Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vài nét về Đại đội 33 bộ đội địa phương Gò Dầu anh hùng

Việt NamViệt Nam03/04/2025


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, trên địa bàn huyện Gò Dầu có một đơn vị bộ đội địa phương đã từng làm cho quân thù khiếp sợ. Không chỉ chống càn, đơn vị còn chủ động tấn công vào đồn bốt địch làm tiêu hao sinh lực địch, góp phần đáng kể trong việc giải phóng huyện Gò Dầu nói riêng và giải phóng miền Nam nói chung. Đó là Đại đội 33 (C33) bộ đội địa phương huyện Gò Dầu.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ngày 20.1.1976, Đại đội 33 được nhà nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam giải phóng, ngược dòng thời gian tìm hiểu đôi nét về Đại đội Anh hùng lực lượng vũ trang này.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 33 bộ đội địa phương Gò Dầu và các đại biểu dự họp mặt truyền thống chụp ảnh lưu niệm.

Huyện Gò Dầu được chính quyền cách mạng thành lập đầu năm 1955, trên cơ sở tách ra từ một phần đất phía Bắc huyện Trảng Bàng. Sau 6 năm thành lập, đầu năm 1961, cấp trên quyết định sáp nhập huyện Gò Dầu vào huyện Trảng Bàng. Vào tháng 3.1961, đơn vị lực lượng vũ trang huyện Trảng Bàng (bao gồm huyện Gò Dầu) được thành lập và lấy phiên hiệu là C33 (Đại đội 33).

Lúc mới thành lập, C33 chỉ có 1 trung đội, với 33 cán bộ chiến sĩ, do đồng chí Nguyễn Văn Lân (9 Lân) chỉ huy. Trung đội được chia làm 3 tiểu đội. Trang bị vũ khí còn hạn chế, với một khẩu trung liên, còn lại vài khẩu súng trường. Chỉ sau một thời gian tập luyện ngắn về quân sự và chính trị, đơn vị được lệnh ra quân chiến đấu.

Đêm 18.3.1961, C33 kết hợp với cơ sở binh vận tấn công đồn lính dân vệ ở ngã tư Vên Vên (xã Hiệp Thạnh). Trong trận ra quân đầu tiên này, C33 tiêu diệt toàn bộ đồn dân vệ, thu 18 khẩu súng.

Sáng ngày 19.3.1961, đơn vị cùng du kích 2 xã Hiệp Thạnh và Phước Thạnh đánh sáp lá cà với một đại đội chủ lực Sư đoàn 5 ngụy khi chúng càn quân vào xã Hiệp Thạnh. Trận này ta diệt địch chết và bị thương 60 tên.

Phát huy thành tích thắng lợi ban đầu, trong năm 1961, C33 liên tiếp đánh địch hơn 200 trận lớn, nhỏ làm chết và bị thương hằng trăm tên địch, thu gần 100 khẩu súng các loại. Đi đôi với chiến đấu, C33 cùng du kích các xã đột nhập vào vùng địch làm công tác vũ trang tuyên truyền, phát động nhân dân diệt ác, phá kềm; xây dựng đơn vị ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, trình độ kỹ thuật chiến đấu và trình độ chính trị.

Sau gần một năm sáp nhập, ngày 10.11.1961, theo chỉ đạo của trên, huyện Gò Dầu lại tách ra khỏi huyện Trảng Bàng. Cùng với việc tách 2 huyện, lực lượng vũ trang 2 huyện cũng được tổ chức lại cho phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới.

Ngay trong tháng 11.1961, đơn vị C33 chung của 2 huyện cũng được tách ra làm 2 đơn vị. Đơn vị thuộc huyện Gò Dầu được lấy tên “Đại đội 33 bộ đội địa phương Gò Dầu” (C33 Gò Dầu). Đại đội cũng chỉ có 1 trung đội, do đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh là Trung đội trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Nữa làm Trung đội phó và đồng chí Đàm Quốc Việt làm Chính trị viên.

Sau khi được thành lập, Đại đại 33 bộ đội địa phương Gò Dầu cùng quân dân toàn huyện đánh địch liên tục bất kể ngày đêm. Nhất là đánh phá ấp chiến lược làm cho địch không ổn định được kế hoạch “bình định” trên địa bàn Gò Dầu. Từ đó lực lượng C33 ngày càng phát triển và cùng quân dân Gò Dầu chiến đấu anh dũng chống quân xâm lược.

Đáng lưu ý, có 2 giai đoạn đơn vị C33 chiến đấu ác liệt nhất với quân địch và đã giành được nhiều thắng lợi. Đó là giai đoạn 1964-1966, địch thực hiện âm mưu bình định cấp tốc, lấn chiếm, gom dân lập “ấp chiến lược" và giai đoạn từ năm 1967-1971, toàn bộ “vùng ruột” Gò Dầu bị địch đánh phá thành vành đai trắng, không dân, địa hình trống trải.

Giai đoạn 1964-1966, địch đẩy cuộc "Chiến tranh đặc biệt" lên đỉnh cao, đánh phá ta với quy mô rộng lớn và ác liệt. Đầu năm 1964, địch chiếm lại Suối Bà Tươi, khoanh vùng lập “ấp chiến lược" trên trục lộ 19 (nay là ĐT.782) làm lá chắn chia cắt địa bàn Gò Dầu với căn cứ Bời Lời. Ở vùng ruột Gò Dầu, địch gia tăng càn quét.

Trước tình hình đó, Huyện uỷ Gò Dầu phát động phong trào “Quyết tử giữ Gò Dầu”, với quyết tâm đánh địch ra khỏi các xã vùng ruột Gò Dầu, giữ vững địa bàn, bám đất, bám dân, đánh địch. Quán triệt tinh thần này, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng C33 đeo trên ngực áo, dán trên bá súng phù hiệu “Quyết tử giữ Gò Dầu”. Từ đó, toàn C33 quyết tâm chiến đấu khắc phục mọi khó khăn bám địa bàn, bám dân đánh địch và đã giành nhiều thắng lợi đáng kể.

Trong 4 tháng đầu năm 1964, trên Tỉnh lộ 19, đoạn từ xã Bàu Đồn đến ngã tư Xóm Sóc (thuộc địa bàn xã Gia Bình, Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) và trên Quốc lộ 22 (nay là Quốc lộ 22B), đoạn từ thị trấn Gò Dầu đến xã Cẩm Giang, C33 cùng với lực lượng tỉnh đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt và làm tan rã 300 tên địch, thu nhiều vũ khí các loại.

Cũng trong năm 1964, C33 tham gia đánh 2 trận lớn làm địch thất bại nặng nề. Khoảng 4 giờ chiều ngày 25.5.1964, C33 cùng với lực lượng D14 (Tiểu đoàn 14 Tây Ninh) tập kích đánh vào đội hình địch đang đóng chốt tại ấp Phước Tây (xã Phước Thạnh). Trận này ta làm địch chết và bị thương 60 tên, thu được nhiều vũ khí trong đó có một súng cối 60 ly, một khẩu đại liên và một máy truyền tin.

Sau trận này, địch bỏ chốt Phước Tây dồn về đồn ấp Phước Hội. Trận thứ 2 diễn ra trong tháng 9.1964. Lực lượng C33 cùng với Trung đoàn 3 chủ lực Miền đánh vào hai cụm đóng chốt của Sư doàn 5 ngụy ở Phước Thạnh và Hiệp Thạnh, ta diệt 167 tên địch.

Đầu năm 1965, Mỹ dùng máy bay đánh bom liên tục 25 ngày đêm và rải chất độc hoá học ở căn cứ Bời Lời và Bến Sắn… Đáng lưu ý, vào tháng 4.1966, lính Mỹ càn vào căn cứ Thạnh Đức bị lực lượng C33 chặn đánh và diệt một tiểu đội, với 12 tên lính Mỹ. Đây là lần đầu tiên C33 trực tiếp đánh quân xâm lược Mỹ trên đất Gò Dầu.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, theo sự chỉ đạo của Huyện uỷ, lực lượng C33 có nhiệm vụ đánh địch sâu vào chi khu Hiếu Thiện (thị trấn Gò Dầu), đồng thời cắt đứt làm gián đoạn từng khúc trên Quốc lộ 1 (nay là Quốc lộ 22) và Quốc lộ 22 (nay là Quốc lộ 22B).

Thực hiện nhiệm vụ đó, C33 cùng lực lượng tỉnh đánh vào chi khu Hiếu Thiện diệt 35 tên địch, phá huỷ một kho xăng, một kho đạn và 2 khẩu pháo 105 ly. Đợt tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, ta thắng lợi lớn. Phong trào cách mạng của nhân dân trong huyện phát triển. Nhiều gia đình đưa con em vào bộ đội đánh giặc. Nhờ vậy, C33 từ 37 đồng chí đã lên đến 118 đồng chí.

Trong năm 1968, C33 vừa độc lập chiến đấu, vừa phối hợp lực lượng trên đánh nhiều trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch làm tiêu hao nhiều sinh lực của địch, trong đó, có 20 xe tăng, bắn rơi 3 chiếc trực thăng... Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), địch phản kích lại quyết liệt.

Trước tình hình đó, C33 quyết tâm đánh địch và kiên trì bám trụ, lấy ít đánh nhiều, mưu trí sáng tạo. C33 vừa độc lập chiến đấu, vừa phối hợp lực lượng trên đánh địch liên tục làm cho quân Mỹ - Nguỵ thất bại nhiều trận trên địa bàn Gò Dầu. Ta bẻ gãy nhiều âm mưu kế hoạch của địch…

Từ năm 1971 đến ngày miền Nam giải phóng, C33 liên tục đánh địch càn quét. Đáng lưu ý trong đợt hoạt động 12 ngày đêm năm 1974, C33 cùng với D14 của tỉnh bao vây đồn Đất Mọi (xã Thạnh Đức). Trong đợt này, ta đánh tất cả 16 trận diệt nhiều sinh lực địch; quá huỷ 10 xe tăng, diệt gọn 2 đại đội thiết giáp, một đại đội lính bảo an thu 77 khẩu súng.

Năm 1975, C33 cùng du kích các xã liên tục chặn đánh diệt nhiều sinh lực địch. Ta vây ép đồn bốt địch. Tháng 4.1975, C33 cùng quân dân toàn huyện vùng lên tấn công địch, giành chính quyền, giải phóng huyện nhà và góp phần đáng kể cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với những chiến công đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang Đại đội 33 bộ đội địa phương Gò Dầu đã được Đảng và Nhà nước khen thưởng 15 Huân chương chiến công (gồm 2 Huân chương chiến công hạng nhì và 13 Huân chương chiến công hạng ba).

Đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” 4 năm liền (từ năm 1968 đến năm 1971) và được cấp trên tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ Quyết thắng”. Đặc biệt là sau ngày miền Nam giải phóng, Đại đội 33 bộ đội địa phương Gò Dầu đã được Nhà nước tuyên dương đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang”, vào ngày 24.1.1976.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nước nhà chuyển sang giai đoạn cách mạng mới là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại đội 33 bộ đội địa phương Gò Dầu đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của quân dân huyện Gò Dầu nói riêng, của tỉnh Tây Ninh và cả nước nói chung.

Các cán bộ, chiến sĩ đơn vị C33 một số chuyển công tác và giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, chính quyền và các đoàn thể, một số khác vẫn tiếp tục phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam… Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 33 huyện Gò Dầu năm nào tuổi đã cao, sức khoẻ đã yếu và lần lượt được Đảng và Nhà nước giải quyết chính sách hưu trí.

Mặc dù không còn trực tiếp tham gia công tác, nhưng các cán bộ, chiến sĩ C33 vẫn luôn giữ vững được phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.

Duy Huân

(Dựa theo tài liệu của Ban liên lạc truyền thống Đại đội 33 bộ đội địa phương Gò Dầu, do ông Trần Văn Nghề- Trưởng ban liên lạc cung cấp)



Nguồn: https://baotayninh.vn/vai-net-ve-dai-doi-33-bo-doi-dia-phuong-go-dau-anh-hung-a188345.html

Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm