Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du lịch ĐBSCL kỳ vọng bứt phá với không gian phát triển mới

Với không gian mở rộng, nguồn tài nguyên phong phú, bản sắc văn hóa đặc trưng và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, các địa phương và doanh nghiệp vùng ĐBSCL kỳ vọng ngành du lịch nơi đây sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch25/07/2025

Sau hợp nhất 3 địa phương (gồm thành phố Cần Thơ cũ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng), thành phố Cần Thơ mới có diện tích hơn 6.300km², dân số hơn 4 triệu người và có 103 xã, phường. Đây là bước ngoặt lớn mở rộng không gian phát triển, làm giàu thêm tài nguyên, bản sắc, nhân lực và vùng nguyên liệu phục vụ phát triển du lịch.

Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, sau hợp nhất thành phố Cần Thơ có sân bay quốc tế Cần Thơ, các cảng lớn vận chuyển hàng hóa, nhiều lễ hội đậm đà bản sắc Nam Bộ. Ngoài ra, hệ thống cơ sở lưu trú phong phú, các khách sạn tiêu chuẩn từ 3-5 sao hoàn toàn đáp ứng tốt các sự kiện, các hoạt động văn hóa, lễ hội lớn… Những yếu tố này góp phần tạo ra một không gian phát triển mới, đa dạng cho du lịch Cần Thơ thời gian tới.

Du lịch ĐBSCL kỳ vọng bứt phá với không gian phát triển mới - Ảnh 1.

Qua 6 tháng đầu năm nay, du lịch Cần Thơ đón hơn 6,3 triệu lượt khách.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh xây dựng nhiều sản phẩm, tổ chức các chuỗi sự kiện thu hút du khách, hơn 150 gói kích cầu, dịch vụ, tour mới kết hợp vui chơi, giải trí, ẩm thực, trải nghiệm sông nước, sinh thái, cộng đồng. 6 tháng đầu năm nay, du lịch Cần Thơ đón hơn 6,3 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt hơn 2,7 triệu lượt, doanh thu đạt khoảng 5.450 tỷ đồng.

Theo bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc chi nhánh Cần Thơ Công ty Vietravel, phân tích chi tiết giữa lượng khách và doanh thu thời gian qua cho thấy giá trị tour và mức chi tiêu của du khách cho các hành trình khám phá vùng ĐBSCL vẫn còn thấp, chưa phản ánh đúng tiềm năng và kỳ vọng phát triển của khu vực. Do đó, sau khi nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL hợp nhất có thể tạo nhiều cơ hội khai thác sản phẩm liên tuyến dựa trên thế mạnh đặc trưng mỗi địa phương trước đó. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu và xây dựng sản phẩm liên kết chuỗi giá trị, gia tăng trải nghiệm cho du khách cũng sẽ thuận lợi hơn.

"Với Cần Thơ mới, sau khi sáp nhập Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, tới đây chúng tôi có cơ hội xây dựng thêm những sản phẩm mới đa dạng và gia tăng tính trải nghiệm. Du khách có trải nghiệm thú vị hơn, khi đến một địa phương nhưng có cơ hội tham quan, trải nghiệm những nét đặc trưng của địa phương khác”, bà Lê Đình Minh Thy cho biết.

Du lịch ĐBSCL kỳ vọng bứt phá với không gian phát triển mới - Ảnh 2.

ĐBSCL có nhiều điểm đến, trải nghiệm thu hút khách du lịch

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, trong 6 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh du lịch của khu vực ĐBSCL có bước tiến triển khá tốt. Theo đó, ước tổng số khách đến ĐBSCL hơn 35 triệu lượt, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế hơn 2 triệu lượt, tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm ngoái; khách nội địa hơn 33 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu từ hoạt động du lịch gần 54 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành trong vùng sau hợp nhất sớm rà soát lại tiềm năng, thế mạnh hiện hữu để xác lập sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương mình; phối hợp thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đặc thù và thực hiện tốt Kế hoạch lan tỏa các ứng dụng, sản phẩm công nghệ của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhằm truyền thông, quảng bá về tiềm năng, truyền thống văn hóa, con người ĐBSCL, những sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL... Qua đó, giúp du khách khi đến với ĐBSCL thuận tiện trong việc lựa chọn điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng.

Du lịch ĐBSCL kỳ vọng bứt phá với không gian phát triển mới - Ảnh 3.

Sau hợp nhất, các địa phương vùng ĐBSCL có không gian mới, đa dạng cho phát triển du lịch.

Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình kích cầu du lịch của Chính phủ nhằm thu hút khách đến ĐBSCL, đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch trong tình hình mới; thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu du lịch, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch tạo sức hấp dẫn thu hút khách. Với lợi thế tài nguyên du lịch độc đáo, nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng ĐBSCL có sức hấp dẫn cao, chúng tôi tin rằng du lịch ĐBSCL sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững”.

Với quy mô không gian mở rộng, nguồn lực được tăng cường và sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp, du lịch ĐBSCL sau hợp nhất các địa phương đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần tiếp tục đầu tư bài bản vào hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị và quảng bá hiệu quả hình ảnh điểm đến. Sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẽ là yếu tố then chốt để đưa du lịch vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng trong giai đoạn mới.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/du-lich-dbscl-ky-vong-but-pha-voi-khong-gian-phat-trien-moi-20250725091537648.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm