đơn giản vì lòng biết ơn và sự tử tế đã lớn lên trong họ qua từng trang sách, từng lời dạy và qua cả những thấu cảm từ trái tim.
Lại nhớ trận lũ lụt miền Bắc xảy ra năm ngoái, hình ảnh ô tô tải, ô tô con đi chậm, dìu những chiếc xe máy qua cơn mưa lớn, gió mạnh trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) là khoảnh khắc cảm động và ấm áp. Hay câu chuyện những căn hộ, khách sạn mở cửa đón người vô gia cư vào trú bão, được ăn miễn phí; những người âm thầm chia sẻ đồ ăn, nước uống là những câu chuyện ấm lòng trong mùa bão lũ, đã tạo nên một bức tranh đẹp về lòng nhân ái giữa đời thường.
Khi cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, anh Ngô Văn Khanh ngay lập tức chạy ra phía bờ sông cách đó chừng hơn một cây số. Lúc này, nam thanh niên phát hiện một nạn nhân đang chới với giữa dòng nước lũ xiết. Ngay lập tức, anh chạy xuống đò, bơi ngược ra giữa dòng để ứng cứu mà không chút do dự...
Nghĩa là, đâu đó cũng đều có tình người, sự tử tế hiện hữu. Tử tế không phải là điều gì quá lớn lao, đôi khi, đó chỉ là sự lắng nghe khi người khác cần chia sẻ, là hành động giúp đỡ khi ai đó đang gặp khó khăn, hay là cái cúi đầu đầy kính trọng với người đi trước. Đó có thể là việc một người trẻ dắt tay cụ già, trẻ nhỏ qua đường, một bác tài xế dừng xe để nhường đường cho người đi bộ...
Đó cũng có thể là hành động lớn hơn như kêu gọi bảo vệ môi trường, thành lập tổ chức từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những cử chỉ tưởng chừng bình thường nhưng lại chứa đựng sức mạnh cảm hóa và lan tỏa rất lớn. Chính từ những điều nhỏ ấy, nhân cách được hình thành, lòng người được vun đắp và xã hội được bồi đắp thêm những giá trị bền vững.
Cảnh ôtô đi chậm chắn gió giật mạnh cho người đi xe máy trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) năm 2024. (Nguồn: NLĐ) |
Người trẻ ngày nay đang sống trong một xã hội đầy biến động, nơi công nghệ phát triển nhanh chóng, thông tin và sự cạnh tranh đôi khi làm phai mờ những kết nối thực giữa người với người. Vì thế, việc nuôi dưỡng lòng tử tế là điều quan trọng. Đó là nền tảng giúp các bạn trẻ không chỉ thành công trong nghề nghiệp, mà còn trở thành những con người biết sống vì cộng đồng, biết yêu thương và sẻ chia.
Hành động nhường chỗ cho người lớn tuổi của các bạn trẻ hay tài xế xe tải, xe con dìu xe máy trong cơn bão... là những hình ảnh đẹp, đánh thức lòng tử tế trong mỗi người, nhắc nhở chúng ta rằng, sống tử tế là một lựa chọn và ai cũng có thể lựa chọn dù trong hoàn cảnh nào.
Trong một xã hội không ngừng chuyển động và thay đổi, tử tế sẽ giữ con người lại với những giá trị nền tảng: sự kính trọng, lòng biết ơn và tinh thần cộng đồng. Đặc biệt, khi người trẻ - những người đang góp phần định hình tương lai đất nước biết sống tử tế, đó là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển bền vững và nhân văn của xã hội.
Nhà triết học, nhà kinh tế chính trị học, nhà hoạt động xã hội người Anh John Stuart Mill có quan điểm: “Về lâu dài, bằng chứng tốt nhất của một người có nhân cách tốt là những hành động tốt”.
Trong một phát biểu, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nhấn mạnh, giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ về đức, trí, thể, mỹ là mục tiêu quan trọng của giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, thế hệ trẻ càng cần được giáo dục toàn diện và phát triển nhân cách, có đạo đức, có ý thức, có trách nhiệm, có năng lực để thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc và trở thành những công dân Việt Nam tốt, công dân toàn cầu.
Có người nói, sự tử tế trong đứa trẻ giống như một ly nước đầy. Mỗi ngày đều phải rót cho con trẻ sự tử tế, lòng nhân ái, sự lễ phép, trung thực và phải duy trì sự tử tế trong mỗi đứa trẻ.
Trong bối cảnh công nghệ số, chúng ta không thể dùng tư duy cũ để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Vì vậy, cần phải có một tư duy mới, đúng đắn và các giải pháp công nghệ để hình thành và phát triển hành động số cũng như nhân cách, đạo đức cho trẻ. Đồng thời, cần cho trẻ thực hành thường xuyên, tự soi chiếu và điều chỉnh hành vi của mình để thành người tử tế trong tương lai.
Tử tế không phải là điều xa vời, nó bắt đầu từ hôm nay, từ chính chúng ta...
Nguồn: https://baoquocte.vn/tu-te-khong-phai-dieu-xa-voi-ma-bat-dau-tu-trong-chinh-chung-ta-313638.html
Bình luận (0)