Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ.
Các đại biểu tham gia hội thảo. (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Tại chương trình, các đại biểu đã thảo luận về cơ chế, kế hoạch mở rộng hợp tác nghiên cứu trong tương lai giữa Việt Nam và Bỉ; chia sẻ thông tin về các nguồn tài trợ từ phía Bỉ và đề xuất các hướng hợp tác chiến lược trong tương lai.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy đã trình bày về Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2019–2030, tầm nhìn 2045. Bà cũng đưa ra một số định hướng hợp tác với Bỉ: hợp tác trong đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ); phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khuôn khổ Đề án 89; hợp tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các chương trình quốc tế; đẩy mạnh trao đổi sinh viên và giao lưu văn hóa; thúc đẩy các chương trình ngắn hạn, mở rộng hợp tác với các tổ chức và mạng lưới giáo dục của Bỉ…
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân nhấn mạnh, sự kiện lần này đánh dấu chặng đường 30 năm hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Bỉ trong lĩnh vực khoa học và đào tạo. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, với sự ủng hộ của Chính phủ hai nước, quan hệ hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Đại học Quốc gia Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác khung với Đại học KU Leuven và Vrije Universiteit Brussel. (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Giám đốc Đại học KU Leuven Luc Sels đánh giá cao quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước. Ông nhấn mạnh ba trụ cột chính của sự hợp tác này, đó là: sự xuất sắc, tác động và sự gắn kết xã hội. Trong đó, sự xuất sắc bảo đảm nghiên cứu có tính cạnh tranh cao và đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Tác động chính là chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành lợi ích cụ thể cho cộng đồng, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách. Sự gắn kết xã hội bảo đảm tính phù hợp, khả năng tiếp cận và đóng góp của quan hệ hợp tác cho sự phát triển con người.
Các đại biểu cũng khẳng định vai trò quan trọng của các trường đại học và viện nghiên cứu trong việc thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, để hợp tác thực sự hiệu quả và bền vững, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ hai nước, các cơ quan tài trợ và các chính sách phù hợp.
Dịp này, 6 thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị thành viên và các đơn vị của Bỉ đã được ký kết.
Theo thông tin tại chương trình, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu và đào tạo đã có lịch sử lâu dài từ đầu những năm 1990. Trong suốt 30 năm qua, hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế công cộng, nước sạch và vệ sinh môi trường. Bỉ đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hàng ngàn sinh viên Việt Nam đã được nhận học bổng để theo học tại các trường đại học danh tiếng của Bỉ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Các chương trình hợp tác nghiên cứu chung giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của hai nước đã tạo ra những kết quả thiết thực, giải quyết các vấn đề cấp bách của Việt Nam như biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, phát triển đô thị bền vững, và nâng cao năng lực y tế. |
Nguồn: https://thoidai.com.vn/viet-nam-bi-thuc-day-hop-tac-khoa-hoc-nghien-cuu-va-dao-tao-212080.html
Bình luận (0)