Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Yến sào rất bổ dưỡng, nhưng ai không nên ăn?

(Dân trí) - Để sử dụng yến sào một cách đúng đắn và an toàn, người tiêu dùng cần hiểu rõ về giá trị dinh dưỡng, đối tượng nên - không nên dùng, cũng như các lưu ý khi chế biến và bảo quản.

Báo Dân tríBáo Dân trí16/05/2025

Yến sào từ lâu đã được xem là một loại thực phẩm quý và bổ dưỡng. Yến sào không chỉ là một món ăn ngon mà còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, mang lại lợi ích sức khỏe cho nhiều nhóm tuổi.

Thành phần chính của yến sào

Protein là thành phần chính trong yến sào (khoảng 50%), là dạng dễ hấp thu, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mô, duy trì hoạt động trao đổi chất, phục hồi cơ thể.

Tổ yến cũng chứa 18/20 loại axit amin thiết yếu cho con người. Trong đó, 9 loại giúp cơ thể phát triển và phục hồi mô.

Yến sào rất bổ dưỡng, nhưng ai không nên ăn? - 1

Yến sào từ xưa đã được xem là thực phẩm "đại bổ", giúp bổ sung dinh dưỡng, phục hồi cơ thể (Ảnh: Thanh Loan)

Ngoài ra, yến sào cũng chứa nhiều axit sialic. Axit sialic tạo điều kiện cho sự phát triển của cấu trúc ganglioside trong não, giúp tăng cường và cải thiện hệ thần kinh cho trẻ sơ sinh. 

Glycoprotein và polysaccharide trong yến sào có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống viêm, hỗ trợ hệ tiêu hóa và miễn dịch cũng như đường hô hấp.

Yến sào cũng chứa nhiều collagen và elastin. Hai hợp chất này giúp cải thiện đàn hồi da, hỗ trợ làm đẹp và chống lão hóa.

Một số thành phần chính và quan trọng khác trong yến sào là các nguyên tố vi lượng thiết yếu như canxi, phốt pho, sắt, kẽm, mangan… tốt cho chuyển hóa, tái tạo tế bào, chống oxy hóa.

Với những thành phần này, yến sào là loại thực phẩm bổ dưỡng, chữa suy nhược cơ thể, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi sau bệnh tật và phẫu thuật.  

Ai không nên ăn yến sào?

Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Đại học Y Dược TPHCM, yến sào có vị ngọt, tính bình, giúp điều trị cơ thể suy yếu, ho, ho ra máu, hen suyễn, nôn ra máu, đau dạ dày, tiêu chảy lâu ngày... 

Loại thực phẩm này thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho những người mới ốm dậy, cơ thể gầy yếu, người cao tuổi, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau sinh bị băng huyết...

Yến sào rất bổ dưỡng, nhưng ai không nên ăn? - 2

Tổ yến làm từ nước bọt chim yến sống trong hang, có giá trị cao về dinh dưỡng cũng như thương mại (Ảnh: Thanh Loan).

Tuy vậy, khi cơ thể đang có tình trạng viêm cấp tính, tiêu hóa kém, hoặc rối loạn chuyển hóa, việc dùng thực phẩm giàu dinh dưỡng như tổ yến không những không giúp hồi phục nhanh hơn, mà còn có thể khiến hệ tiêu hóa phải "gồng gánh" thêm, dẫn đến tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu hoặc kéo dài bệnh.

Cụ thể, những người cảm mạo, sốt nhức đầu, đau bụng do lạnh hoặc đầy bụng, ho nhiều đàm loãng; những người có triệu chứng viêm da, viêm phế quản cấp, viêm nhiễm tiết niệu, sốt thực nhiệt không nên dùng yến sào.

Với những người cao tuổi, người có hệ tiêu hóa yếu, việc sử dụng liên tục tổ yến cũng sẽ tác động xấu đến hệ thống tiêu hóa, không hấp thu được thực phẩm, dưỡng chất. Cơ thể không thể hấp thụ hết dưỡng chất có trong yến dễ gây lạnh bụng, tiêu chảy. 

Ngoài ra, tổ yến phải dùng lâu dài mới thấy được hết công dụng. Khi bồi bổ bằng yến sào, mọi người chỉ nên sử dụng liều nhỏ (6-10g) trong thời gian dài. 

Phụ nữ mang thai chỉ nên dùng tổ yến khi thai kỳ trên 5 tháng. Lúc này, thai nhi đã ổn định, mẹ với bé đều cần bổ sung nhiều dưỡng chất. 

Chia sẻ thêm, bác sĩ Vi Thị Tươi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng - NRECI nhấn mạnh, mọi người cần ý thức, yến không phải thần dược, không thể giúp cải thiện sức khỏe nếu không dùng đúng cách.

Đặc biệt, ở trẻ em, hệ miễn dịch và đường ruột còn non yếu, nguy cơ dị ứng cao. Thành phần chủ đạo gây ra dị ứng thức ăn ở trẻ em là protein. Do đó, protein trong yến có thể bị xem là "vật lạ" với cơ thể, từ đó gây ra dị ứng. 

Do đó, trẻ em dưới 6 tháng tuổi hoàn toàn không nên sử dụng yến. Khi trẻ trên 6 tháng, bắt đầu ăn dặm, phụ huynh nên ưu tiên những thực phẩm gần gũi, ít nguy cơ dị ứng cho trẻ. Khi bé được khoảng 8-9 tháng, đã được đa dạng thực phẩm, trẻ mới có thể thử dùng yến.

Y văn hay các tổ chức y tế lớn trên thế giới không có khuyến cáo chính xác lượng yến bé ăn được theo từng độ tuổi.

Tuy nhiên, bác sĩ Tươi lưu ý phụ huynh cần theo nguyên tắc ăn dặm: từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ đơn giản đến phức tạp, tăng dần tần số bữa. Một số mẹ còn dùng nhiều yến một lúc có thể khiến bé đầy bụng, khó tiêu, táo bón do lượng đạm cao.

"Những lần đầu ăn, trẻ nên được cho ăn 1-2 thìa, trong khi đó, phụ huynh cũng cần quan sát các phản ứng của con.

Nếu xuất hiện biểu hiện bất thường như mẩn ngứa, mề đay, khò khè, khó thở, quấy khóc, tiêu chảy, táo bón, phân nhầy… sau ăn yến cần nghi ngờ dị ứng và đưa vào bệnh viện kiểm tra", bác sĩ Tươi chia sẻ. 

Bác sĩ Tươi cũng khuyến cáo người dân khi mua yến sào nên ưu tiên yến thô hoặc yến tinh chế nguyên chất, mua từ các thương hiệu uy tín, có kiểm định an toàn thực phẩm để tránh các sản phẩm có chất làm trắng, phụ gia, hương liệu nhân tạo.

Yến thô nên được ngâm nở bằng nước lọc ở nhiệt độ thường (30-60 phút), không nên ngâm quá lâu dẫn đến mất dưỡng chất. 

Khi chưng yến, cần dùng nồi chưng yến chuyên dụng hoặc chưng cách thủy bằng bát sứ trong nồi nước, trong nhiệt độ lý tưởng (khoảng 70-80 độ C)

Mọi người lưu ý khi chưng yến chỉ thêm ít đường phèn hoặc các nguyên liệu khác (như táo đỏ, hạt sen) vào 5-10 phút cuối khi yến gần chín. Với trẻ bé hơn 2 tuổi hoặc người bị đái tháo đường, yến chưng không thêm đường, có thể để chế biến cùng cháo, súp. 

Yến sau khi chưng nên sử dụng ngay hoặc bảo quản trong hũ thủy tinh kín, cất tủ lạnh ngăn mát, dùng trong 24-48 giờ. Tuyệt đối không nên hâm đi hâm lại nhiều lần hay bảo quản lâu ở nhiệt độ phòng dẫn đến dễ nhiễm khuẩn, biến chất hoặc dùng sản phẩm nghi ngờ chất lượng.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/yen-sao-rat-bo-duong-nhung-ai-khong-nen-an-20250516122700926.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm