Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao siêu dông giữa biển được ví như 'cơn thịnh nộ của thiên nhiên'

Hệ thống siêu dông quét qua vùng biển là hiện tượng hiếm gặp, rất nguy hiểm và không thể dự báo sớm.

ZNewsZNews20/07/2025

Chiều 19/7, siêu dông quét qua vùng biển vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) khiến tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN‑7105) bị lật úp. Tính đến 11h ngày 20/7, lực lượng chức năng đã tìm thấy 45 nạn nhân, trong đó 10 người sống sót và 35 người không qua khỏi.

Các cơn bão sấm sét rất phổ biến, với hàng nghìn tia sét đánh xuống bề mặt Trái Đất mỗi phút. Tuy nhiên, rất ít cơn bão có thể trở thành siêu dông. Đây là hiện tượng hiếm gặp, rất nguy hiểm và không thể dự báo sớm.

"Vua" của các cơn bão

Washington Post ví siêu dông là "vua" của các cơn bão. Chúng có thể cao tới 10 dặm (16 km) trở lên, xoáy như con quay và tạo ra thời tiết khắc nghiệt nhất trên hành tinh.

Siêu dông gây ra mưa đá, với kích thước có thể lớn bằng quả dưa, tạo ra những cơn lốc xoáy rộng hàng dặm với sức gió hơn 320 km/h và tạo ra các cơn gió giật (microburst) có sức gió tương đương một cơn bão.

Không phải tất cả cơn bão sấm sét đều được tạo ra như nhau. Một số là bão "dạng xung" — loại phổ biến vào mỗi mùa hè. Loại này thường tự ngừng mưa sau 30 phút hoặc một giờ và hiếm khi tạo ra nhiều hơn những trận mưa lớn và một vài tia sét.

Ha Long anh 1

Tàu Vịnh Xanh 58 bị lật trên vịnh Hạ Long lúc 13h30 ngày 19/7. Ảnh: VOV.

Sau đó là các cụm bão hoặc đường dông. Chúng hình thành khi nhiều "tế bào" bão sấm sét hợp nhất. Các đường dông thường tạo ra gió thẳng mạnh gây thiệt hại.

Trong khi đó, siêu dông có cấu trúc hoàn toàn khác. Chúng là những tế bào bão riêng biệt, đơn độc. Bí mật sức mạnh và "tuổi thọ" của siêu dông nằm ở sự cô lập.

Do tách biệt khỏi các cơn bão khác, siêu dông không phải cạnh tranh với những cơn bão lân cận để lấy không khí ấm, ẩm và nhiên liệu. Hiện tượng này có thể khai thác toàn bộ sự biến động của môi trường, trở thành những cơn bão tự duy trì mạnh mẽ có thể kéo dài hàng giờ, di chuyển hàng trăm dặm và gây ra sự tàn phá khủng khiếp.

Một số hiện tượng thời tiết điên rồ nhất trên Trái Đất đều do siêu dông. Trong dòng khí đi xuống của một cơn bão, mưa đá có thể đạt kích thước bằng một chiếc đĩa DVD hoặc thậm chí bằng quả bóng chuyền.

Sau đó, các cơn gió giật, hoặc các túi khí đi xuống hẹp nhưng dữ dội, có thể tạo ra gió giật hơn 160 km/h. Tốc độ mưa có thể vượt quá 10 cm/h, dẫn đến lũ quét. Ngoài ra, các tia sét đánh thẳng có thể vươn xa phía trước cơn bão, gây ra hỏa hoạn.

Siêu dông hình thành như thế nào?

Trung tâm khí tượng cho biết, nguyên nhân của hiện tượng mưa dông mạnh chiều ngày 19/7 ở Bắc Bộ và vịnh Bắc Bộ là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ tăng cao trong 3 ngày qua.

Điều này khiến dòng thăng (dòng không khí chuyển động theo phương thẳng đứng đi lên) phát triển mạnh trong điều kiện bất ổn định của khí quyển, gây mưa dông mạnh. Đây là một hệ thống siêu dông vùng nhiệt đới (Mesoscale Convective Systems – MCSs trong vùng nhiệt đới), là những tổ hợp mây dông quy mô trung bình, thường gây mưa rất to kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

"Hệ thống siêu dông có đường kính từ vài km đến vài trăm km. Gồm nhiều cụm mây dông phát triển kết hợp lại thành một hệ thống lớn. Có thể tồn tại trong nhiều giờ, thậm chí 12–24 giờ, mạnh hơn và lâu hơn dông đơn lẻ", trung tâm khí tượng thông tin.

Ha Long anh 2

Cấu trúc của một cơn siêu dông. Ảnh: WOI.

Siêu dông tồn tại trong môi trường có sự cắt gió mạnh. Đây là sự thay đổi tốc độ hoặc hướng gió theo độ cao. Khi một đám mây sấm sét phát triển cao, nó cảm nhận được những thay đổi của gió đó. Điều đó khiến nó xoay tròn. Nói cách khác, siêu dông là những cơn bão sấm sét có độ xoáy.

Càng có nhiều sự bất ổn, hay còn gọi là "nhiên liệu" bão (bắt nguồn từ không khí ấm, ẩm), đám mây bão càng có thể phát triển cao hơn.

Cuối cùng, đám mây sẽ đạt đến độ cao của dòng tia — một "đường cao tốc" của những cơn gió dữ dội ở tầng khí quyển phía trên và làm nghiêng cơn bão, tạo ra chìa khóa cho sự tổ chức của nhiều cơn bão.

Các siêu dông sau đó sẽ đạt đến trạng thái cân bằng, hay còn được gọi là "trạng thái ổn định", giúp nó tồn tại mà không bị xáo trộn trong nhiều giờ và bao phủ hàng trăm dặm. Chúng thường chỉ yếu đi khi môi trường tổng thể thay đổi hoặc khi di chuyển vào một môi trường ít thuận lợi hơn.

Nguồn: https://znews.vn/vi-sao-sieu-dong-giua-bien-duoc-vi-nhu-con-thinh-no-cua-thien-nhien-post1570188.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm