Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật – đơn vị ấn hành hai cuốn sách trên cho biết, Hiến pháp không chỉ là văn bản quy phạm pháp luật tối thượng, mà còn là tuyên ngôn chính trị thể hiện sâu sắc bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quyền làm chủ của nhân dân.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2025, không chỉ mang tính kỹ thuật lập pháp, mà còn là kết tinh của lý luận chính trị - pháp lý hiện đại và thực tiễn quản trị quốc gia sâu sắc.
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và thuận tiện trong nghiên cứu, áp dụng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố cuốn sách “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025)”. Về mặt học thuật, đây là nguồn tài liệu chuẩn xác và cập nhật mới nhất, thể hiện toàn bộ nội dung hiện hành của Hiến pháp, bao gồm cả phần gốc được thông qua năm 2013 và phần sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 203/2025/QH15. Với kết cấu chặt chẽ, trình bày khoa học, cuốn sách tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu một cách hệ thống về các nguyên lý lập hiến, cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước, nguyên tắc phân quyền phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Từ góc nhìn thực tiễn, Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025) là cơ sở pháp lý trực tiếp cho hoạt động xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thi hành pháp luật trong toàn bộ hệ thống chính trị. Những sửa đổi trọng yếu như: Xác lập rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công đoàn Việt Nam, mở rộng quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội, hay tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương theo hai cấp tỉnh - xã, đều đòi hỏi cán bộ pháp chế, công chức hành chính, đại biểu dân cử các cấp phải cập nhật kịp thời để áp dụng thống nhất và hiệu quả trong thực tế.
Cũng theo Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, việc kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2025 không chỉ là một điều chỉnh kỹ thuật về địa giới hành chính, mà là sự thay đổi mang tính chất cơ cấu của hệ thống chính quyền địa phương. Điều này ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực: Tổ chức bộ máy, ngân sách, phân quyền - phân cấp, quan hệ giữa trung ương và địa phương, cũng như quản lý nguồn nhân lực. Do đó, việc nắm bắt kỹ các quy định hiến định mới là yêu cầu bắt buộc với đội ngũ cán bộ từ trung ương đến cơ sở.
Cuốn sách “Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025” đóng vai trò là văn bản triển khai chi tiết các nội dung tổ chức chính quyền được quy định tại Hiến pháp sửa đổi. Đây là cặp tài liệu song hành, không thể thiếu trong công tác nghiên cứu thể chế, giảng dạy luật công, và tổ chức thực hiện các chương trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải cách thể chế mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết liệt triển khai.

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân, việc cung cấp đầy đủ, chính thống và minh bạch văn bản pháp lý nền tảng như Hiến pháp và các đạo luật tổ chức bộ máy là hết sức cần thiết. Hai cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành là công cụ trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức pháp lý, củng cố niềm tin vào thể chế và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực thi công vụ.
Việc hợp nhất chính xác, xuất bản kịp thời hai cuốn sách cung cấp tài liệu thiết yếu cho mọi cá nhân, tổ chức quan tâm đến công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nguồn: https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/xuat-ban-dong-thoi-2-cuon-sach-ve-hien-phap-va-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-moi-i773703/
Bình luận (0)