Một ngày làm việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm (Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi) bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng. Ngoài những người đến các trường học, doanh nghiệp, địa phương để tư vấn tuyển sinh thì những người làm việc ở văn phòng cũng bận rộn với việc hướng dẫn các bậc phụ huynh, học sinh tham quan cơ sở vật chất nhà trường và tư vấn online cho người có nhu cầu học nghề. Ông Loan Thanh Đạo, Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm 2025, Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi dự kiến tuyển 1.300 học sinh, sinh viên hệ trung cấp và cao đẳng. Ngay từ đầu năm, trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Trung tâm triển khai nhiều phương án tuyển sinh. Để tuyển đủ chỉ tiêu, nhà trường chủ động phối hợp các trường THPT để định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh đến đăng tải thông tin tuyển sinh trên website của trường và các trang mạng xã hội facebook, zalo. Hiện tại, công tác tuyển sinh bước vào giai đoạn “nước rút”, vì vậy Trung tâm đã tăng cường thêm nhân lực để trực tư vấn, tiếp nhận hồ sơ...
Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu những ngày này, bên cạnh vai trò chính của đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm Tuyển sinh đến các trường THPT và các địa phương để chiêu sinh, thì mỗi cán bộ, giáo viên đều được giao chỉ tiêu, nhiệm vụ giới thiệu, tuyển sinh cho trường. Ông Trần Thanh Liêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để bảo đảm chỉ tiêu tuyển mới khoảng 500 học sinh, sinh viên của năm 2025, ngoài tuyển sinh theo cách truyền thống, trường còn tìm đối tác doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước để mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp; tổ chức đoàn cán bộ, giáo viên đến các doanh nghiệp khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho những lao động chưa có bằng cấp, chứng chỉ và khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp mới để có hướng đào tạo lao động phù hợp nhất với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh các trường đại học tăng số nguyện vọng, kéo dài thời gian nhận hồ sơ dự tuyển, đòi hỏi các cơ sở GDNN phải đổi mới cách làm để “tăng sức hút”, nhất là lực hút đối với nhóm học sinh tốt nghiệp THPT, giúp các em thấy được lợi ích và lựa chọn con đường học nghề, sớm bước vào thị trường lao động. Mặt khác, các cơ sở GDNN nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp nên tập trung cao cho việc tuyển sinh các nhóm nghề “hot” dễ có việc làm, lương cao và cơ hội phát triển như: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn công nghệ cao, tự động hóa và công nghệ số...
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 50 cơ sở GDNN, gồm: 14 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, còn lại là các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên; tổng quy mô đào tạo từ hệ trung cấp đến cao đẳng là hơn 45,9 nghìn người/năm. Nhiều cơ sở GDNN có quy mô, chất lượng đào tạo tốt như: Trường Cao đẳng nghề Thái Bình, Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi... Việc lựa chọn trường học nên dựa trên sở thích, năng lực và mục tiêu nghề nghiệp của học sinh. Nếu học sinh có đam mê với một nghề cụ thể và muốn đi làm sớm, trường nghề có thể là lựa chọn tốt. Nếu học sinh muốn học lên cao, có kiến thức nền tảng rộng, trường đại học có thể phù hợp hơn.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, khi công tác quản lý GDNN được chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp thống nhất hệ thống giáo dục và thúc đẩy liên thông giữa các bậc học. Đây cũng là năm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước. Nhiều cơ sở GDNN đã thay đổi phương thức tuyển sinh, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đây là tiền đề tốt cho việc tăng số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng tốc độ gia tăng các khu kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.
Nguồn: https://baohungyen.vn/tuyen-sinh-giao-duc-nghe-nghiep-da-dang-cach-lam-thu-hut-nguoi-hoc-3183039.html
Bình luận (0)