Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao trời nắng nóng dễ gây đột quỵ?

Nắng nóng có thể khiến một số bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn, trong đó có đột quỵ.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương15/05/2025


(Ảnh minh họa., Nguồn: Getty images)

Trong những ngày hè oi ả, mối lo ngại về đột quỵ do nắng nóng trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Ai cũng có thể gặp phải nguy cơ đột quỵ, nhưng liệu nhiệt độ cao có làm tăng nguy cơ này không?

Sự thật là nắng nóng có thể khiến một số bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn, trong đó có đột quỵ. Các cơ sở y tế thường xuyên xảy ra tình trạng gia tăng số lượng bệnh nhân cần cấp cứu do sốc nhiệt và đột quỵ trong mùa hè nhiều hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Nhưng điều gì gây ra tình trạng đột quỵ khi nhiệt độ tăng cao? Những dấu hiệu nào cho thấy một người có thể đang bị đột quỵ? Và nếu không may gặp phải, cách xử trí ra sao?

Vì sao trời nắng nóng dễ gây đột quỵ?

Nghiên cứu đã xác nhận mối liên hệ đáng kể giữa nguy cơ đột quỵ và yếu tố nhiệt độ môi trường. Đặc biệt, sự gia tăng nhiệt độ môi trường là một trong những tác nhân chính làm tăng khả năng xảy ra đột quỵ.

Cụ thể, nguy cơ này có thể tăng khoảng 10% đối với một số cá nhân khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C.

Khi nhiệt độ cao, cơ thể phải điều chỉnh tăng thân nhiệt, dẫn đến tiết nhiều mồ hôi và mất nước. Trong trường hợp không bù nước đầy đủ, tình trạng mất nước sẽ làm mạch máu cô đặc hơn và giảm khả năng tuần hoàn máu, dẫn tới tăng huyết áp cùng nguy cơ hình thành cục máu đông trong động mạch, từ đó gia tăng khả năng đột quỵ.

Nhiệt độ thân thể tăng quá mức do nắng nóng còn có thể ảnh hưởng đến chức năng điều tiết của hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn trong hệ thống tuần hoàn và hô hấp, dẫn tới thiếu ôxy cho não.

Hơn nữa, thời tiết nóng kéo dài có khả năng làm suy yếu hoạt động của hệ tim mạch, khiến hiệu suất bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não, giảm sút.

Cũng cần lưu ý việc thay đổi đột ngột từ môi trường nắng nóng vào không gian lạnh có thể gây co thắt mạch máu, làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ đột quỵ.

dot-quy-do-nang-nong.jpg

Dấu hiệu đột quỵ do trời nắng nóng

Đột quỵ do nắng nóng là tình trạng nguy hiểm có thể thúc đẩy nhiều yếu tố rủi ro. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, tình trạng này không chỉ đe dọa đến tính mạng mà còn để lại những di chứng nặng nề như khó khăn trong việc giao tiếp, suy yếu hoặc tàn phế suốt đời.

Chính vì vậy, việc nhận thức sớm về các dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng, cũng như các nguyên nhân khác, là vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ sự sống của người bệnh.

Vậy làm thế nào để bạn nhận biết một người có thể đang gặp phải đột quỵ do nắng nóng? Các triệu chứng gồm đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, người nóng ran nhưng lại không ra mồ hôi, cảm giác yếu tê, liệt một bên hoặc toàn thân, khuôn mặt méo mó, động kinh, tim đập nhanh, thở ngắn, rối loạn tâm thần và mất phương hướng. Ngoài ra, ngất xỉu và sau đó có thể dẫn đến mạch đập suy yếu hoặc hôn mê.

Sự chậm trễ trong việc hỗ trợ y tế có thể khiến người bệnh đối diện với nguy cơ tử vong rất cao.

Phân biệt đột quỵ do nắng nóng và kiệt sức do nắng nóng

Kiệt sức và đột quỵ do nắng nóng thường có những biểu hiện khá tương đồng, gây khó khăn cho việc phân biệt ngay lập tức. Vì vậy, cách tốt nhất khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan đến nắng nóng cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi sự can thiệp chuyên môn, bạn có thể tạm thời phân biệt hai tình trạng này bằng cách chú ý đến mồ hôi.

Đột quỵ do nắng nóng làm tổn thương hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể, khiến da trở nên khô và nóng do quá trình bài tiết mồ hôi bị đình trệ.

Trái lại, kiệt sức do nắng nóng lại khiến cơ thể tiết ra lượng lớn mồ hôi, làm da trở nên ẩm ướt.

dot-quy-do-nang-nong2.jpg

Cách xử trí khi bị đột quỵ do nắng nóng

Khi ai đó gặp phải đột quỵ do nắng nóng, việc cấp cứu kịp thời là hết sức quan trọng để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, như hôn mê sâu, suy đa tạng, tổn thương não, và trong những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Dưới đây là các bước để xử lý khi có người bị đột quỵ do nắng nóng:

- Gọi cấp cứu ngay lập tức: Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng để đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời từ các chuyên gia y tế.

- Đưa người bệnh vào nơi thoáng mát: Ngay lập tức chuyển người bệnh ra khỏi khu vực nóng bỏng và đưa đến nơi có không khí mát mẻ, thoáng mát để giảm nhiệt nhanh chóng.

- Hạ nhiệt cơ thể: Có thể dùng cách làm ướt da bằng nước lạnh hoặc áp dụng khăn ướt lên cơ thể. Nếu có máy quạt, hãy sử dụng để giúp làm mát nhanh chóng hơn.

- Cởi bỏ bớt quần áo: Nên nhẹ nhàng tháo bớt quần áo để giúp cơ thể thoát nhiệt dễ dàng hơn.

-Bảo đảm thông thoáng đường thở: Đặt bệnh nhân nằm đầu cao và đảm bảo đường hô hấp không bị cản trở.

- Theo dõi các dấu hiệu sức khỏe nghiêm trọng: Trong lúc chờ đợi sự trợ giúp từ y tế, cần theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và sẵn sàng thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) nếu cần thiết.

- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

- Lưu ý, trong quá trình sơ cấp cứu không tự ý cho người bệnh ăn uống hay dùng bất cứ thuốc gì. Bởi vì có thể khiến người bệnh bị sặc vào phổi đe dọa đến tính mạng.

- Trong trường hợp người bị sốc nhiệt hay đột quỵ do nắng nóng đã ngừng tim (không thấy mạch đập) thì cần nhanh chóng hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim lồng ngực.

Hướng dẫn hà hơi thổi ngạt đúng cách

- Đặt người bệnh nằm ưỡn cổ và nghiêng sang 1 bên.

- Dùng khăn vải hoặc băng gạc để lấy sạch nước dãi, đờm và đặt khăn mùi soa quanh miệng người bệnh.

- Dùng ngón tay trỏ và ngón cái bịt mũi người bệnh và thổi hơi trực tiếp vào miệng người bệnh.

Hướng dẫn ép tim ngoài lồng ngực đúng cách

- Đặt chồng hai tay lên nhau và đặt lên vị trí lồng ngực (ngay bên ngoài tim) của người bệnh, hướng tay vuông một góc 90 độ với ngực.

- Dùng lực để ép tim lồng ngực 100 lần/phút.

- Trường hợp chỉ có 1 người sơ cứu thì xen kẽ 2 - 3 lần thổi ngạt với 10 - 15 nhịp ép tim ngoài lồng ngực.

- Nếu có 2 người cấp cứu thì mỗi người đảm nhiệm 1 vai trò thổi ngạt hoặc ép tim và kiên trì thực hiện sơ cứu đến khi tim đập lại, người bệnh hồi phục hơi thở.

dot-quy-do-nang-nong3.jpg

Cách phòng tránh đột quỵ do trời nắng nóng

Để giảm tối đa nguy cơ đột quỵ trong những ngày thời tiết oi bức và nắng nóng kéo dài, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Sau đây là một số phương pháp hiệu quả để phòng tránh tác động có hại của nắng nóng, giúp giảm thiểu nguy cơ đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng:

Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ

Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát đột quỵ định kỳ là cần thiết để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Mục tiêu của việc tầm soát đột quỵ là sử dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến cùng với máy móc hiện đại nhằm phát hiện sớm những yếu tố tiềm ẩn như hẹp mạch, tắc nghẽn, phình, vỡ hoặc dị dạng mạch máu não, cũng như các bệnh lý nền liên quan khác.

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Bảo đảm cung cấp đủ nước: Cơ thể cần hấp thụ khoảng 2 lít nước mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng mất nước, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ do cục máu đông. Hãy nhớ dàn trải lượng nước uống suốt cả ngày và tránh tiêu thụ quá nhiều nước trong một khoảng thời gian ngắn.

Duy trì chế độ ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng: Tăng cường tiêu thụ rau củ quả và thực phẩm chứa chất béo tốt. Những thực phẩm như quả bơ, các loại hạt, cá béo và ôliu có khả năng giảm cholesterol, hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tăng huyết áp. Nhờ vậy, chúng góp phần làm giảm nguy cơ đột quỵ khi gặp thời tiết nắng nóng.

che-do-an-5284.jpg

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gắt

Giảm thiểu việc để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng Mặt Trời trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều có thể làm giảm nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ do nhiệt.

Khi cần thiết phải hoạt động ngoài trời trong thời gian này, việc mặc quần áo chống nắng và đội mũ rộng vành là điều cần thiết. Đặc biệt, những người có sức khỏe yếu, từng trải qua đột quỵ hoặc có các bệnh lý tiềm ẩn liên quan đến đột quỵ như bệnh tim, tiểu đường, và tăng huyết áp nên ưu tiên làm việc và sinh hoạt trong môi trường râm mát để tránh ánh nắng gây tổn hại.

Ngoài ra, cần tránh việc chuyển từ môi trường nắng nóng vào không gian lạnh một cách đột ngột, vì điều này có thể dẫn đến co thắt mạch máu và tăng huyết áp, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ. Sử dụng điều hòa ở nhiệt độ an toàn trong khoảng từ 26 - 28 độ C cũng là một biện pháp bảo vệ hợp lý.

Rèn luyện thể chất

Việc rèn luyện thể dục thường xuyên là cần thiết để tăng cường sức đề kháng, qua đó giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc các bệnh lý, bao gồm cả đột quỵ do tác động của nắng nóng.

Trong điều kiện thời tiết oi bức, nên ưu tiên lựa chọn các môn tập luyện trong nhà như aerobic, chạy bộ trên máy, yoga, nhảy dây… Đồng thời, hạn chế tham gia vào các hoạt động thể thao ngoài trời như chạy bộ, đạp xe, thi đấu bóng đá hay bóng chuyền nhằm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.…


TB (tổng hợp)

Nguồn: https://baohaiduong.vn/vi-sao-troi-nang-nong-de-gay-dot-quy-411628.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm