Tại Tọa đàm “Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia” do Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức vào ngày 17/3, nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ và kinh tế đã đưa ra những đề xuất để phát triển khoa học công nghệ.
Các chuyên gia cho rằng chúng ta đã nói nhiều đến trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học… là vô cùng quan trọng, nhưng cần phải xác định rõ lĩnh vực nào là công nghệ chiến lược.
Thiếu những bài toán lớn
Tại sự kiện, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đã công bố một vài con số về ngân sách phân bổ của các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản dành hơn 60% và Trung Quốc 83% nguồn lực khoa học công nghệ cho nghiên cứu phát triển.
Giáo sư Bảo nhận xét, nền khoa học công nghệ của Việt Nam còn mang tính hàn lâm, nặng về nghiên cứu cơ bản và chưa chuyển hóa vào trong sản xuất.
Dẫn số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tính đến tháng 8/2024, Việt Nam có xấp xỉ 743 giáo sư, hơn 91.000 giảng viên đại học, hơn 23.776 tiến sỹ. Ông đặt câu hỏi: “Bao nhiêu người trong số này gắn với sản xuất và phát triển của đất nước?"

Ông Bảo cũng chỉ ra một số thách thức mà lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam đang gặp phải như thiếu gắn kết với sản xuất: "Khoa học công nghệ thiếu động lực từ nhu cầu thực tế của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Khi nhìn vào R&D, chúng ta đang tập trung nhiều vào nghiên cứu (R – research) hơn là phát triển (D – development)."
Giáo sư Hồ Tú Bảo cũng nhấn mạnh việc chúng ta đang thiếu các chương trình trọng điểm quốc gia (Top-down).
"Chúng ta thiếu những 'bài toán lớn' do nhà nước đặt ra để tập trung nguồn lực giỏi để giải quyết nhưng lại phổ biến cách làm "Bottom-up." Đó là các đề tài nghiên cứu chủ yếu xuất phát từ ý tưởng, sở trường cá nhân của nhà khoa học, mang tính xây dựng lực lượng là chính nhưng khó tạo đột phá lớn và giải quyết vấn đề trọng yếu của quốc gia."

Còn theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam cần định hướng phát triển chip chuyên dụng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Hiện tại, chúng ta có thể tập trung vào chip chuyên dụng tầm trung (ví dụ Viettel phát triển chip viễn thông kích thước 28-150nm), trong khi chip điện thoại cao cấp (3-5nm, xấp xỉ 20 tỷ transistor) đòi hỏi đầu tư cực lớn, Việt Nam chưa đủ khả năng tự chủ hoàn toàn nhưng có thể tham gia vào một số khâu nhất định," Giáo sư Tuấn chia sẻ.
Ông cũng đề xuất một số công nghệ như: Công nghệ Tự động hóa và Robot tiềm năng khả thi sớm, ứng dụng trong sản xuất thông minh, logistics, vệ sinh đô thị, phòng chống dịch. Công nghệ Vật liệu mới và Năng lượng sạch: Ứng dụng trong phát triển giao thông sạch, hạ tầng xây dựng bền vững, tiết kiệm năng lượng. Đây là lĩnh vực Việt Nam có thể tham gia. Công nghệ Lưỡng dụng: Cần thúc đẩy phát triển các công nghệ phục vụ cả kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Việt Nam có thế mạnh và năng lực trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Ví dụ: Phát triển công nghệ không gian, UAV. Công nghệ Sinh học và Y sinh: Phục vụ y tế dự phòng, sản xuất vaccine, dược phẩm, quản lý sức khỏe đô thị. Công nghệ Nông nghiệp Công nghệ cao: Phát triển giống cây trồng, vật nuôi công nghệ cao, có thể bổ trợ cho công nghệ sinh học.
“Trí tuệ Nhân tạo (AI) có khả năng thay đổi nền tảng, hướng tới người máy thông minh hơn. Dữ liệu lớn (Big Data), Internet Vạn vật (IoT). Công nghệ Chuỗi khối (Blockchain) cũng cần được quan tâm, ứng dụng trong quản lý đất đai, hành chính công, minh bạch hóa tài chính công," Giáo sư Tuấn đề xuất.
Đặc biệt, công nghệ An ninh mạng và bảo mật thông tin cần phải được quan tâm lớn để đảm bảo an toàn dữ liệu, hệ thống thông tin trong quá trình chuyển đổi số toàn diện sắp tới.
Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa nhấn mạnh, muốn triển khai công nghệ chiến lược, bắt buộc phải có các cơ chế chiến lược tương ứng. Không chỉ dựa vào ngân sách quốc gia, cần sự tham gia của địa phương, toàn xã hội và doanh nghiệp.
Trung tâm hệ sinh thái của khoa học công nghệ phải là doanh nghiệp
Tại toạ đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung Ương chia sẻ: "Chúng ta cần xác định rõ danh mục công nghệ chiến lược của Việt Nam một cách tập trung, có trọng điểm, thay vì các danh mục dàn trải như trước đây (ưu tiên, mũi nhọn...). Cần phân tích kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của từng lựa chọn công nghệ, học hỏi từ cả kinh nghiệm thành công và thất bại trên thế giới.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thành bày tỏ: "Chúng ta cần hành động khẩn trương, bởi thời gian và cơ hội không chờ đợi. Đặc biệt, cần có chính sách đồng bộ để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vì công nghệ không thể tự phát triển nếu thiếu con người vận hành và sáng tạo."
Giáo sư, Tiến sỹ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị với mục tiêu đưa khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, từng bước làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ số.
Theo ông, để Nghị quyết 57 đi sâu vào cuộc sống, Nhà nước cần có chính sách "kiến tạo" để tất cả các bên liên quan có thể sáng tạo nhất trong lĩnh vực mạnh nhất của mình: Doanh nghiệp phải giỏi nhất trong làm thương mại, nhà khoa học phải giỏi nghiên cứu…
"Trong thời gian tới chúng ta phải đẩy mạnh doanh nghiệp tư nhân; phải nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân, tạo tầm nhìn rất dài. Trung tâm hệ sinh thái của khoa học công nghệ phải là doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ đồng hành như một bộ phận nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp," ông Trình đề xuất.

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Tú - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và bán dẫn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cần nhìn nhận doanh nghiệp như trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
"Cần xác định khoảng 5 - 10 năm nữa, doanh nghiệp sẽ tập trung vào công nghệ gì? Từ đề bài này chúng ta sẽ đầu tư khoa học công nghệ tại các trường đại học, các viện nghiên cứu. Sau 5 - 10 năm, nhân lực đào tạo tại các trường đại học sẽ đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp khi triển khai công nghệ mới," ông Tú nói.
Về hợp tác quốc tế, ông Trần Xuân Tú cho rằng cần có cơ chế thông thoáng tạo liên kết tự nhiên giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước. "Mỗi lần muốn tổ chức một hội thảo quốc tế, việc xin phép rất phức tạp, mất 5 - 6 tháng," ông Tú cho rằng đây là điều cần phải thay đổi ngay./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-can-chinh-sach-dac-biet-de-phat-trien-cong-nghe-chien-luoc-post1033490.vnp
Bình luận (0)