41.000 năm trước, trái đất trải qua một thời kỳ biến động dữ dội khi từ trường đảo cực, khiến hành tinh phơi mình dưới bức xạ mặt trời và vũ trụ.
Trong hoàn cảnh đó, Homo sapiens - tổ tiên của chúng ta - đã sống sót nhờ những sáng kiến đặc biệt, trong đó có… kem chống nắng bằng đất son.
Từ trường trái đất không chỉ tạo nên cực quang ngoạn mục mà còn là lớp "lá chắn sinh học" tự nhiên giúp bảo vệ hành tinh khỏi các tia vũ trụ và bức xạ cực tím gây hại.

Hang động, áo quần da thú và "kem chống nắng" từ đất son được cho là thứ giúp tổ tiên chúng ta sống sót qua ngày tận thế (Ảnh: Getty).
Tuy nhiên, lá chắn ấy không hề bất biến. Trong suốt lịch sử hàng trăm triệu năm, từ trường đã nhiều lần "đảo cực" - hiện tượng khiến cực Bắc và cực Nam hoán đổi vị trí.
Một trong những lần đảo cực nổi bật nhất là Sự kiện Laschamps, diễn ra cách đây khoảng 41.000 năm. Khi ấy, từ trường trái đất suy yếu tới 90%, khiến hành tinh rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương trước những "đòn tấn công vô hình" từ không gian.
Tận thế từ trường

Từ trường giúp bảo vệ trái đất khỏi bức xạ cực tím (Ảnh: Getty).
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances hé lộ: Dưới tác động của sự kiện Laschamps, các hiện tượng cực quang - vốn chỉ xuất hiện ở hai cực - có thể đã bao phủ cả những vùng ôn đới. Trái đất thời điểm đó có lẽ mang vẻ ngoài huyền ảo như một hành tinh viễn tưởng.
Thế nhưng đằng sau vẻ đẹp ấy là một thực tế nghiệt ngã. Tầng ozone bị bào mòn, tia cực tím gia tăng đột biến, gây ra tổn thương ADN, đột biến gen, dị tật bẩm sinh và tăng nguy cơ ung thư da ở sinh vật sống.
Và chính trong bối cảnh ngặt nghèo ấy, Homo sapiens - loài người hiện đại - và người Neanderthal đã cùng tồn tại, đối mặt với thử thách sinh tồn cam go nhất trong lịch sử tiến hóa.
Tổ tiên chúng ta đã sống sót bằng cách nào?
Theo nhóm nghiên cứu tại Đại học Michigan, các bằng chứng khảo cổ học cho thấy Homo sapiens đã kịp thời thích nghi với môi trường đầy bức xạ nhờ ba yếu tố: trú ẩn, trang phục và... mỹ phẩm khoáng tự nhiên.
Việc sử dụng hang động làm nơi sinh sống trở nên phổ biến vào đúng thời kỳ Laschamps - như một cách trú ẩn khỏi bức xạ.
Các công cụ như kim xương, dùi xuất hiện nhiều hơn, cho thấy con người bắt đầu biết may quần áo từ da thú - vừa để giữ ấm, vừa làm lớp chắn tia UV tự nhiên.
Đáng chú ý nhất là dấu tích của đất son - loại khoáng vật đỏ/vàng thường thấy trong nghệ thuật hang động, được tìm thấy với tần suất dày đặc trong thời kỳ này.
Theo PGS Raven Garvey, chuyên gia nhân chủng học, đất son có thể được nghiền nhỏ và bôi lên da như một dạng kem chống nắng khoáng chất cổ đại. Một số nghiên cứu thực nghiệm đã xác nhận khả năng phản xạ tia cực tím của đất son, giúp giảm thiểu tổn thương da do phơi nắng kéo dài.
"Đây không chỉ là nghệ thuật. Việc sử dụng đất son có thể là biểu hiện của một chiến lược sinh tồn", PGS Garvey nhận định.
Người Neanderthal biến mất vì không kịp thích nghi?
Trái ngược với Homo sapiens, người Neanderthal không để lại bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng đất son như công cụ bảo vệ, hay phát triển quần áo may từ da thú. Giả thuyết đặt ra là họ có thể đã không thích nghi đủ nhanh với điều kiện thay đổi khắc nghiệt khi từ trường suy yếu.
Sự chậm trễ ấy có thể khiến họ dễ tổn thương hơn trước bức xạ, dẫn đến suy giảm thể chất, rối loạn sinh sản và cuối cùng là tuyệt chủng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng thận trọng cho biết: Mối quan hệ giữa sự kiện Laschamps và sự biến mất của người Neanderthal chưa thể khẳng định là nguyên nhân - hậu quả, mà mới dừng ở mức tương quan.
Bài học sống còn cho tương lai?
Ngày nay, từ trường trái đất đang tiếp tục suy yếu, với cực Bắc từ liên tục dịch chuyển nhanh hơn về phía Siberia. Dù một sự kiện đảo cực như Laschamps có thể còn xa, nhưng câu chuyện về tổ tiên chúng ta vẫn là một lời cảnh báo khoa học đáng lưu tâm.
Khả năng sáng tạo, tận dụng tài nguyên thiên nhiên và thích ứng linh hoạt với môi trường là những yếu tố đã giúp Homo sapiens vượt qua "ngày tận thế từ trường" trong quá khứ.
Và thật thú vị khi nghĩ rằng, túyp kem chống nắng bạn đang dùng vào mùa hè - với thành phần như oxit kẽm hay titan - lại là một phiên bản nâng cấp của đất son cổ đại.
Một minh chứng cho thấy: khoa học sinh tồn đã bắt đầu từ thời tiền sử, và vẫn đang tiếp tục viết tiếp câu chuyện của mình ngày hôm nay.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/41000-nam-truoc-loai-nguoi-song-sot-qua-tan-the-nho-kem-chong-nang-20250516070952636.htm
Bình luận (0)