Ngân sách đã phải "nặng gánh" với khoản chi phí bồi thường tăng "chóng mặt" này nên lẽ ra thông tin trên sẽ khiến các hộ dân vui mừng. Nhưng ngược lại, hàng trăm hộ dân đã từ chối ngay trong lần đầu được biết mức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) do địa phương đưa ra…
Sẵn tiền nhưng không thể giải tỏa nhanh
Kết quả khảo sát trước đây của nhóm KTS Phạm Văn Phước và Võ Tấn Lập thuộc Viện Quy hoạch xây dựng về nhà ở trên và ven kênh, rạch tại địa bàn quận 8, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra con số 9.500 căn, tập trung chủ yếu ven các tuyến kênh Tàu Hũ - Lò Gốm, kênh Đôi… trong đó có đến 1.100 căn nằm hoàn toàn trên mặt nước kênh, rạch. Hầu hết nhà trên và ven kênh, rạch được xây dựng không hợp pháp, chủ yếu là nhà lụp xụp, kết cấu tạm bợ, chắp vá. Trong khi đó đa số người dân sinh sống tại các căn nhà trên và ven kênh, rạch là lao động nghèo, thu nhập thấp. Đây tiếp tục là thách thức đối với kế hoạch di dời, giải tỏa nhà trên và ven kênh, rạch của TP Hồ Chí Minh trong những năm tới, bởi phần lớn sẽ chỉ nhận được mức bồi thường, hỗ trợ về đất và vật kiến trúc khá khiêm tốn, khó có thể đủ để tạo dựng nơi ở mới.
Thông tin về tình hình thực hiện dự án trọng điểm của thành phố, ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Hạ tầng đô thị (Ban Hạ tầng) cho biết, năm ngoái dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng bờ Bắc kênh Đôi được giao vốn đầu tư công lên đến 5.465 tỷ đồng. Năm nay dự án tiếp tục được UBND TP Hồ Chí Minh giao giải ngân thêm 400 tỷ đồng. Đến ngày 31/1 vừa qua, Ban Hạ tầng đã giải ngân hết số vốn đầu tư công của năm ngoái, chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 để chi trả người dân. Nhưng phải đến tháng 8 năm nay, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 mới có thể bàn giao mặt bằng cho dự án.

Kết quả điều tra xã hội học về những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 thực hiện gần đây cũng cho thấy, có 1.617 hộ dân của 6 phường sẽ phải giải tỏa, trong đó có đến 1.020 hộ sẽ phải giải tỏa toàn bộ. Ngày 30/11/2024, UBND quận 8 đã phê duyệt phương án bồi thường và duyệt dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho người dân bị ảnh hưởng. Nhưng khi tiền bồi thường đã được chuyển về cho địa phương, phương án bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng cũng đã có thì người dân vẫn chưa nhận được tiền để bàn giao mặt bằng, di dời khỏi khu vực thi công dự án trên.
Về vụ việc sập nhà ven kênh Đôi xảy ra vào ngày 23/3 vừa qua tại phường 14, quận 8, bà Nguyễn Thị Thiên Nga, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận quận 8 cho biết, căn nhà nằm đối diện số 55 - 56 đường Hoài Thanh và căn nhà bên cạnh bị sập phần gác gỗ phía sau xuống kênh Đôi với diện tích khoảng 13m2. Đây là khu vực đang triển khai Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi. Cả 2 hộ dân bị sập nhà đều thuộc diện cận nghèo, một hộ có 8 người và hộ còn lại có 2 người nhưng may mắn thời điểm xảy ra vụ việc, những người có mặt trong nhà đã kịp thoát ra. Đáng chú ý, hai hộ dân này đã hiệp thương, đồng ý nhận tiền đền bù, giải tỏa từ dự án nhưng đang trong thời gian chờ. Để hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, UBND quận 8 đã bố trí chỗ ở tạm cho 1 hộ dân, hộ còn lại đề nghị tự tìm chỗ ở trong lúc chờ nhận tiền đền bù. Tiền đã có sẵn, nhưng để xảy ra vụ việc "hà bá" đe dọa "nuốt" tài sản, tính mạng của người dân sống trên và ven kênh, rạch như vậy không thể không nhắc đến trách nhiệm của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8.
Sau hơn 20 năm khởi động, đến nay Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm chưa thể khởi công đồng loạt. Sau lần tăng tổng vốn đầu tư lên rất cao, từ mức 9.664 tỷ đồng lên 17.229 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh đã ấn định thời điểm khởi công dự án là vào tháng 4 vừa qua. Vậy nhưng dự án hiện vẫn ngổn ngang trong khâu đền bù, giải tỏa trong khi tổng số tiền phải giải ngân cho công tác này rất lớn, lên tới 13.937 tỷ đồng.
Theo ông Đậu An Phúc, toàn bộ số vốn đầu tư công Ban Hạ tầng được giao giải ngân trong năm ngoái để chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân, đến cuối năm vừa qua Ban Hạ tầng đã chuyển cho Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh và Gò Vấp.
Tại quận Bình Thạnh, với 2.077 hộ dân và cơ quan, tổ chức trong diện phải giải tỏa, trong đó có 1.230 trường hợp phải giải tỏa "trắng" để phục vụ dự án, nhưng gần đến thời điểm phải bàn giao mặt bằng, quận Bình Thạnh mới ban hành được 1.993 thông báo thu hồi đất và dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với 1.334 hồ sơ. Trong số này, địa phương cũng mới chỉ tiếp xúc được 784 đại diện hộ dân để lấy ý kiến cho phương án bồi thường. Kết quả cũng chỉ có 234 trường hợp đồng ý, 214 trường hợp hẹn sẽ trả lời sau và 294 trường hợp thẳng thừng trả lời không đồng ý với phương án đền bù, hỗ trợ, TĐC do địa phương đưa ra. Trong khi đó mốc thời gian ấn định việc bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án là phải hoàn tất vào tháng 4 vừa qua. Cấp quận với cả một ban chuyên trách về bồi thường, giải tỏa và có sự hỗ trợ của các phòng chức năng như Phòng TNMT, Phòng Quản lý đô thị và chính quyền các phường… nhưng việc bồi thường, thu hồi đất cho dự án trọng điểm còn ì ạch; các phường mới sẽ thực hiện công tác này như thế nào trong thời gian tới là một vấn đề hết sức quan tâm.
Hơn 20 năm vẫn không thể chuẩn bị trước quỹ nhà tái định cư?
Có mặt tại khu vực rạch Xuyên Tâm trong những ngày cuối tháng 6 này, chúng tôi ghi nhận thực trạng hầu hết các hộ dân trên địa bàn quận Bình Thạnh đều chưa bàn giao mặt bằng. Nhà cửa, vật kiến trúc nằm trong hành lang cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn ngổn ngang. Người dân sinh sống trong những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, sâu hun hút chỉ vừa 2 xe máy tránh nhau nối ra hướng đường Bùi Hữu Nghĩa và đường Điện Biên Phủ của quận Bình Thạnh vẫn hàng ngày chịu cảnh sống chung với mùi hôi nồng nặc bốc lên từ con rạch những khi nước cạn và sống chung với rác dưới lòng rạch Xuyên Tâm.
Chỉ tay vào căn nhà lụp xụp có đến một nửa phía sau nằm trên mặt nước rạch Xuyên Tâm, ông Chín - một người dân ở đây tâm tư bằng một loạt câu hỏi: Nhà, đất không có giấy tờ, mức đền bù thấp sao đủ để trả tiền mua chung cư? Những người dân lớn tuổi như ông đã quen với việc buôn bán lặt vặt để kiếm sống hoặc lấy lao động tự do để kiếm cơm, nay lên chung cư lấy gì làm sinh kế trong khi chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm không phù hợp với nhóm người lớn tuổi?
Nói về vấn đề sinh kế cho những người thuộc diện phải di dời, ông Trần Đăng Khoa, Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh nêu ra một số giải pháp: Số hộ nghèo, cận nghèo nằm trong phạm vi giải tỏa của dự án sẽ được giới thiệu vay vốn từ quỹ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi và quỹ xóa đói giảm nghèo; giới thiệu việc làm, học nghề cho người có nhu cầu thực tế còn cư trú tại địa phương. Ngoài ra, địa phương sẽ huy động xã hội hóa để hỗ trợ về phương tiện sinh kế cho người khó khăn.
Trả lời chúng tôi về vấn đề TĐC cho người dân thuộc diện phải di dời, ông Trần Đăng Khoa từng khẳng định, địa phương đã chuẩn bị quỹ nhà tại lô A của Dự án NOXH ở phường 12 và lô D của chung cư TĐC ở phường 22. Trong khi để đảm bảo chỗ ở cho số hộ dân bị giải tỏa toàn bộ nhà, đất phục vụ dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, phương án TĐC tại chỗ cho người dân là Dự án NOXH với 864 căn hộ tại số 4 Phan Chu Trinh, phường 12, quận Bình Thạnh. Nhưng hiện dự án NOXH này vẫn còn trên giấy dù theo Giám đốc Ban Hạ tầng Đậu An Phúc, tháng 12/2023, HĐND TP Hồ Chí Minh đã quyết định chủ trương đầu tư khu NOXH này. Tiến độ triển khai dự án khu căn hộ TĐC còn phải mất vài ba năm nữa mới xong, nên chắc chắn khoản tiền chi phí hỗ trợ thuê nhà cho những hộ dân thuộc diện TĐC nhưng phải bàn giao mặt bằng khi chưa được nhận nhà sẽ không hề nhỏ. Điều này còn đi ngược lại với chủ trương có sẵn quỹ nhà TĐC mới triển khai giải tỏa, di dời người dân và khoản chi phí này cũng là một dạng lãng phí không nhỏ trong đầu tư công.
Những bất hợp lý như vậy càng phải được nhắc đến bởi chủ trương cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được thành phố khởi động từ hơn hai chục năm trước, đồng nghĩa với việc đã có quá nhiều thời gian để chuẩn bị sẵn quỹ nhà TĐC phục vụ dự án.
Một khó khăn nữa đối với Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm là tổng mức vốn đầu tư. Ngày 6/1 vừa qua, UBND thành phố đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia. Cụ thể, dự án được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2023 với tổng vốn đầu tư hơn 9.664 tỷ đồng, trong đó phần chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 6.400 tỷ đồng. Với phương án này, dự án cần thu hồi hơn 158.849m² đất, ảnh hưởng đến 1.880 trường hợp.
Tuy nhiên, tháng 9/2024, dự án đã được HĐND thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 17.229 tỷ đồng và diện tích đất thu hồi tăng lên 197.349m², ảnh hưởng đến 2.215 trường hợp. Theo lý giải của UBND thành phố, vốn đầu tư tăng cao chủ yếu để chi phí giải phóng mặt bằng với mức tăng từ 6.400 tỷ đồng lên 13.937 tỷ đồng. Mức tăng này là do việc áp dụng các chính sách và quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 và Luật Nhà ở năm 2023 đã dẫn đến tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư.
Để giải quyết vướng mắc này, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện dự án do phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia theo quy định.
Theo TS KTS Lê Văn Năm - nguyên Kiến trúc sư Trưởng, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh: Để đảm bảo yêu cầu cho việc đền bù, giải tỏa phục vụ các dự án cải tạo kênh, rạch, trước hết cần phải có kế hoạch chi tiết cho việc tạo ra quỹ nhà TĐC bằng nhiều giải pháp. Đồng thời gấp rút đề xuất các cơ chế đặc biệt cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ việc tập hợp ý kiến của người dân tại chỗ cùng với các cấp chính quyền, các đoàn thể của địa phương
Nguồn: https://cand.com.vn/Xa-hoi/vi-sao-tien-chi-boi-thuong-tang-gap-doi-nhieu-nguoi-dan-van-tu-choi-bai-2--i774666/
Bình luận (0)