Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ứng dụng AI trong phát triển bền vững: Cơ hội tiếp cận vốn xanh cho ngân hàng

Trong bối cảnh các ngân hàng đang từng bước triển khai thực hành báo cáo phát triển bền vững, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo được xem là một yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả.

VietnamPlusVietnamPlus21/05/2025

“Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng không chỉ phải quản lý các rủi ro tài chính truyền thống mà còn cần chủ động nhận diện, đo lường vừa kiểm soát những rủi ro, vừa tận dụng cơ hội liên quan đến ESG (bộ tiêu chuẩn đánh giá về môi trường, xã hội và quản trị) trong hoạt động cho vay, đầu tư và vận hành nội bộ. Việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh và quản trị nội bộ sẽ tạo nền tảng quan trọng giúp hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh, bao trùm.”

Đó là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà tại tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 21/5 tại Hà Nội,

Vẫn nhiều thách thức

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian qua, thực hiện quyết tâm của Chính phủ với mục tiêu phát triển bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách và kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng.

“Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại lồng ghép, đưa các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu phát triển bền vững vào chiến lược, chương trình, kế hoạch kinh doanh, quy trình nghiệp vụ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng và công bố Báo cáo phát triển bền vững, công bố các cam kết ‘xanh’ của tổ chức mình, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ngoài ra, thông qua Đề án phát triển ngân hàng xanh, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh đào tạo, nâng cao nhận thức về tín dụng xanh và định kỳ tổ chức hội thảo, tọa đàm để phổ biến kinh nghiệm, tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Các hoạt động như hợp tác với ACCA, GIZ tổ chức tọa đàm và đào tạo chuyên sâu cho thấy cam kết rõ ràng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hành báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế.

Về dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực xanh của hệ thống ngân hàng đã có sự tăng trưởng nhanh cả về quy mô và tốc độ: Đến 31/3/2025 đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành: Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%); tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.

Tuy đạt được những kết quả tích cực, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận thực tế, việc thực hành và công bố Báo cáo Phát triển bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành ngân hàng, vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu. Những thách thức về khung pháp lý, nguồn lực, năng lực phân tích dữ liệu và đặc biệt là cách thức thu thập, xử lý thông tin một cách hiệu quả và minh bạch vẫn là những rào cản đáng kể.

“Chính vì vậy việc ứng dụng AI và công nghệ số hiện đại chính là lời giải tiềm năng cho những bài toán trên. AI không chỉ giúp tự động hóa việc thu thập và tổng hợp dữ liệu, mà còn hỗ trợ phân tích chuyên sâu, phát hiện xu hướng, và đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng báo cáo và hiệu quả quản trị bền vững,” Phó Thống đốc khẳng định.

Phân tích cụ thể hơn, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng Chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho hay, khó khăn của các tổ chức tín dụng khi thực hiện Báo cáo Phát triển bền vững là chi phí đầu tư, thuê tư vấn xây dựng báo cáo còn cao. Lực lượng cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu còn hạn chế. Hơn nữa là thiếu khung pháp lý để xây dựng danh mục đầu tư xanh, phát triển bền vững của các ngân hàng thương mại.

z6623420126340-68bd6203a00dee623c9a226d367156fd.jpg
Các diễn giả tại Tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Ở góc độ ngân hàng thương mại, bà Ngô Thúy Phượng, Phó Ban Chiến lược và Thư ký Hội đồng quản trị Vietcombank nhận định rằng việc thiếu khung phân loại xanh quốc gia và bộ tiêu chuẩn thống nhất về ESG là những trở ngại then chốt.

Bà Phượng cũng chỉ ra rằng hiện chưa có hướng dẫn rõ ràng về nội dung, phương pháp và quy trình để xác minh tính chính xác của các báo cáo phát triển bền vững do doanh nghiệp cung cấp. Các ngân hàng vì vậy vẫn thiếu công cụ, dữ liệu và kỹ năng cần thiết để đánh giá đầy đủ các yếu tố phi tài chính, đặc biệt là các tiêu chí ESG.

AI là ‘trợ thủ’ chiến lược

Trong bối cảnh các ngân hàng đang từng bước triển khai thực hành báo cáo phát triển bền vững, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và chất lượng của báo cáo.

Trong bài phát biểu với tiêu đề “Chuẩn mực toàn cầu và vai trò của AI trong báo cáo phát triển bền vững ngành ngân hàng,” ông Mike Suffield - Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu Chuyên sâu, ACCA toàn cầu nhấn mạnh tiềm năng mang tính chuyển đổi của AI, đồng thời cảnh báo các rủi ro như thiên lệch dữ liệu, hạn chế trong tính minh bạch của thuật toán và hiện tượng “greenwashing” (tẩy xanh).

Song ông Mike Suffield cũng khuyến nghị, AI có thể hỗ trợ việc công bố thông tin phát triển bền vững một cách hiệu quả, ý nghĩa và chặt chẽ hơn, nhưng nó phải được sử dụng một cách có đạo đức, minh bạch và phù hợp với các khuôn khổ quốc tế...

z6623423702576-aad5885b95c2e3d0dbfe1c990383ca2c.jpg
Ông Mike Suffield - Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu Chuyên sâu, ACCA toàn cầu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings cũng nhận định không có AI và không có công nghệ thì sẽ không thể chuyển đổi được đồng thời cho rằng việc làm thủ công trong lĩnh vực này là không khả thi.

Bà Ngô Thúy Phượng cũng cho rằng ngành ngân hàng có nhiều thuận lợi trong việc ứng dụng AI vào báo cáo phát triển bền vững nhờ đã có sự chuẩn bị về mặt thể chế, sự hỗ trợ từ quốc tế và nâng cao nhận thức trong hệ thống. Bà đánh giá AI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng và tính minh bạch của báo cáo.

Từ góc nhìn giải pháp về công nghệ, Tiến sĩ Lê Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT cho biết các thách thức lớn với doanh nghiệp hiện nay là dữ liệu ESG còn phân tán, thiếu chuẩn hóa, quy trình lập báo cáo thủ công, tốn thời gian và dễ sai sót.

Để giải quyết, FPT đã phát triển các giải pháp AI tích hợp như VertZero, số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu ESG, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, từ đó góp phần hoàn thiện báo cáo ESG của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để AI thực sự phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ báo cáo phát triển bền vững, các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần có sự đồng bộ giữa khung pháp lý, hệ thống dữ liệu và nguồn nhân lực. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là sớm ban hành bộ tiêu chuẩn phân loại xanh quốc gia – nền tảng quan trọng để tích hợp các yếu tố môi trường - xã hội vào hệ thống dữ liệu ngân hàng và triển khai các giải pháp công nghệ một cách hiệu quả./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/ung-dung-ai-trong-phat-trien-ben-vung-co-hoi-tiep-can-von-xanh-cho-ngan-hang-post1039823.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm