Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết hội nghị - Ảnh: TTXVN
Chiều 18-4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… tổ chức hội thảo khoa học quốc gia 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển.
Các đại biểu đã đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng (thành tựu và hạn chế) của văn học, nghệ thuật 50 năm qua và góp ý cho việc hoàn thiện chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật phù hợp với đặc thù sáng tạo và yêu cầu của thời đại.
Đánh giá về nền văn học, nghệ thuật 50 năm qua, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - phó giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nói nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền văn học, nghệ thuật "yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc".
Tuy nhiên, hội thảo cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế của văn học, nghệ thuật sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cho công tác quản lý, sáng tạo, lý luận, phê bình và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Đó là, văn học, nghệ thuật đương đại vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tương xứng với tầm vóc công cuộc Đổi mới và chưa tương xứng với chiều sâu văn hóa - lịch sử của dân tộc. Thiếu đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng kế cận.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội - cũng góp ý những giải pháp kích thích đầu tư cho văn học nghệ thuật từ khối tư nhân, tăng cường đầu tư từ Nhà nước, và cởi mở, tiến bộ trong quản lý.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội nghị, ghi nhận: "Văn học nghệ thuật nửa thế kỷ qua đã bền bỉ hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng thời nó cũng là sợi dây bền chặt cố kết lòng người, hàn gắn những vết thương chiến tranh, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Ông Nghĩa yêu cầu tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chính sách xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật bảo đảm đồng bộ, hiệu quả. Đổi mới căn bản, toàn diện chính sách phát hiện đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh tài năng văn học, nghệ thuật, tạo bước phát triển đột phá về phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ thâm nhập, bám sát thực tiễn sôi động của đất nước, đồng hành, gắn bó máu thịt với công cuộc lao động, sáng tạo của nhân dân.
Thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Nguồn: https://tuoitre.vn/50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-van-hoc-nghe-thuat-co-ket-long-nguoi-20250418212800127.htm
Bình luận (0)