Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm đất nước thống nhất: TP.HCM chuyển mình từ dòng chảy sông Sài Gòn

Trong Gia Định thành thông chí, nhân sĩ Trịnh Hoài Đức viết: "Ở Gia Định, chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hoặc để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán rất thuận lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm đi lại không ngớt".

Báo Thanh niênBáo Thanh niên01/04/2025


Nỗ lực hồi sinh đô thị sông nước của TP.HCM hiện nay gợi nhớ về một thời vàng son ấy.

Chứng nhân lịch sử từ khởi nguồn Sài Gòn - TP.HCM

Cuối tuần qua, bến Bạch Đằng tại trung tâm TP.HCM thu hút hàng ngàn người tới dự lễ khởi công cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn. Lãnh đạo TP.HCM lý giải sông Sài Gòn là một phần của ký ức lịch sử hơn 300 năm của TP và vẫn đang tiếp tục là một minh chứng cùng thời gian, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, khát vọng vươn lên không ngừng của Sài Gòn - TP.HCM.

Vì thế, với người dân TP.HCM, mỗi công trình mới hay sản phẩm du lịch, sản phẩm đường thủy được triển khai trên sông Sài Gòn đều mang đến những cảm xúc hân hoan khó tả.

Nhìn lại lịch sử, PGS-TS Nguyễn Hồng Thục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ ra rằng Sài Gòn từ thế kỷ 17 - 20 đã biến đổi từ một địa danh không tên tuổi trở thành một đô thị sông nước, một cảng thị, dẫn đầu về giao thương quốc gia và quốc tế. Kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, nối với kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) từng là "con đường lúa gạo" từ miền Tây lên các nhà máy xay xát ở Chợ Lớn, sau đó đến bến cảng Khánh Hội để xuất đi khắp thế giới. Dọc theo con kênh này, người Pháp đã xây con đường hiện đại có tuyến xe trạm đầu tiên nối Sài Gòn - Chợ Lớn. Thập niên 1920 - 1930, ở khu vực Cầu Mống, Cầu Quay hình thành rõ nét khu phố tài chính - ngân hàng mà biểu tượng là trụ sở quyền uy - Ngân hàng Đông Dương, nay là Ngân hàng Nhà nước. Các chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối là đầu mối nông sản, nối với phố người Hoa (Calmette, Phó Đức Chính...), người Ấn (Tôn Thất Đạm, Pasteur...).

50 năm đất nước thống nhất: TP.HCM chuyển mình từ dòng chảy sông Sài Gòn- Ảnh 1.

Tiềm năng sông nước, kinh tế hướng biển sẽ là trục động lực quan trọng để TP.HCM vươn mình

ẢNH: NHẬT THỊNH

Kết nối cả Chợ Lớn cũ và Chợ Lớn mới xứng đáng là một "đặc khu di sản" bao gồm nhiều dấu tích Hoa, Việt, Khmer về cả thương mại, văn hóa, tôn giáo... Thực tế, lịch sử của những dòng kênh giữa lòng đô thị, đặc biệt là 2 tuyến lớn gồm Bến Nghé - Tàu Hủ (khoảng 22 km) và Nhiêu Lộc - Thị Nghè (khoảng 10 km) vẫn được giữ nguyên giá trị từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

"Mảnh đất Sài Gòn đã lớn lên với chính bản sắc sông nước của mình, làm nên một di sản cảnh quan đô thị nước: đất ngập nước, rừng sác, kênh rạch, đầm hồ, xưởng tàu, bến cảng... với hằng hà sa số các hoạt động trên những con nước, là văn hóa cội nguồn của đô thị cho đến nay. Cùng với yêu cầu của sự phát triển giao thương giữa "Hòn ngọc Viễn Đông" với các nước láng giềng trong cả vùng Đông Nam Á, các con rạch nhỏ đã từng bước được xây sửa, mở rộng và nối dài thành kênh đào lớn để tiện cho giao thông thủy", bà Hồng Thục chỉ rõ.

Nghiên cứu chuyên sâu về khảo cổ học, TS Nguyễn Thị Hậu nhận định: Xét trong bối cảnh địa lý tự nhiên, nhận thấy ngay đặc điểm đầu tiên của Sài Gòn - TP.HCM là đô thị sông nước. Trải từ thời tiền sử, đến văn hóa Óc Eo, cho tới thời kỳ khởi lập đô thị, chính những con sông đã đưa những cộng đồng tộc người đến đây, khởi đi từ biển vào theo sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Sau đó, khu vực trung tâm của đô thị (bến Bạch Đằng) đến Chợ Lớn - trung tâm thương nghiệp rất sầm uất của người Hoa - được nối liền bằng con rạch Bến Nghé và nhiều con kênh khác. Từ Chợ Lớn, có thể về các tỉnh miền Tây qua sông Chợ Đệm, Vàm Cỏ. Rồi từ Sài Gòn cũng có thể đi ngược lên Đồng Nai bằng đường sông để tỏa ra các vùng miền Đông, lên Tây nguyên giàu sản vật.

Thế nhưng, cùng với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa, sông Sài Gòn bắt đầu mất dần vị thế và trở thành niềm tiếc nuối của nhiều người.

Hồi sinh đô thị sông nước, lấy đà tiến biển

Nhưng lợi thế sông nước đã đang được hồi sinh khi TP.HCM xác định chiến lược sông Sài Gòn là trục phát triển bền vững, sinh thái, hướng về Cần Giờ hình thành trục kinh tế biển tạo động lực bứt phá cho kinh tế. Từ chủ trương này, TP.HCM đã từng bước khoác lớp áo mới hiện đại, thoáng mát, đẹp hơn rất nhiều cho đôi bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm TP. Công viên bến Bạch Đằng, quảng trường quanh tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo, cánh đồng hoa hướng dương rực rỡ giữa công viên dọc bờ sông phía Thủ Thiêm, những tour du lịch đường sông từ ngày sang đêm, lễ hội sông nước tạo dấu ấn đặc trưng cho TP... những hạng mục đầu tiên làm tiền đề cho công cuộc cải tạo cảnh quan, khai thác không gian dọc bờ sông đã được TP.HCM dồn dập triển khai.

50 năm đất nước thống nhất: TP.HCM chuyển mình từ dòng chảy sông Sài Gòn- Ảnh 2.

Bến đò của cư dân trên sông Sài Gòn năm 1896

ẢNH: TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA II

Cùng với đó, TP đã phê duyệt đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045" với định hướng từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh. Song song, chiến lược xây cảng, mở đường, nối đường sắt, đường sông từ trung tâm TP tới Cần Giờ liên tục được khởi động và bổ sung vào quy hoạch.

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục khẳng định vùng TP.HCM có vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế với tiềm năng trở thành một vùng cửa ngõ của toàn khu vực Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ. Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ gần như tạo thành một bát giác kim cương, ôm lấy lõi tự nhiên là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ rộng hơn 42.000 ha. Vùng đô thị - cảng biển quốc tế này sẽ trở thành cực kinh tế biển khi kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế từ tầm nhìn phát triển nhanh chuỗi đô thị biển mặt tiền Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công.

"Phát triển chuỗi đô thị "mặt tiền" biển vịnh Cần Giờ sẽ tạo cơ hội cho "vị thế quốc tế" của vùng TP và tháo gỡ các điểm nghẽn về chất lượng lao động và tốc độ tăng trưởng. Bằng động lực của nền kinh tế tiến biển, hai cánh tay nối dài phía đông và tây của TP là: Công nghiệp và hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và Nông nghiệp - du lịch sinh thái, chế biến nông sản sạch ở Gò Công Đông, Tiền Giang, cảng Hiệp Phước sẽ phát triển các chức năng mới, thay đổi bộ mặt xã hội của vùng, đa trung tâm trong phân bố không gian và năng động", vị này nhấn mạnh.

50 năm đất nước thống nhất: TP.HCM chuyển mình từ dòng chảy sông Sài Gòn- Ảnh 3.

TP.HCM đang định hướng hồi sinh đô thị sông nước

ẢNH: NHẬT THỊNH

TS Nguyễn Thị Hậu lưu ý yếu tố động là điều dứt khoát phải bảo tồn, gìn giữ khi TP.HCM bàn câu chuyện phát triển khai thác kinh tế từ nguồn tài nguyên sông nước, phục dựng đô thị sông nước tại TP.HCM.

Theo TS Hậu, trong thời kỳ chiến tranh, người dân không dám đi trên sông Sài Gòn vì sợ mất an ninh. Bây giờ sau 50 năm hòa bình, TP phải làm sao để tạo ấn tượng sông Sài Gòn chính là dòng sông hòa bình, để người dân dễ dàng đi lại trên sông. Cần tôn tạo khu vực mũi Đèn Đỏ trở thành một biểu tượng tự nhiên cho dòng sông Sài Gòn. Bởi đây là khu vực ngã ba Nhà Bè lâu nay vẫn được coi là điểm bắt đầu của địa danh Gia Định - Sài Gòn. Sông Sài Gòn bắt đầu chảy ra biển ở đây. Những lưu dân đi từ biển khi đi vào đây cũng bắt đầu nhận biết được vùng đất trù phú và chọn để định cư, thiết lập nên Gia Định - Sài Gòn.

"Chỉ khi người dân có được sự thuận tiện trong mọi hoạt động trên và bên sông nước thì khi đó, đô thị sông nước TP.HCM mới có thể được hồi sinh. Lúc này, những công trình mới, sản phẩm mới, kỹ thuật mới áp dụng mới phát huy được tối đa năng lực để khai thác sâu hơn, rộng hơn các giá trị kinh tế", TS Hậu nhấn mạnh.

Hồn cốt của Sài Gòn

Yếu tố sông nước chính là sự chuyển động. TP.HCM luôn chuyển động như những con sông. Đấy chính là hồn cốt của Sài Gòn. Dù trải qua quá trình phát triển từ cái gọi là "trên bến dưới thuyền", đến các thương cảng thời thuộc địa, cho tới hiện tại, các con sông của TP.HCM vẫn đang trôi chảy như từ ngàn xưa.

TS Nguyễn Thị Hậu


Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/50-nam-dat-nuoc-thong-nhat-tphcm-chuyen-minh-tu-dong-chay-song-sai-gon-185250331232226608.htm



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm