Xanh mướt tần ô ngày xuân

Việt NamViệt Nam16/02/2025


h1z6306476665929_01702357c10402d42de5bac94b6d524a.jpg
Xanh mướt tần ô ngày xuân.

Dưới nắng xuân, những luống tần ô xanh mơn mởn đung đưa trong gió. Mùi thơm từ bát canh tần ô bay lên từ chái bếp - thứ mùi thơm nồng nàn dân dã khó ai quên được.

Ai từng trải qua thời tuổi thơ ở đồng quê có lẽ khá quen hương vị tần ô. Người làng tôi quanh năm gắn bó với ruộng đồng, vườn tược nên rau tần ô trở nên quen thuộc.

Tần ô dễ trồng, chẳng cần phải chăm bón nhiều, nhưng theo kinh nghiệm thời điểm xuống giống thường cuối tháng 12, khi trời đã ngớt những cơn mưa dài ngày. Được tưới tắm trong ánh nắng cuối đông, đầu xuân cộng việc khéo léo chăm bón, chỉ vài tuần những mầm tần ô thi nhau đâm chồi, nhú những đọt non.

Hồi nhỏ, tôi thường cắt tần ô vào sáng sớm, vì qua một đêm mưa ẩm, tần ô hấp thụ tinh khí đất trời, căng non, óng ả và mát rười rượi. Đây cũng là thời điểm tần ô ngon nhất chứ không héo như lúc chiều tà.

Các món ăn từ tần ô tuy dân dã ở quê nhưng còn là vị thuốc, chữa nhiều bệnh, có công dụng làm mát gan, nhuận tràng, chống lở miệng... Tần ô mới hái giòn tươi, mang vào rửa sạch có thể ăn sống cùng các loại rau hoặc khi nấu lẩu cá bỏ thêm một ít rau tần ô sẽ giúp người ăn giải nhiệt.

Nguyên liệu tạo nên món canh dân dã

Phổ biến nhất là nấu canh tần ô. Có nhiều nhặn chi, chỉ cần mớ đọt tần ô góc hàng rào, vài đọt khoai lang, thêm vài con tôm đất tươi roi rói là đã đủ vị cho nồi canh rau xanh um, nước trong veo, ngọt mát.

Những hôm vào vụ mùa, bận bịu, rau tần ô má hái ở ngoài vườn rửa sạch, nước đổ vào nồi, đợi sôi lên thì thả rau, thêm ít muối trắng, tiêu, bắc xuống thế là thành canh.

Đơn giản vậy mà ngon, mọi cảm giác nặng nề, mệt mỏi dường tan biến mất. Khi đời sống trong làng dần ổn định, kinh tế khá hơn, các gia đình thêm vào canh tần ô ít thịt nạc, cua, tôm… để tăng thêm chất dinh dưỡng.

Những con tôm còn sống búng tưng tưng được làm sạch, ướp gia vị. Tần ô thì chọn những cọng còn non. Đặt nồi lên bếp, phi thơm hành tỏi với dầu ăn, cho tôm vào xào chín, đổ nước đã nấu sôi rồi cho lá tần ô vào, nêm gia vị vừa ăn. Đợi đến khi canh sôi trở lại thì tắt bếp. Người nấu phải chú ý, rau còn sống hoặc quá chín đều làm mất hương vị của canh. Cũng như các loại canh rau khác, bỏ thêm một ít các loại rau thơm như hành, ngò... không quên rắc một ít tiêu thì bát canh càng thêm hấp dẫn.

Những ai lần đầu thưởng thức món canh này sẽ thấy hơi hăng hắc một chút, cái cảm giác nham nhám, vị ngọt tự nhiên (không phải do bột nêm) nồng nàn của rau vườn nhà. Nói chính xác hơn, đó là mùi vị của đất, của nắng, của gió quê hương thấm đẫm vào từng cọng rau, tạo nên một bát canh thanh đạm. Phải chăng thứ mùi vị đó đủ sức khiến con người ta luôn nhớ đến quê hương?



Nguồn: https://baoquangnam.vn/xanh-muot-tan-o-ngay-xuan-3149024.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available