Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nữ cơ phó Gen Z nhỏ tuổi nhất tổ bay, tiết lộ lý do bỏ ước mơ làm bác sĩ

(Dân trí) - Để trở thành cơ phó cho một hãng hàng không tại Việt Nam với thu nhập ở mức cao, Thiên Bảo phải trải qua hàng nghìn giờ bay trên trời và loạt khóa huấn luyện đầy áp lực.

Báo Dân tríBáo Dân trí19/04/2025

Thời gian ra quyết định tính bằng giây

Hơn 2 năm bén duyên với nghề phi công, nữ cơ phó Lưu Phúc Thiên Bảo (SN 2001, ngụ tại TPHCM) cho hay lịch trình bay bận rộn khiến cô thường xuyên vắng nhà.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của Thiên Bảo chính là khoảnh khắc đưa hàng trăm hành khách về quê đón Tết Nguyên đán vào đúng thời khắc giao thừa năm ngoái. 

Kể về kỷ niệm khó quên ấy, nữ cơ phó chia sẻ, khi máy bay cất cánh, cô thấy khắp nơi dưới mặt đất sáng rực pháo hoa mừng năm mới, tạo nên cảnh tượng choáng ngợp. Khung cảnh ấy khiến cô không khỏi xúc động và hạnh phúc. 

"Lúc ấy, tôi không cảm thấy tủi thân, ngược lại, tôi cảm thấy tự hào vì đã góp chút công sức để đưa hàng trăm người dân về đón Tết cùng gia đình", Thiên Bảo trải lòng.

Nữ cơ phó Gen Z nhỏ tuổi nhất tổ bay, tiết lộ lý do bỏ ước mơ làm bác sĩ - 1co-phonvcc-12-edited-1744987902517.webp

Nữ cơ phó Lưu Phúc Thiên Bảo (Ảnh: NVCC).

Thiên Bảo bộc bạch cô là phi công nhỏ tuổi nhất tổ bay. Đối với các chặng bay dài, tổ bay thường được nghỉ ngơi 24 tiếng trước khi trở về điểm xuất phát. Vì vậy, việc "ăn sáng ở Việt Nam, ăn tối ở Nhật Bản" là chuyện bình thường đối với phi công.

"Công việc này đòi hỏi trách nhiệm lớn nhưng cũng mang đến nhiều trải nghiệm khó quên. Khoảnh khắc được ngắm mặt trời mọc qua cửa sổ buồng lái rộng lớn hay ngắm cảnh đẹp ở những đất nước lần đầu đặt chân tới là những điều khó quên", Thiên Bảo kể.

Nữ cơ phó cho biết trong quá trình làm việc, phi công phải tập trung cao độ và không được phép sai. Đặc biệt, thời gian cho phép ra quyết định trong những tình huống cấp bách như thời tiết xấu, đường băng hoặc máy bay gặp vấn đề… chỉ tính bằng giây.

"Một sai sót nhỏ cũng có thể để lại hậu quả vô cùng lớn", nữ cơ phó nhấn mạnh.

Trong buồng lái, cơ trưởng thường là người chịu trách nhiệm cao và xử lý các vấn đề phức tạp hơn cơ phó. Tuy nhiên, cả hai phải phối hợp trong các công việc chính như cất cánh, hạ cánh và xử lý các giấy tờ liên quan, đồng thời giám sát lẫn nhau để tránh sai sót.

Tổ bay thường phải có mặt tại văn phòng sớm hơn 1 tiếng so với giờ cất cánh để chuẩn bị. Cơ trưởng sẽ trao đổi những thông tin, đặc biệt là những điều cần lưu ý trong suốt chặng bay.

Trong khi đó, cơ phó như Thiên Bảo sẽ phụ trách kiểm tra máy bay, nhiên liệu, động cơ, tính toán tải trọng, hỗ trợ cơ trưởng lập kế hoạch bay và lập trình sẵn trên hệ thống.

"Một sự thật thú vị là cơ trưởng và cơ phó phải tuân theo các quy định như khẩu phần ăn trên máy bay không được giống nhau, không uống rượu, bia trước tối thiểu 8 tiếng trước giờ cất cánh…

Đối với chúng tôi, một chuyến bay an toàn đã là điều vô cùng xúc động", nữ cơ phó tiết lộ.

Không cần bằng đại học

Thiên Bảo thú nhận khi còn nhỏ, cô chưa từng nghĩ đến việc sẽ làm phi công mà dự định trở thành bác sĩ. Thậm chí, cô đã thi đỗ vào khoa Dược của Trường Đại học Y dược TPHCM.

"Bố mẹ là kiểm soát viên không lưu nên gợi ý cho tôi suy nghĩ về ngành hàng không. Lúc ấy, tôi quyết định thử sức ở lĩnh vực mới vô cùng thú vị và đầy thử thách", cô chia sẻ.

Năm 2019, Thiên Bảo không học đại học, theo học trung tâm đào tạo phi công tại bang Missisipi (Mỹ).

Nữ cơ phó cho hay kinh phí học tập và sinh hoạt ở Mỹ của cô khoảng 100.000 USD (hơn 2,5 tỷ đồng).

Thiên Bảo phải trải qua khóa đào tạo và huấn luyện với khối lượng kiến thức "khổng lồ".

"Tính riêng kiến thức nền, phi công phải đọc qua tối thiểu 6 cuốn sách, chưa kể các tài liệu khác. Phần lớn, chúng tôi phải tự học, các chuyên gia chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc. Lắm lúc, tôi cảm thấy một chút áp lực vì không biết phải học gì, học từ đâu, bởi việc học không hề có giới hạn", Thiên Bảo nói.

Nữ cơ phó Gen Z nhỏ tuổi nhất tổ bay, tiết lộ lý do bỏ ước mơ làm bác sĩ - 2co-phonvcc-1-edited-edited-edited-1744988435975.webp

Thiên Bảo chụp hình cùng các tiếp viên (Ảnh: NVCC).

Phi công còn được đào tạo lái máy bay mô phỏng và máy bay thật loại nhỏ, 2 người ngồi. Trong lúc huấn luyện, giáo viên sẽ liên tục hỏi kiến thức, đặt ra tình huống khẩn cấp và đòi hỏi họ phải trả lời thật nhanh.

Kết thúc 13 tháng học tập tại Mỹ, Thiên Bảo về nước và tiếp tục tham gia khóa huấn luyện trên máy bay Airbus A320/310, với chi phí 20.000-25.000 USD (517-646 triệu đồng).

Kể cả khi vượt qua nhiều vòng phỏng vấn, thể hiện kỹ năng đầy áp lực và cạnh tranh, được nhận vào làm việc tại hãng hàng không, Thiên Bảo vẫn phải tham gia huấn luyện với mức phí 100.000-130.000 USD (2,5-3,3 tỷ đồng).

Khi chính thức trở thành cơ phó, được cùng cơ trưởng lái máy bay thương mại, cô cho hay áp lực không còn nhiều như trước nhưng trọng trách lại lớn hơn. Vì thế, phi công phải luôn trau dồi kiến thức, ý thức học tập suốt đời.

Nữ cơ phó chia sẻ thu nhập của phi công sẽ tùy theo thâm niên làm việc và số giờ bay trong tháng. Đối với cơ phó 2 năm kinh nghiệm, yêu cầu giờ bay 500-1.000 giờ như Thiên Bảo, thu nhập hằng tháng dao động 60-80 triệu đồng, bao gồm lương cứng và các khoản phụ cấp như phí công tác, điện thoại, chế độ đặc thù công việc…

Nguồn:https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/nu-co-pho-gen-z-nho-tuoi-nhat-to-bay-tiet-lo-ly-do-bo-uoc-mo-lam-bac-si-20250418124903007.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm