Xây dựng tầm nhìn cho kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam

Bộ Giáo dục và đào tạoBộ Giáo dục và đào tạo21/02/2025

Trong khuôn khổ Tọa đàm "Dạy và học ngoại ngữ: Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường" do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Hội đồng Anh tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận “Xây dựng tầm nhìn cho kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam sau năm 2025”.


Quang cảnh tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 91-KL/TW.

Chương trình ngày đầu tiên bắt đầu với báo cáo tổng quan về thành tựu và thách thức của việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, tiếp theo là ba phiên thảo luận chuyên sâu về kết quả học tập của học sinh, chất lượng giáo viên, và việc triển khai giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh (EME). Mỗi phiên thảo luận bao gồm báo cáo thực trạng, đối thoại mở về các ưu tiên và thách thức, cùng thảo luận chuyên sâu về các khuyến nghị chính sách.

Ngày thứ hai của tọa đàm tập trung vào việc xây dựng tầm nhìn cho kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam sau năm 2025. Các phiên làm việc sẽ tổng hợp những phát hiện chính từ các cuộc thảo luận ngày đầu tiên và đi sâu vào việc hoàn thiện các khuyến nghị chính sách cho từng lĩnh vực trọng tâm.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định: Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề cấp bách đã được thảo luận nhiều trong thời gian qua. Đây không chỉ là mong mỏi của các nhà giáo, những người làm công tác quản lý, mà còn là xu thế chung của giáo dục Việt Nam, hướng đến mục tiêu chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao với những kỹ năng, trình độ ngoại ngữ, để mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng trong kỷ nguyên mới và làm tốt hơn nữa công tác giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường, đặc biệt là với giáo dục phổ thông.

“Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh là một yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập. Sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy các môn học sẽ tạo ra môi trường ngôn ngữ tự nhiên, giúp học sinh phát triển tư duy đa chiều và khả năng thích ứng với thách thức. Sự thành thạo tiếng Anh là điều kiện cần thiết để thế hệ trẻ Việt Nam tham gia vào sự phát triển khoa học công nghệ toàn cầu, từ đó hướng đến một thế hệ công dân toàn cầu nhưng luôn lưu giữ, bảo tồn bản sắc dân tộc”, GS Lê Anh Vinh chia sẻ.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia trao đổi tại tọa đàm

TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia chia sẻ: Chúng ta có mặt ở đây vì có cùng chung một mong muốn, một tầm nhìn về một Việt Nam nơi mọi học sinh đều có cơ hội học tập và sử dụng tiếng Anh không chỉ trong giao tiếp hằng ngày mà còn trong việc tiếp thu tri thức ở các môn học khác.

Ông James Shipton, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết: Hội đồng Anh và các tổ chức Anh quốc đã có mối quan hệ lịch sử, văn hóa lâu dài với Việt Nam trong 90 năm qua, với nhiều hoạt động về giáo dục. Hội đồng Anh đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GDĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và các cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam với nhiều hoạt động mang lại tương lai hội nhập cho giáo dục Việt Nam, góp phần tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Ông James Shipton, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

“Chúng tôi cam kết đồng hành trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, thông qua việc sử dụng chuyên môn và những nguồn tài liệu phong phú mà chúng tôi có trong các lĩnh vực về giảng dạy, đào tạo giáo viên, và đánh giá tiếng Anh”, ông Ông James Shipton chia sẻ.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi sâu sắc và toàn diện về ba vấn đề cốt lõi: kết quả học tập của học sinh, chất lượng đội ngũ giáo viên và việc triển khai giảng dạy các môn học/chuyên ngành khác bằng tiếng Anh.

Để có thể nâng cao trình độ ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy, nhiều giáo viên cho rằng, cần mở rộng các hình thức tập huấn và bồi dưỡng cho giáo viên, nhất là giáo viên vùng cao; khuyến khích giáo viên tham gia các hoạt động tập huấn; tăng cường sự trao đổi, hỗ trợ giữa các đồng nghiệp với nhau; khắc phục những rào cản có thể có giữa giáo viên ở các vùng miền…

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Tạ Ngọc Trí trao đổi tại tọa đàm

TS Đặng Tấn Tín, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng, để tiến tới đưa cả một hệ thống giảng dạy tiếng Anh được vận hành trong trường học là một nhiệm vụ rất lớn, cần phải bắt đầu từ thực tế, mang tính đồng bộ và bền vững. TS Đặng Tấn Tín nhấn mạnh đến việc đào tạo giao tiếp và kỹ năng tiếng Anh tốt cho học sinh ngay từ bậc tiểu học để có nền tảng căn bản tốt, thúc đẩy sự nâng cao năng lực của giáo viên ở những bậc học cao hơn. Đồng thời, chương trình đào tạo sư phạm ở các trường đại học cũng cần phải được đầu tư. Các trường có thể yêu cầu với chương trình sư phạm, giáo viên phải có năng lực giảng dạy chuyên ngành của mình bằng tiếng Anh, để dần coi đó là một nhiệm vụ phải thực hiện, hướng tới nâng cao chất lượng giáo viên.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Tạ Ngọc Trí cho rằng, để hiện thực hóa nhiệm vụ được Bộ Chính trị đặt ra tại Kết luận số 91-KL/TW, cần có các hành động đúng đắn và kịp thời; với những thay đổi đi trước; học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới; đưa ra tiêu chí để xác định thế nào là ngôn ngữ thứ hai trong trường học; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, hướng tới mục tiêu chung - một tương lai tốt đẹp, giúp thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao phẩm chất, năng lực, tự tin hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình.

Tọa đàm "Dạy và học ngoại ngữ: Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường" được tổ chức trong 2 ngày đã thu hút sự tham gia của 150 đại biểu trực tiếp và khoảng 200 đại biểu trực tuyến, bao gồm lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện Sở GDĐT các tỉnh thành, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, quản lý giáo dục, giảng viên và giáo viên.

 



Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10317

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm

No videos available