Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền phường Vân Sơn tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân để nhân rộng. Chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với cơ quan chuyên môn của thị xã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; nhận ủy thác, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ông Cầm Thái Nguyên, Chủ tịch UBND phường Vân Sơn, cho biết: Các HTX, hộ dân đã lựa chọn và xây dựng hơn 30 mô hình kinh tế với các loại cây trồng mũi nhọn, như: Chè, cam, mận, bơ, rau trái vụ... Đến nay, phường có hơn 200 ha cây ăn quả; 300 ha chè; 270 ha rau màu các loại; hơn 100 hộ dân đầu tư làm hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt hơn 70 triệu đồng.
Sau khi được đi tham quan các mô hình nông nghiệp an toàn trong nhà lưới, năm 2020, gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, tổ dân phố Đoàn Kết, phường Vân Sơn đã đầu tư hơn 150 triệu đồng để làm 600m² nhà lưới và hệ thống tưới tự động trồng cà chua. Anh Tùng cho biết: Trồng cà chua trong nhà lưới mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, nhưng giúp cây không bị ảnh hưởng những bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, giảm chi phí lao động, chất lượng và sản lượng quả được nâng lên. Năm nay, gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nhà lưới lên 2.600 m² để trồng thêm ớt chuông và dưa lê vàng, phấn đấu thu về khoảng 15 tấn quả các loại.
Còn tại tổ dân phố 68, nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp gia đình ông Trần Văn Khanh có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam của gia đình, ông Khanh chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng cây lương thực nhưng hiệu quả không cao. Sau khi được thăm các mô hình trồng cam, năm 2010, tôi trồng thử nghiệm 7.000 m² cây cam. Sau 3 năm, cây cam phát triển tốt, ít sâu bệnh, bắt đầu cho quả, nên các năm tiếp theo, tôi mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình có hơn 5 ha cam, sản lượng hơn 100 tấn quả/năm; với giá bán trung bình hơn 30.000 đồng/kg, gia đình thu hơn 3 tỷ đồng/năm.
Phát huy vai trò chuyển giao khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất, HTX nông nghiệp Dũng Tiến, tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng các loại rau màu trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong việc bao tiêu sản phẩm theo chuỗi khép kín, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Dũng Tiến, cho biết: HTX có hơn 25 ha rau, củ, quả; trong đó, có 10 ha đạt chuẩn VietGAP, 5 ha rau củ quả trồng trong nhà kính, nhà lưới. Các khâu tưới nước, phun thuốc được tự động hóa 100% với công nghệ tưới phun sương, tưới nhỏ giọt. Các hộ thành viên của HTX đều có điện thoại thông minh để quản lý quá trình chăm sóc, cập nhật thông tin sản phẩm. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao, giá trị canh tác đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm.
Với những định hướng đúng và sự cần cù, sáng tạo của những người nông dân phường Vân Sơn, đã tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/van-son-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-2aT1odfNg.html
Bình luận (0)