Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)

Sáng 29.4, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội (22 Hùng Vương, Hà Nội), tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 12, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân29/04/2025

Tham dự có các thành viên Ủy ban; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; đại diện Bộ Xây dựng; các Bộ, ngành liên quan.

ubkhcn1.jpg
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi)

Tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước; khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như công tác quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

Trên cơ sở 5 chính sách đã được thông qua, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa thành các quy định cụ thể trong dự thảo Luật và tập trung vào 5 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt, cụ thể như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.

ubkhcn3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Thứ trưởng cũng nêu rõ, Luật Đường sắt 2017 có 20 thủ tục hành chính, còn dự án Luật hiện nay đã cắt giảm 4 thủ tục hành chính, sửa đổi về chủ thể thực hiện của 10 thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn và chỉ kế thừa 6 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Xây dựng đánh giá kỹ lưỡng trong Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính. Đồng thời, dự án Luật đã cắt giảm 33% ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện quy định tại Luật Đường sắt 2017.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết của dự án Luật và nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về đường sắt lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, tháo gỡ các rào cản, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng trong giai đoạn mới.

Cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, một số thành viên Ủy ban đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và đường sắt chuyên dùng; kinh doanh đường sắt, khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt.

Có ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự án Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như: khuyến khích nội địa hóa và phát triển công nghiệp trong nước, thúc đẩy sự liên kết giữa công nghiệp đường sắt và các ngành công nghiệp phụ trợ; đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ để cải thiện hiệu quả sản xuất, vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh; an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường trong tất cả các khâu từ sản xuất, lắp ráp, bảo trì đến vận hành các phương tiện giao thông đường sắt; đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, tiến tới tự chủ về công nghệ.

ubkhcn4.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác trường, viện, doanh nghiệp trong nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao, các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua nghiên cứu, chuyển giao tại các trường đại học, Viện nghiên cứu cầu nối cho doanh nghiệp, các loại ưu đãi đầu tư, ưu đãi tín dụng, ưu đãi trong phát triển công nghệ cần được quy định rõ hơn trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về thúc đẩy chuyển đổi số, sử dụng công nghệ tiên tiến vào vận hành, quản lý hệ thống đường sát; huy động đa dạng nguồn vốn cho phát triển đường sắt; đảm bảo an ninh quốc phòng cho các tuyến đường sắt...

ubkhcn5.jpg
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng ghi nhận các ý kiến góp ý về dự thảo Luật và giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu nêu phiên họp; khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong quá trình rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ Chín và đánh giá cao sự cố gắng, nghiêm túc của Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo trong chuẩn bị hồ sơ, tài liệu.

Ghi nhận các ý kiến góp ý của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan và các đại biểu tham dự phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp với Thường trực Ủy ban nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/uy-ban-khoa-hoc-cong-nghe-va-moi-truong-tham-tra-du-an-luat-duong-sat-sua-doi-post411881.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm