Tưới thông minh- giảm chi phí, tăng hiệu quả 

Việt NamViệt Nam18/02/2025


Hệ thống tưới thông minh giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công lao động, giúp tăng hiệu quả sản xuất.
Hệ thống tưới thông minh giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công lao động, giúp tăng hiệu quả sản xuất.

Để nâng cao giá trị cây trồng, đặc biệt là trên cây sầu riêng- loại cây có giá trị kinh tế khá cao hiện nay, nhiều hộ dân tại huyện Long Hồ đã ứng dụng hệ thống tưới thông minh nhằm giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Đây cũng là một trong những giải pháp ứng phó hạn mặn có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.


Những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi, ứng dụng hệ thống tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp và đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, việc lắp đặt hệ thống tưới tự động trên cây ăn trái không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm lượng nước tưới, lượng phân bón, thuốc BVTV so với phương pháp truyền thống, đảm bảo cây trồng luôn được cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho từng giai đoạn phát triển.


Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1/12/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Long Hồ đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ tưới thông minh trên cây sầu riêng tại xã Đồng Phú. Bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, huyện đã hỗ trợ nông dân đầu tư xây dựng mô hình tưới, phun thuốc thông minh.


Cụ thể, hệ thống tưới, phun được điều khiển bằng điện thoại thông minh gồm 2 chức năng là tưới nước nhỏ giọt và tưới phun cho cây sầu riêng; phun thuốc BVTV và phân bón lá cho cây sầu riêng. Hệ thống tưới nhỏ giọt gồm những cây cắm nhỏ giọt dưới gốc cây sầu riêng. Hệ thống phun để phun thuốc BVTV và phân bón lá gồm các vòi phun lắp xung quanh trên tán lá cây sầu riêng.


Ông Nguyễn Văn Tụy- Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Long Hồ, cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trước tình hình hạn mặn ngày càng diễn biến phức tạp, chính quyền và nông dân tại 4 xã cù lao của huyện Long Hồ chủ động các giải pháp ứng phó để bảo vệ và phát triển vườn cây ăn trái nhằm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Trong đó, hệ thống tưới thông minh là mô hình ứng dụng công nghệ cao vào canh tác vườn cây ăn trái giúp tiết kiệm nước và giảm chi phí nhân công lao động, là một trong những giải pháp ứng phó hạn mặn có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.


Theo ông Tụy, khi áp dụng công nghệ tưới, phun thông minh, nông dân tiết kiệm được lượng nước, phân bón lá, thuốc BVTV giảm 70-80%, điều khiển được thời gian hoạt động của hệ thống và giảm thời gian phun khoảng 97,9% so với phun sử dụng bình xịt truyền thống. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh hại, sâu rầy bị tiêu diệt tăng khoảng 29%, tăng năng suất cho trái trên cây sầu riêng từ 10-20%, hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với phân bón, thuốc BVTV gây hại cho sức khỏe người phun; giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.


Chú Nguyễn Văn Út Lâm- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Thạnh 3, có 14 công đất trồng sầu riêng, hiện đã triển khai hệ thống tưới và phun thuốc trên 8 công. Chú Út Lâm chia sẻ: “Từ khi áp dụng hệ thống tự động này, công việc trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thay vì tưới, phun cả buổi thì bây giờ chỉ cần 15-30 phút là đã xong cả vườn. Tiết kiệm nước và công sức. Chỉ cần ngồi ở nhà, cài đặt sẵn chương trình rồi bấm nút điều khiển là hệ thống tưới hoạt động. Mỗi ngày nếu trời nắng phải tưới 2 lần, mỗi lần 15 phút là xong. Tiền lắp đặt chỉ hơn 1 triệu đồng/công”. 


Nhiều nông dân cho hay, hệ thống tưới cây tự động thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao và tiết kiệm nhiều mặt. Do đó, đầu tư vào một hệ thống tưới tự động là một giải pháp mà nhiều nông dân áp dụng để tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán như hiện nay. 


Hiện tại, mô hình được nông dân mạnh dạn đầu tư tự động hóa hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt trên cho các vườn cây như nhãn, chôm chôm, mít, rau củ… Theo đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, Hội Nông dân và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Long Hồ đã kiểm tra, đánh giá nghiệm thu và tuyên truyền hiệu quả mô hình cho người dân trên địa bàn huyện để ứng dụng. 


Ông Hà Huỳnh Phong- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Phú, cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có 7 hộ đã triển khai hệ thống tưới và phun nước thông minh với sự hỗ trợ 50% từ kinh phí của huyện. So với chi phí thuê nhân công tưới cây mỗi ngày thì hệ thống tưới sẽ giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Việc tưới, bón phân, phun thuốc tự động có hiệu quả rất nhiều so với việc đeo bình phun và phun áp suất từ dưới gốc lên như cách truyền thống vì có thể tránh thuốc tiếp xúc vào cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của nông dân. 


“Trong kế hoạch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xã cơ cấu lại theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Mô hình tưới, phun thông minh là mô hình mới ứng dụng công nghệ 4.0 mang lại hiệu quả, Hội Nông dân xã sẵn sàng chia sẻ với bà con lân cận đến xem và nhân rộng mô hình”- ông Phong nói.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO



Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202502/tuoi-thong-minh-giam-chi-phi-tang-hieu-qua-42b2dd2/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available