Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Cùng dự có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo. Phiên họp được truyền trực tuyến tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã phường, đặc khu trên cả nước.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, trước hết, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 ở Hạ Long, Quảng Ninh và trong cơn bão số 3 những ngày vừa qua.
Thủ tướng cũng chia sẻ sự mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với nhân dân các xã miền núi ở Nghệ An đang phải hứng chịu cơn lũ lớn được đánh giá là chưa từng có do hoàn lưu bão gây ra.
Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Chính phủ cho biết đã cử Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vào công tác gấp tại Nghệ An để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các vùng xung yếu.
Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo để lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Chính phủ có định hướng, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, chính xác hơn.
Các cơ quan thông tấn báo chí cần tích cực vào cuộc, dành thời lượng cần thiết tuyên truyền sâu rộng về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống, an toàn tính mạng của nhân dân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phát huy những mặt được, những kinh nghiệm hay nhiều năm qua, khắc phục các hạn chế bất cập.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng yêu cầu các lực lượng, các đồng chí lãnh đạo phải tìm mọi cách để tiếp cận ngay các địa bàn bị chia cắt bởi mưa lũ để nắm tình hình, cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân, bảo đảm các công tác vệ sinh môi trường.
Thủ tướng nêu rõ, năm nay, chúng ta phải triển khai Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 7/2024; tổ chức lại hệ thống chính trị ở địa phương 2 cấp, vì vậy có thay đổi về tổ chức, hoạt động.
Phiên họp này thống nhất lại một số công việc, trong đó có công tác tổ chức. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1585/QĐ-TTg tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
Điều này phù hợp trong tình hình hiện nay. Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũ, và nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây và Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện nay.
Thủ tướng nêu rõ, theo quy định mới, phòng thủ dân sự bao gồm các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Chúng ta sẽ hoạt động theo mô hình mới và chức năng mới theo đúng Luật, trước mắt là phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Còn công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, chúng ta vẫn đang thực hiện hiện hằng ngày.
Phòng, chống thiên tai là một nội dung phòng thủ đặc biệt vì nước ta có địa hình trải dài, thường xuyên đối mặt với rất nhiều loại hình thiên như bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng hạn, xâm nhập mặn… “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng nêu rõ, biến đổi khí hậu tác động khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định; nhắc lại, năm ngoái đã xảy ra cơn bão số 3 (Yagi) lớn nhất trong nhiều năm qua; hiện tượng giông lốc bất thường xảy ra ở Quảng Ninh, Hà Nội mấy hôm trước; đối với cơn bão số 3 (Wipha) năm nay, mặc dù đã các cấp, các ngành, địa phương đã rất chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động, phòng ngừa, ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, tuy nhiên, bão đã đổ bộ vào Nghệ An với lượng mưa lớn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá công tác phòng, chống thiên tai, những cái được, cái tốt từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, người dân; những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm gì trong 6 tháng cuối năm và cả giai đoạn tới.
Phân công, phân định nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo phòng, chống thiên tai như thế nào cho phù hợp. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần cần phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống thiên tai; phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo với tinh thần “6 rõ”: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”, để từ đó kiểm điểm, đánh giá đúng tình hình.
Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận, đánh giá công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp có những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc như thế nào, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay.
Phiên họp được truyền trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các xã, phường, đặc khu trên cả nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)
* Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang diễn ra gay gắt, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, hoạt động khủng bố, tấn công mạng gây bất ổn ở nhiều quốc gia, khu vực. Xung đột quân sự giữa Nga-Ukraine, Israel-Hamas tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trên thế giới xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, bất thường, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình như: động đất ở Nhật Bản; sạt lở đất ở Papua New Guinea, Tứ Xuyên (Trung Quốc); cháy rừng tại Los Angeles (Mỹ); động đất tại Myanmar; mưa lũ lớn tại miền nam Trung Quốc...
Tại Việt Nam, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, toàn quốc xảy ra 10.225 vụ tai nạn, sự cố, thiên tai, trong đó có 13 trận bão, 3 áp thấp nhiệt đới, 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, 278 trận dông lốc, sét, mưa đá, 409 trận sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, 472 trận động đất, 4 đợt rét hại, 19 đợt gió mạnh trên biển, 17 đợt nắng nóng, nhiều sự cố, tai nạn trên đất liền, trên biển gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên xảy ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn gây ô nhiễm môi trường...
Hậu quả: chết 1.389 người; mất tích 398 người; bị thương 2.861 người; chìm, cháy, hỏng 1.361 phương tiện; cháy 2.239 nhà xưởng và 3.314ha rừng; sập, hỏng, tốc mái 319.437 nhà; hư hại 443.591ha lúa, hoa màu và 326.490ha cây trồng; sạt lở 17.707.305m³ đất đá; chết 5.283.149 con gia súc gia cầm; tràn 2.267m³ dầu.
Về công tác ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, Ban Chỉ đạo cho biết, duy trì trực phòng thủ dân sự 24/24 giờ ở Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp, theo dõi, nắm sớm các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời phân tích, nhận định, đánh giá diễn biến để đưa ra các biện pháp ứng phó.
Các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 nghị quyết, 1 chỉ thị, 33 công điện chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia chỉ đạo ban hành 100 công điện chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 188 công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai, vận hành hồ chứa và bảo đảm an toàn hạ du khi hồ xả lũ, đặc biệt trong cơn bão số 3 (bão Yagi).
Thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình tai nạn, sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, môi trường; xây dựng các kịch bản và tham mưu đầy đủ, kịp thời cho lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả các tình huống. Báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin đến lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo Ban Chỉ huy các địa phương và nhân dân, cộng đồng.
Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, các bộ, ngành, địa phương đã điều động 1.105.639 lượt người/58.754 lượt phương tiện tham gia ứng phó, xử lý 9.159 vụ, cứu được 7.079 người và 735 phương tiện. Trong đó, quân đội điều động 763.640 lượt người (69%) và 35.207 lượt phương tiện (60%), tham gia tìm kiếm cứu nạn 6.300 vụ (69%), cứu được 5.948 người (84%) và 643 phương tiện (88%); dập cháy 1.873 nhà xưởng và 3.292ha rừng; hỗ trợ di dời 110.447 hộ dân/421.594 nhân khẩu tới nơi toàn; kêu gọi, thông báo cho 795.930 phương tiện/4.850.620 người biết thông tin, diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời di chuyển, vòng tránh, neo đậu vào nơi an toàn…
Hà Thanh Giang
Nguồn: https://nhandan.vn/tich-cuc-lam-tot-cong-tac-phong-chong-thien-tai-khac-phuc-hau-qua-bao-lu-post896105.html
Bình luận (0)