LTS: Sau 55 ngày đêm tiến quân “thần tốc” với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 của quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc vẻ vang sự nghiệp đấu tranh thống nhất non sông. 50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới - xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”. Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. VietNamNet mời độc giả “đến thăm” các lõm chính trị - căn cứ giữa lòng địch, gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử. |
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân ta. Trong chiến công chung đó, các cơ quan báo chí đã trở thành “gạch nối” quan trọng, mang tin tức chiến sự đến với quân, dân cả nước.
VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của Phòng Tuyên truyền, Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM về vai trò của các cơ quan báo chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là tham luận gửi tới hội thảo quốc gia "Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam" vừa diễn ra tại TPHCM.
Phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã khóa GP10 trên tàu vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: TTXVN
Lời hiệu triệu được đưa đến toàn dân
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), những người làm công tác tuyên truyền báo chí đã luôn bám sát các mặt trận, chiến trường, trận đánh để khắc họa cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân ta, tuyên truyền cổ vũ các phong trào như “Đồng khởi”, “Diệt ác, phá kềm, phá ấp chiến lược", “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”...
Những nhà báo, các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đã đi cùng với lực lượng chiến đấu, thông tin, phản ánh sinh động, chân thực các trận đánh đến toàn dân.
Hoạt động báo chí phát triển lớn mạnh và rộng khắp, ra đời những tờ báo lớn khu vực miền Nam, tích cực tham gia tuyên truyền về đời sống xã hội, về chiến thắng của quân và dân ta, góp phần nhân rộng các phong trào tăng thêm sức mạnh dân tộc với các tiêu đề vừa mang tính thời sự vừa cổ vũ tuyên truyền cả hậu phương và tiền tuyến như: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”...; là ý chí “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” và “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”... Những lời hiệu triệu đó đã được đưa đến toàn dân, được tuyên truyền rộng rãi trên các mặt báo và trên đài phát thanh.
Ở đô thị, dưới sự kiểm soát khắc nghiệt của chính quyền Sài Gòn, những tờ báo thể hiện xu hướng đối lập, chống can thiệp của Mỹ, chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và phản ánh các vấn đề dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình và thống nhất đất nước vẫn hoạt động tích cực. Thậm chí, trên mặt báo chí công khai còn xuất hiện các bài viết có nội dung đề cao chủ nghĩa cộng sản như trường hợp báo Đối diện (có lúc đổi tên thành Đứng dậy) hay tạp chí Trình bày...
Trong vùng giải phóng, dù điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn, một số tờ báo và tạp chí đã xuất hiện và hoạt động có hiệu quả. Để hỗ trợ phong trào đấu tranh của nhân dân tại các đô thị miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng đã cử một số nhà báo, nhà văn từ vùng căn cứ hoặc từ miền Bắc vào các thành phố, phối hợp với các đồng nghiệp tại chỗ, tạo nên cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí và dư luận ở Sài Gòn. Giai đoạn này, Trung ương Cục xuất bản tạp chí Tiền phong để giáo dục cán bộ, đảng viên; Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam xuất bản báo Giải phóng làm cơ quan tuyên truyền, cổ động; Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam xuất bản báo Văn nghệ Giải phóng...
Tại chiến khu Đ và các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ, nhiều cơ quan báo chí cũng được thành lập: báo Giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, tạp chí Văn nghệ quân Giải phóng...
Tại vùng căn cứ R (căn cứ Trung ương Cục miền Nam) có các báo: báo Nhân dân miền Nam, tập san Tuyên huấn, Phụ nữ Giải phóng, tập san Lửa thiêng, tập san Mở đường...
Ở các khu ủy, tỉnh ủy đều ra các tờ báo, bản tin phục vụ kịp thời quân dân địa phương như: Chiến thắng, Cứu nước, Cứu đạo ở Bến Tre, Ấp Bắc ở Mỹ Tho, Quyết thắng, Quyết tiến ở Long An, Tháp Mười anh dũng ở Kiến Tường, tờ Bảy núi ở An Giang... Dựa vào nội dung các bản tin chính thức của Thông tấn xã Giải phóng, bộ phận phụ trách soạn đúng và cho in, phát hành bản tin tiếng Anh và bản tin tiếng Pháp..., đóng góp to lớn trong công tác tuyên truyền đối ngoại mà Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo...
Trong những ngày tháng diễn ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tại các tòa soạn ở Hà Nội đã thành lập các kíp trực cả ngày lẫn đêm, dõi theo toàn bộ diễn biến của chiến dịch và tỏa đi mọi ngóc ngách để phản ánh không khí đất nước những ngày đầu giải phóng. Vượt qua mọi thiếu thốn về phương tiện tác nghiệp, họ đã biến niềm vui chiến thắng thành động lực cống hiến cho những ấn phẩm gói ghém trong đó là nhiều câu chuyện của những người làm báo cách mạng.
Trước và trong những ngày diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh, để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng lớn của quân - dân cả nước, các tòa soạn ở Hà Nội đã chia lực lượng thành nhiều mũi tiến thẳng vào miền Nam. Tình hình chiến sự thay đổi dồn dập, buộc các phóng viên phải tự xoay xở để chuyển tin tức về tòa soạn một cách nhanh nhất. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã có hơn 400 nhà báo, nhà văn anh dũng, hy sinh nằm lại trên các chiến trường.
Điệp báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. Ảnh: TTXVN
Những nhà báo - chiến sĩ của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã theo sát từng mũi tiến quân, có mặt trong 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Các phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại những hình ảnh lịch sử, chân thực, sống động, thời sự, mang nhiều giá trị lịch sử quý báu.
Những bài báo "nóng hổi" sau ngày lịch sử 30/4/1975
Vào tháng 4/1975, có rất nhiều tờ báo trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn về phương tiện và kỹ thuật nhưng đã liên tục cập nhật và có những thông tin nóng, mới về Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng sự kiện ngày 30/4/1975 lịch sử như báo Nhân dân, Đài truyền hình Sài Gòn (Đài truyền hình TPHCM).
Nhân dân thành phố hết sức phấn khởi và ngạc nhiên vì nghĩ rằng đài truyền hình thành phố sẽ phải ngừng hoạt động bởi Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam làm thế nào điều hành được đài truyền hình sau khi tiếp quản.
Cùng với đó, trên báo Nhân Dân số ra ngày 1/5/1975 đã viết “Hoan hô Sài Gòn giải phóng” và một dòng thông tin ngắn nhưng vô cùng quan trọng: “Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”.
Trên trang bìa, báo đăng tấm ảnh Bác Hồ tươi cười vẫy tay như đang chào miền Nam đã được giải phóng. Bài xã luận của báo nhan đề “Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta” nhấn mạnh: “Cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân ta để giải phóng hoàn toàn đất nước đã giành được thắng lợi cực kỳ vĩ đại. Cuộc chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Từ nay nước Việt Nam ta độc lập, tự do. Nhân dân ta hoàn toàn làm chủ đất nước và cuộc sống của mình. Lịch sử dân tộc ta và cách mạng Việt Nam đang viết sang chương mới”.
Báo Nhân Dân số ra ngày 1/5/1975. Ảnh tư liệu
Cùng với tin về chiến thắng của ngày 30/4/1975, báo Nhân Dân còn đăng nhiều bài viết vừa phản ánh diễn biến chiến dịch, vừa phản ánh không khí hào hứng, phấn khởi của cả nước trước niềm vui thắng lợi, cũng như các hoạt động chúc mừng của bạn bè thế giới, bước đầu tổng kết, đánh giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: “Mệnh lệnh của bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam”, “Diễn biến của Chiến dịch Hồ Chí Minh”, “Tổ quốc tình thương”, “Sài Gòn ta đó”, “Hà Nội chung niềm vui lớn với Sài Gòn”, “Thế giới hoan hô thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta”, “Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô đến mừng đoàn đại biểu đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam”...
Đặc biệt, số báo này còn có các bài viết “1911 Bác Hồ ở Sài Gòn” và “Thành phố Hồ Chí Minh ngày giải phóng”.
Bài báo thứ nhất đã nhắc lại sự kiện ngày 5/6/1911, người thanh niên Văn Ba rời Sài Gòn để đi tìm đường cứu nước. Bài báo có đoạn: “64 năm sau ngày Người từ giã Sài Gòn, con cháu của Người, thế hệ do Người giáo dục và lãnh đạo, tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, thực hiện điều mong muốn và lý tưởng chiến đấu cao quý suốt đời của Người là giành lại độc lập cho Tổ quốc”.
Còn ở bài viết thứ 2, có chi tiết rất đặc biệt đã gọi tên thành phố Sài Gòn là “Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tương tự như vậy, báo Nhân Dân số ra ngày 2/5/1975 liên tục đăng 8 cột báo dòng chữ màu đỏ “Miền Nam hoàn toàn giải phóng” cùng nhiều bài viết nối tiếp mạch thông tin của số hôm trước, trong đó có nêu: “Từ sáng 1/5/1975: Miền Nam hoàn toàn giải phóng [...] Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam”, “Chúng ta đã thực hiện một cách tốt đẹp nhất lời căn dặn cuối cùng của Bác Hồ”, “Mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, nhà máy luyện thép, cán thép Gia Sàng ra mẻ thép đầu tiên”, “Dấy lên phong trào thi đua lao động, sản xuất và tiết kiệm sôi nổi, liên tục, đều khắp”, “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng”, “Ngày 1/5 ở Sài Gòn”, “Sài Gòn ngày đầu giải phóng”...
Là tờ báo phát hành 2 số mỗi tuần, báo Lao Động, cơ quan trung ương của Tổng Công đoàn Việt Nam, số ra ngày 3/5/1975 đã chạy 8 cột trang nhất dòng chữ màu đỏ “Giải phóng hoàn toàn miền Nam”.
Báo trích dẫn lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1975: “Giờ đây, tình hình mới và nhiệm vụ mới đòi hỏi mọi người chúng ta phải lớn lên nhanh chóng, góp phần xứng đáng nhất của mình vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội...”.
Số đầu tiên sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh của báo Lao Động, báo Hà Nội mới. Ảnh tư liệu
Số báo này còn có một số bài đều đề cập đến sự kiện Đại thắng mùa Xuân 1975 với các tiêu đề: “Chào mừng chiến thắng huy hoàng của nhân dân cả nước ta: Giải phóng hoàn toàn miền Nam”, “Lòng người Hà Nội”, “Hải Phòng trong niềm vui cả nước”, “Việt Nam anh hùng”, “Truyền thống đấu tranh của nhân dân Sài Gòn: Một mũi nhọn tiến công sắc bén”... Trong đó, bài “Ba bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc” đã nêu lại 3 bản tuyên ngôn của dân tộc ta, đó là: bài thơ của Lý Thường Kiệt đã được ghi vào lịch sử như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, còn bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai, trong đó có đoạn “Xã tắc từ đây bền vững/ Giang sơn từ đây đổi mới...”. Và bản tuyên ngôn thứ ba Bác Hồ đã viết trong những ngày rực lửa Cách mạng tháng Tám và đọc trong ngày 2/9/1945 ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Trong khi đó, báo Hà Nội mới số ra ngày 1/5/1975 cũng tràn ngập niềm vui chiến thắng. Báo nổi bật với dòng chữ màu đỏ chạy suốt 8 cột báo “Thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng”.
Trong bài xã luận “Thành phố Hồ Chí Minh càng rực rỡ tên vàng”, báo viết: “Trong không khí hào hùng của ngày hội lao động, cả nước hân hoan hướng về Thành phố Hồ Chí Minh trong niềm phấn khởi tự hào tràn ngập mọi con tim. Cả Hà Nội tưng bừng rộn rịp nhiệt liệt chào mừng chiến công vô cùng hiển hách của Sài Gòn kết nghĩa đại thắng. Sài Gòn đại thắng đánh dấu một trang chói lọi trong pho sử đấu tranh lâu dài, gian khổ, anh dũng tuyệt vời chống giặc cứu nước vĩ đại của dân tộc ta...”.
Báo Quân đội nhân dân và báo Công an nhân dân số ra ngày 1/5/1975. Ảnh tư liệu
Cùng với đó còn nhiều bài nổi bật như: “Mở màn hồi 17h ngày 26/4, 11h30 hôm qua 30/4: chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng”, “Hà Nội tràn ngập cờ và khẩu hiệu, rền vang tiếng pháo mừng Sài Gòn giải phóng”, “Sài Gòn 30 năm kiên cường chống xâm lược”, “Pho và Kítxinhgiơ nói về sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam”...
"Không còn nghi ngờ gì nữa..."
Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1/5/1975, hãng tin Pháp AFP viết: "Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần”. Bài báo cho rằng ngày 30/4/1975 là sự phản ánh trung thực nhất của chiến tranh, là hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy làm hết sức mình để không xảy ra một cuộc chiến tương tự, cho dù là bên thắng cuộc.
Tờ Asahi Simbun của Nhật số ra ngày 1/5/1975 đăng bài xã luận trong đó viết: "Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng. Điều đó có thể khẳng định thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt".
Riêng Mỹ, báo chí nước này có rất nhiều bài viết về cuộc chiến hao người tốn của. Với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Times ngày 1/5/1975 chạy tít lớn suốt 8 cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chiến thắng của các lực lượng cách mạng Việt Nam. Thời báo này còn dẫn tập tài liệu mật ghi chép của Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam với gần 70.000 trang, khiến người Mỹ hiểu rõ thực chất cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam.
Cũng trong số ra ngày 1/5/1975, hãng tin AP đăng tải một bài viết có đoạn “Xe tăng, xe bọc thép và xe tải ngụy trang của quân giải phóng tiến nhanh vào dinh tổng thống. Cũng trong thời gian này, tướng Dương Văn Minh đã lên đài phát thanh và truyền hình công bố lệnh đầu hàng”.
Bên cạnh những tờ báo lớn, hầu hết các chương trình thuộc 3 hệ thống truyền hình Mỹ tối 1/5/1975 đều dành cho những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975 và các tin về giây phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, đồng thời đưa tin về miền Nam Việt Nam được giải phóng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Sự kiện báo chí, truyền thông nổi bật lúc này là sự kiện Tổng thống “Việt Nam cộng hòa” Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng và lời tiếp nhận đầu hàng của Quân giải phóng được phát trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn, có tác động mạnh mẽ đến việc rã ngũ và thúc đẩy sớm kết thúc chiến tranh.
...50 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng 30/4/1975 vẫn mãi mãi là mốc son chói lọi không thể phai mờ trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Việt Nam đã vượt qua những khó khăn thách thức, đang hướng tới tương lai hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên mới. Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi là niềm tự hào, là động lực để nhân dân Việt Nam tiếp tục tiến lên trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/1911-bac-ho-o-sai-gon-cung-doc-lai-nhung-bai-bao-dau-tien-sau-ngay-30-4-1975-2394804.html
Bình luận (0)