Bộ Khoa học và Công nghệ vừa chính thức vận hành Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại địa chỉ https://techmartvietnam.vn, mở ra kênh giao dịch trực tuyến quy mô quốc gia, kết nối giữa giới nghiên cứu, doanh nghiệp và thị trường.

Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ Việt Nam được phát triển như một nền tảng số chuyên biệt dành cho việc rao bán, tìm kiếm và kết nối công nghệ trong nước. Đây được xem là bước đi cụ thể trong việc hình thành thị trường công nghệ minh bạch, hiện đại, nơi các sản phẩm trí tuệ có thể được định giá, giao dịch và thương mại hóa một cách rõ ràng.
Ở giai đoạn đầu, sàn đã tích hợp thông tin từ hơn 600 công nghệ chào bán, 50 nhu cầu tìm mua công nghệ và 150 chuyên gia tư vấn, môi giới. Tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể thiết lập gian hàng số để giới thiệu công nghệ, thiết bị dưới nhiều hình thức: mô tả kỹ thuật, video minh họa, tài liệu chuyển giao… Đây cũng là kênh để tiếp cận dịch vụ hỗ trợ chuyên sâu như tư vấn tài chính, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Mô hình vận hành của sàn theo hướng hợp tác công – tư: Nhà nước đầu tư nền tảng hạ tầng số, cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua bán công nghệ; trong khi đó khối tư nhân và các tổ chức trung gian đóng vai trò vận hành, môi giới, cung cấp nội dung và dịch vụ liên quan.
Giai đoạn 2 của sàn dự kiến sẽ triển khai hàng loạt tính năng nâng cao, bao gồm công cụ tương tác trực tuyến giữa bên cung – cầu, hệ thống thống kê giao dịch theo thời gian thực, tích hợp tư vấn pháp lý và định giá công nghệ. Đồng thời, dữ liệu trên sàn sẽ được liên kết với hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cả nước, tạo thành hệ sinh thái hoàn chỉnh giữa nghiên cứu và ứng dụng.
Mô hình sàn giao dịch công nghệ đã được các quốc gia phát triển áp dụng từ thập niên 1990, trong đó có Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc. Một trong những ví dụ điển hình là Sàn giao dịch công nghệ Thượng Hải (STEX), được thành lập năm 1993. Từ một trung tâm môi giới quy mô nhỏ, STEX đã trở thành thiết chế quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố, ghi nhận hơn 4.000 giao dịch công nghệ với tổng giá trị gần 60 tỷ USD tính đến năm 2023.
Các mô hình quốc tế cho thấy sàn giao dịch công nghệ không chỉ là công cụ kết nối, mà còn tích hợp hàng loạt dịch vụ quan trọng như định giá tài sản trí tuệ, tư vấn pháp lý, đánh giá chất lượng và hỗ trợ tài chính. Việc hình thành các sàn giao dịch như vậy giúp công nghệ thực sự trở thành loại hàng hóa đặc biệt – có thể đo lường, sở hữu, chuyển nhượng và được thị trường công nhận.
Tại Việt Nam, nền tảng phát triển giao dịch công nghệ đã manh nha từ hơn một thập kỷ trước thông qua hệ thống 22 cổng thông tin công nghệ cấp tỉnh, các sự kiện kết nối quy mô quốc gia như Techmart, Techconnect and Innovation, Techfest… Những hoạt động này đóng vai trò đặt nền móng và tích lũy dữ liệu cho mô hình sàn giao dịch toàn quốc.
Sự ra đời của Sàn giao dịch KH&CN Việt Nam đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo nội địa. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang ngày càng có nhu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và thoát khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp”, nền tảng này hứa hẹn sẽ là mắt xích quan trọng giữa nghiên cứu – sản xuất – thị trường.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/viet-nam-ra-mat-san-giao-dich-cong-nghe-quoc-gia-post1551872.html
Bình luận (0)