Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Ngày 21-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng21/05/2025

Thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn về sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Góp ý tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cấp thiết, nhằm thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

DSC_7527.jpeg
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm phát biểu. Ảnh: VĂN MINH

Cùng với đó, việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng về trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được xác định là bước đi quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tính liên thông, thống nhất và sát thực tiễn. Đồng thời bảo đảm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Một nội dung trọng tâm được thảo luận là sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, nhằm thể chế hóa chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong điều kiện mới.

DSC_7506.jpeg
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Ảnh: VĂN MINH

Theo luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TPHCM, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, hiện nay, đơn vị hành chính (ĐVHC) ở nước ta đã và đang vận hành theo mô hình ba cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, trong đó cấp huyện chỉ còn giữ vai trò trung gian, không còn phù hợp với yêu cầu quản trị hiện đại và xu hướng chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, việc tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và sát với cơ sở.

Đồng ý về việc không quy định cụ thể ĐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, điều chỉnh ĐVHC thì không phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị, làm rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương gồm 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở, bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Trên cơ sở tính chất đặc thù của mỗi địa phương mà có thể tổ chức hoặc không tổ chức HĐND - UBND hay UBND.

DSC_7293.jpeg
Luật sư Nguyễn Văn Hậu góp ý. Ảnh: VĂN MINH

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất diễn đạt khoản 1 Điều 110 theo hướng xác định rõ chỉ còn 2 cấp hành chính là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Việc xác định tên gọi cụ thể của cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, đặc khu...) sẽ do Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định.

Bên cạnh đó, luật sư đề nghị cần làm rõ và thống nhất việc sử dụng thuật ngữ "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" và "đặc khu" trong hệ thống pháp luật. Quan trọng là Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) sắp tới cần có các tiêu chí phân loại, thành lập, sáp nhập ĐVHC rõ ràng, khoa học, có tính đến yếu tố đặc thù, tránh chủ quan.

Tránh ảnh hưởng đến người dân khi chuyển tiếp

Về quy định chuyển tiếp khi sắp xếp lại ĐVHC, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, các quy định chuyển tiếp cần đảm bảo tính toàn diện, chi tiết, khả thi để hệ thống chính trị vận hành thông suốt và đời sống người dân ít bị ảnh hưởng nhất.

Liên quan đến việc kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện, cần có quy định cụ thể về quy trình, thời hạn bàn giao công việc, hồ sơ, tài chính, tài sản công, biên chế. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế kế thừa quyền và nghĩa vụ pháp lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vụ án dở dang, cũng như khẳng định hiệu lực của các văn bản do cấp huyện đã ban hành.

DSC_7361.jpeg
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung góp ý. Ảnh: VĂN MINH

Đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, cần có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển giao, tiếp nhận các hồ sơ đang giải quyết tại cấp huyện, công khai địa điểm, cơ quan xử lý mới, tránh gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm.

Đặc biệt, vấn đề điều chỉnh thông tin trên giấy tờ của công dân, tổ chức khi thay đổi ĐVHC cần có quy định chuyển tiếp hết sức thuận lợi. Nên khẳng định giấy tờ cũ còn giá trị sử dụng, việc điều chỉnh chỉ thực hiện khi có yêu cầu hoặc cấp đổi, cấp mới, đồng thời nghiên cứu lộ trình cấp đổi đồng loạt, miễn phí hoặc giảm phí.

Về nhân sự, bên cạnh việc chỉ định các chức danh lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp, cần có chính sách tổng thể, nhân văn để sắp xếp, giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện. Ngoài ra, việc cho phép chỉ định người không phải đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo HĐND cũng cần hết sức cân nhắc.

DSC_7315.jpeg
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: VĂN MINH

Cùng góp ý quy định về nhân sự, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung góp ý, bổ sung cho rõ cụ thể “trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương", thay vì quy định như trong dự thảo là “trường hợp đặc biệt cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”.

Khẳng định vai trò trung tâm của Mặt trận Tổ quốc

Về nội dung quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, quy định này nhằm giúp hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là một thay đổi căn bản, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo.

Điều này không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của mặt trận mà còn làm rõ hơn các chức năng, nhiệm vụ cốt lõi như tập hợp, đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp mà không làm mất đi tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên, cơ chế "chủ trì" và "thống nhất hành động" cần được cụ thể hóa. Đặc biệt, chức năng giám sát, phản biện xã hội cần có cơ chế đảm bảo hiệu quả thực thi mạnh mẽ hơn, khắc phục tình trạng hình thức, né tránh còn tồn tại.

Quan trọng là phải thiết lập cơ chế pháp lý hữu hiệu để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát, phản biện của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam được các cơ quan nhà nước tiếp thu, giải trình, xử lý nghiêm túc, có thể xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiến nghị xử lý trách nhiệm vào Điều 9 Hiến pháp hoặc luật chuyên ngành, cụ thể là Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết của cơ quan nhà nước và đảm bảo nguồn lực phục vụ cho hoạt động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/uy-ban-mttq-viet-nam-tphcm-to-chuc-lay-y-kien-gop-y-sua-doi-hien-phap-nam-2013-post796181.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm