
1. Trước hết, phải khẳng định, Đảng, Nhà nước sắp xếp 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh xuống còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết sách mang dấu ấn lịch sử. Quá trình xem xét, quyết định chủ trương quan trọng này diễn ra rất kỹ lưỡng, toàn diện, thận trọng, chắc chắn, khoa học, thấu đáo, có biện chứng lịch sử, văn hóa, kinh tế và thực tiễn Việt Nam.
Với 34 tỉnh, thành phố hiện nay, việc sắp xếp các đơn vị hành chính không chỉ điều chỉnh và tái cấu trúc không gian hành chính để thúc đẩy quản trị quốc gia, quản trị địa phương, mà còn kiến tạo không gian phát triển mới dài hạn, liền mạch cho đất nước. Bước chuyển mình chiến lược này là đòi hỏi tất yếu, khách quan trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của khu vực và tổng thể quốc gia.
Cùng với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, việc thu gọn đầu mối các tỉnh, thành phố đã mở ra không gian phát triển tốt hơn, mới hơn và lớn hơn. Đặc biệt, 34 tỉnh, thành phố hiện nay không chỉ được mở rộng phạm vi về không gian lãnh thổ mà còn về không gian thể chế, văn hóa, kinh tế…, qua đó tạo xung lực bền vững cho phát triển.
Tựu trung lại, khác với các đợt sáp nhập trước đây khi chủ yếu là mở rộng hoặc tăng thêm số tỉnh, thành phố, thì lần này là thu gọn đầu mối để mở ra dư địa phát triển mới, phù hợp với xu thế thời đại khoa học, công nghệ, chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ.
2. Có một điểm chung dễ thấy, 34 tỉnh, thành phố hiện nay đều hội tụ tiềm năng, thế mạnh từng vùng; đồng thời, đặc điểm về vị trí địa lý giữa các vùng, miền trong cùng một địa phương tạo nên sự đa dạng, phong phú và có sự hỗ trợ đắc lực giữa các lĩnh vực khác nhau để cùng tiến lên.
Điểm nổi trội là trong 34 tỉnh, thành phố thì có tới 21 tỉnh, thành phố giáp biển. Một con số so sánh để thấy: Số địa phương giáp biển đã tăng đáng kể, từ 44% (trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trước đây) lên 62%.
Vậy giáp biển có lợi thế gì? Đó là các trục phát triển được mở rộng theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây. Nói cách khác, những tỉnh, thành phố có biển hiện nay trở thành những tiểu vùng kinh tế, gắn kết với sự phát triển không gian vùng núi, vùng cao, vùng đồng bằng và vùng biển để bổ sung lợi thế cho nhau. Một không gian liền mạch giữa núi rừng, đồng bằng, ven biển sẽ giúp các địa phương khai thác triệt để các thế mạnh, nhất là lĩnh vực du lịch, xuất khẩu nông sản, hàng hóa, kinh tế biển... Có biển cũng đồng nghĩa với việc có cảng biển, mở ra cơ hội hình thành cửa ngõ giao thương quốc tế, phát triển các trung tâm công nghiệp, thương mại, logistics, cảng trung chuyển... Đây vừa là nguồn lực, vừa là động lực rất lớn cho các địa phương.
Một điểm cần nói tới nữa là, 34 tỉnh, thành phố hiện nay đều bảo đảm không gian kinh tế đủ lớn, bảo đảm sự kết nối chặt chẽ, liền mạch giữa các vùng kinh tế. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một ví dụ. Được ví như một “siêu đô thị” hình thành trên cơ sở 3 tỉnh, thành phố trước đây (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh), hiện quy mô nền kinh tế của địa phương này đứng đầu cả nước. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thành phố Hồ Chí Minh có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế để phát triển thành đô thị thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một thực thể hành chính - kinh tế có vị thế mới, trên bản đồ các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới, mang theo khát vọng lớn và cơ hội lịch sử để tối ưu hóa tiềm năng phát triển kinh tế vượt trội, sớm trở thành siêu đô thị đa trung tâm, đa ngành, đa chức năng, có sự cạnh tranh toàn cầu và hiện thực hóa tiến trình xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Một địa phương khác cũng nhận được sự quan tâm là tỉnh Ninh Bình (sáp nhập từ 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình). Quy mô tăng trưởng của địa phương này dự báo sẽ nâng lên đáng kể. Ba tỉnh trước đây đều giàu truyền thống văn hóa; nay khi kết hợp lại, tỉnh Ninh Bình sở hữu hệ sinh thái di sản quy mô lớn, mở rộng dư địa phát triển du lịch văn hóa và tâm linh. Các cụm di tích nổi tiếng không còn rời rạc mà được quy hoạch thành một tổng thể thống nhất, từ đó thu hút nhà đầu tư, gia tăng lượng du khách.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy cho rằng, với quy mô nền kinh tế tăng lên đáng kể, tỉnh Ninh Bình hiện nay trở thành một địa phương có nền công nghiệp phát triển, giàu bản sắc văn hóa, có đô thị di sản đặc sắc, bổ sung giá trị cho các trung tâm lớn. Tỉnh đặt mục tiêu đến trước năm 2035, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phân tích bối cảnh các tỉnh, thành phố sau sáp nhập hiện nay, đồng thời nhìn lại sự kiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội vào tháng 8-2008 cho thấy: Đây đều là những quyết sách lịch sử, mang tính kiến tạo phát triển. Sau gần 17 năm, Hà Nội đã chứng minh chủ trương mở rộng địa giới hành chính là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế thời đại. Vóc dáng, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và rộng lớn. Không gian rộng mở tiếp tục tạo thêm nhiều dư địa phát triển cho Thủ đô nghìn năm văn hiến. Với những thành quả đã đạt được, bài học về vận hành bộ máy chính quyền sau hợp nhất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử giữa các vùng miền... vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
3. Tương lai phát triển của 34 tỉnh, thành phố đang rất tươi sáng. Vấn đề quan trọng hiện nay là hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố, những người được trao trọng trách lịch sử - cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm để đưa địa phương mình phát triển xứng tầm.
Yêu cầu đặt ra là đảng bộ, chính quyền 34 tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, nâng cao chất lượng quản trị, tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân. Đặc biệt, quá trình vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp - một chỉnh thể hành chính mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải nắm bắt xu thế phát triển, đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì một nền hành chính phục vụ, hiện đại, minh bạch, của dân, do dân và vì dân.
Về lâu dài, việc định hình tương lai phát triển của từng địa phương là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trước hết, phải cụ thể hóa nội dung này trong văn kiện đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố. Quan điểm xây dựng hệ thống mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển địa phương trong văn kiện cần gắn chặt với chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đồng thời, nội dung văn kiện cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra. Nhiệm vụ này rất hệ trọng, cần nhìn nhận rằng, việc sáp nhập không phải là sự cộng gộp đơn thuần, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, hình thành một mẫu số chung cho tương lai mỗi địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các địa phương cần đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới. Đồng thời, cần dự báo tình hình, đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi, bứt phá, hành động cao, với tầm nhìn dài hạn, phù hợp thực tiễn địa phương.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương lần này bảo đảm tính khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng. Không gian phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa được mở rộng, liền mạch, bổ sung cho nhau sẽ trở thành nguồn lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Nguồn: https://baolaocai.vn/viet-nam-ky-nguyen-moi-khoi-tiem-nang-phat-huy-the-manh-post647857.html
Bình luận (0)