Người được nhắc đến chính là Thiếu tướng, nhà tình báo Đặng Trần Đức (1922-2004), bí danh Ba Quốc, quê ở Thanh Trì, Hà Nội.
Tham gia cách mạng từ ngày đầu giành chính quyền ở Hà Nội năm 1945, ông Đặng Trần Đức lần lượt giữ các chức vụ: Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Thanh Trì, rồi công an huyện Thanh Trì. Năm 1950, theo yêu cầu của Đảng, ông được bố trí vào hoạt động trong hàng ngũ địch. Tại đây, ông cung cấp nhiều tin tức, tài liệu về địch có giá trị, phục vụ cho công cuộc kháng chiến.
Sách "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng" của 2 tác giả Hoàng Hải Vân - Tấn Tú nhận xét, ông Đặng Trần Đức là một trong những nhà tình báo huyền thoại của đất nước ta. Cuộc đời ông là chuỗi dài những chuyện hào hùng, gay cấn trong suốt 3 cuộc chiến tranh vì độc lập tự do của đất nước: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Thiếu tướng, nhà tình báo Đặng Trần Đức. (Ảnh tư liệu)
Sau Hiệp định Geneve 1954, theo chỉ thị của tổ chức, ông Ba Quốc luồn sâu bộ máy của địch, vào hoạt động tại Sài Gòn. Với nhãn quan chính trị nhạy bén, ông từng bước tiếp cận và ghi điểm trong mắt Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị, mà thực chất là cơ quan mật vụ chống quân ta của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Ông trở thành một trong những phụ tá trung thành của Trần Kim Tuyến. Sau khi vượt qua được những cuộc sát hạch bằng máy kiểm tra nói dối của Mỹ, ông ngày càng chiếm được niềm tin của nhiều nhân vật cộm cán tại đây. Nhờ đó, ông được tiếp cận với nhiều các tài liệu quan trọng trong cơ quan tình báo của địch.
Đặc biệt, ông khéo léo lợi dụng sơ hở và những mâu thuẫn của chính quyền địch để củng cố vị trí, tăng cường khả năng thu thập tin tức. Điển hình sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông Ba Quốc nắm được thông tin về mặt trận Khe Sanh lúc đó có thể sẽ biến thành "Điện Biên Phủ thứ 2", trong khi người Mỹ có nhiều tính toán để thoát khỏi thế sa lầy ở Việt Nam.
Một trong những cách thoát khỏi tình trạng sa lầy là Mỹ sẽ thực hiện cuộc đảo chính, thay chính quyền quân sự bằng chính quyền dân sự để thương thuyết với quân ta.
Nắm được tình hình đó, ông khéo léo đưa thông tin này đến tai Linh Quang Viên, Tổng trưởng Quốc phòng của địch. Theo "hiến kế" của ông Ba Quốc, Viên cho lập Phòng Tình hình - nơi tập trung tất cả mọi tin tức về lĩnh vực an ninh tình báo. Tại đây, ông có điều kiện liên kết với các phần tử đối lập với chính quyền Thiệu, qua đó tiếp cận, nắm được các nguồn tin tình báo quan trọng.
Hơn 20 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, ông đã thu được nhiều tài liệu, tin tức có giá trị của địch cho cách mạng, trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, ông luôn giữ vững ý chí, phẩm chất đạo đức người cách mạng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ông còn là vị chỉ huy tình báo trong chiến tranh bảo vệ biên giới sau năm 1975. Ông cũng là người phát hiện sớm nhất âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm của bè lũ Pol Pot, giúp Tổng hành dinh chúng ta sớm định ra chiến lược và triển khai kịp thời các chiến dịch bảo vệ biên giới; giải phóng Campuchia thoát nạn diệt chủng, giúp nhân dân Campuchia xây dựng chính quyền, ổn định cuộc sống.
Trong cuộc đời hoạt động tình báo đặc biệt xuất sắc và bí hiểm của ông Ba Quốc, những người thân trong gia đình đã chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh. Để bảo vệ vỏ bọc cho ông hoạt động, có người bị chế độ Việt Nam Cộng hoà bắt bớ, tra tấn, đàn áp. Vợ con ông ở lại miền Bắc cũng chịu không ít điều tiếng nhưng vẫn thầm lặng chịu đựng để ông yên tâm hoạt động.
Năm 1978, ông Đặng Trần Đức được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Ông từng được đưa lên làm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng nhưng từ chối vì lý do tuổi tác. Ông mất năm 2004 trong niềm tiếc thương của gia đình, đồng chí, đồng đội.
Thiên Bình
Nguồn: https://vtcnews.vn/vi-tinh-bao-huyen-thoai-cua-viet-nam-xoay-tuong-dich-nhu-chong-chong-ar943476.html
Bình luận (0)