Hoa đào chuông vừa kiêu sa, vừa mong manh, quyến rũ lại có sắc màu và hình dáng như chiếc chuông nhỏ khiến bao người mê đắm. Ảnh: Nguyễn Trình |
Họ nói rằng, giây phút thả hồn vào thiên nhiên, hít hà hương thơm của cỏ cây và thỏa thích ngắm nhìn các loài hoa bung
nở, trong họ bỗng gợi lên niềm hạnh phúc và những cảm xúc tích cực. Lẽ đó, Xuân đến, họ lại ngược đường, ngược phố tìm về thưởng lãm sắc hồng tuyệt đẹp hoa đào chuông. Hạ về, họ lại đắm mình trong men say vàng, tím cùng thàn mát, lim xẹt…
1. Không quá khi nói rằng, Sơn Trà mùa nào cũng đẹp, đẹp nhất là khi những thảm hoa thàn mát, lim xẹt ngậm nụ non và nở rộ sắc màu của riêng mình. Đó là sắc vàng rực rỡ, sáng bừng một vùng trời của lim xẹt hay sắc tím hồng, tím biếc, tím nhạt của thàn mát. Lẽ đó, để lưu lại khoảnh khắc đất trời ôm trọn núi đồi qua những sắc hoa, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trình (Đà Nẵng) lại một mình, một máy miệt mài sớm chiều trên những cung đường ở Sơn Trà.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trình bày tỏ, khá bận rộn với công việc nhưng vì niềm đam mê dành cho hoa quá lớn nên những ngày cuối tuần, anh lại rong ruổi trên khắp các cánh rừng ở Sơn Trà để chụp hoa, cây hay bắt trọn khoảnh khắc của voọc chà vá chân nâu. Tính ra, anh bắt tay vào công cuộc “săn” ảnh hoa được bốn năm với gia tài hơn 1.000 tấm. Ngoài niềm đam mê, điều níu chân anh về với hoa, với rừng là để giải tỏa áp lực. Không chỉ vậy, anh có cơ hội giao lưu, học hỏi với những người cùng niềm đam mê.
Theo anh, hoa thàn mát, lim xẹt bắt đầu khoe sắc từ tháng Tư, tháng Năm. Mỗi loài hoa có nét đẹp riêng, nếu thàn mát tím biếc, buồn man mác thì lim xẹt lại giúp người xem vui vẻ, hân hoan. Để công cuộc săn ảnh thành công, anh thường ưu tiên vào sáng sớm từ 5-7 giờ. Đây là khoảng thời gian nắng còn nhẹ, gió còn hiền, sương còn lơ lửng trên các khóm lá, khóm hoa. Ngoài hoa, nếu muốn chụp khoảnh khắc loài linh trưởng voọc tung tăng ăn lá, ăn hạt thì phải dựa vào may mắn. “Tôi có thể chụp đa dạng thể loại từ con người, cảnh vật cho đến lễ hội… Với hoa thì khác bởi không chỉ chụp để lưu mà tôi đang tận hưởng khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên. Để chụp ảnh các thể loại khác, tôi có thể sắp đặt và tùy chỉnh ít nhiều nhưng với hoa thì không. Bởi cái hay, cái lạ của hoa là diễn ra tự nhiên, hài hòa nhất. Có như vậy, tấm ảnh ra đời mới có hồn, tạo cảm xúc thật, người xem có thể cảm nhận và sống cùng thời khắc với nhiếp ảnh gia khi chụp. Tôi nghĩ rằng, đó là điều làm nên thành công của bức ảnh”, anh cho hay.
2. Với nhiếp ảnh gia Phạm Phùng (Đà Nẵng) thì mỗi lần lên Sơn Trà hay đỉnh Bà Nà - Núi Chúa, anh cảm nhận bản thân được tách khỏi cuộc sống thường ngày. Bởi cảnh vật yên bình, không khí trong lành và những loài hoa cuốn hút. Hơn nữa, chụp ảnh về hoa còn giúp anh thư giãn, để ngẫm, để nghĩ, để sống chậm lại đôi phần. Anh cho biết, trong các loài hoa, anh thích nhất chụp ảnh hoa đào chuông trên đỉnh Bà Nà - Núi Chúa vào dịp cuối Đông, đầu Xuân, khoảng tháng Một, tháng Hai.
Để chụp ảnh hoa, anh chuẩn bị cả tuần nhưng cũng có lần buổi sáng thức dậy thấy trời đẹp, linh cảm hôm đó hoa sẽ rực rỡ thì máy và người lại tiếp tục hành trình. Anh còn nhớ như in, có lần phải dọc ngang, lên xuống đỉnh Bà Nà - Núi Chúa trên dưới chục lần chỉ để chụp tấm ảnh ưng ý. Khó khăn, vất vả không thể nói nhưng khi hoàn thành bức ảnh, anh lại vui sướng và biết ơn khi bắt trọn khoảnh khắc đó. “Tôi không quy định giờ chụp cụ thể bởi phụ thuộc vào cảm hứng và thời gian, có thể là sáng sớm hoặc chiều, tối. Đây là lúc ánh sáng dễ chịu, sương còn vương trên cánh hoa, tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền bí rất riêng. Buổi chiều, tối cũng đẹp nhưng ánh sáng thường gắt hơn và thời tiết dễ thay đổi. Ảnh về hoa thì ánh sáng tự nhiên là yếu tố quyết định rất lớn đến chất lượng ảnh, màu sắc lẫn cảm xúc muốn truyền tải”, anh bộc bạch.
Giống nhiếp ảnh gia Nguyễn Trình, nhiếp ảnh gia Phạm Phùng cho rằng, không chỉ riêng đào chuông, thàn mát hay lim xẹt, cái đẹp của hoa rừng là vẻ đẹp của sự hoang dã, không sắp đặt, không nhân tạo, rất thật và cũng rất khó đoán. So với chụp ảnh phong cảnh hay chân dung, săn ảnh hoa đòi hỏi sự kiên nhẫn, quan sát và may mắn. Bởi mỗi bức ảnh sẽ có sự độc đáo riêng.
3. Từ lâu, những loài hoa thàn mát, lim xẹt hay đào chuông không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiếp ảnh gia mà còn làm say đắm lòng người của biết bao du khách gần xa. Anh Trần Ngọc Hiếu (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, anh là người mê hoa, yêu hoa. Vì vậy, anh luôn dành thời gian những kỳ nghỉ trong năm để đi du lịch, nhất là lang thang đến vùng đất có núi, có đồi như Cao Bằng, Điện Biên, Đà Lạt và Đà Nẵng để hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên với hoa gạo, hoa ban, hoa dã quỳ hay lim xẹt, thàn mát, đào chuông… Anh bày tỏ, công việc có phần bận rộn nhưng vẫn sắp xếp đến Đà Nẵng vào khoảng thời gian hoa lim xẹt hay thàn mát nở trắng triền đồi. Rời Đà Nẵng hơn hai tuần qua, nhưng trong anh khoảnh khắc lang thang lên rừng Sơn Trà những buổi sáng sớm hay chiều muộn ngắm những loài hoa vẫn hiện rõ mồn một như mới hôm qua. Mỗi năm đến Đà Nẵng, anh cảm nhận, mùa hoa qua từng năm như có phần lột xác, vẻ đẹp tăng thêm bội phần. Với riêng anh, năm nay, lim xẹt đẹp hơn, lộng lẫy hơn hồi năm ngoái.
“Tôi cũng yêu thích hoa đào chuông. Tuy nhiên, thời gian không thuận tiện đến Đà Nẵng vào dịp cuối Đông, đầu Xuân nhưng với lim xẹt, thàn mát thì tôi có nhiều cơ hội để chiêm ngưỡng. Tôi không đi một mình mà đi cùng nhóm bạn chung niềm yêu thích. Mỗi năm, được đi, được thả hồn vào thiên nhiên yên bình khiến tôi và nhóm bạn thêm gắn kết, làm mới bản thân, cân bằng cảm xúc. Tôi nghĩ rằng, thanh xuân sẽ không vô nghĩa khi lưu giữ ký ức đẹp với những chuyến đi ngắm hoa, ngắm rừng”, anh Hiếu vui vẻ nói.
Chung sở thích với anh Hiếu, chị Lê Nguyễn Hoàng Anh (30 tuổi, Đà Nẵng) cũng có niềm đam mê bất tận với các chuyến đi một mình trên những cánh rừng và lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ bằng những tấm ảnh về hoa bằng máy ảnh phim. Điều này giúp chị trải nghiệm nhiều cảm xúc, đi chậm hơn và tận hưởng những mảng màu khác biệt của cuộc sống.
TƯỜNG VY
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202505/du-lich-qua-nhung-sac-hoa-ve-voi-hoa-voi-rung-4006278/
Bình luận (0)