Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du lịch Lạng Sơn: Từ di sản địa chất tới điểm đến du lịch xanh

Với hàng trăm di sản địa chất, văn hóa và sinh thái độc đáo, Lạng Sơn đã ghi danh trên bản đồ thế giới với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, tạo lực đẩy mới cho phát triển du lịch xanh và hội nhập quốc tế.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch24/07/2025

Di sản địa chất quý báu và cảnh quan kỳ vĩ

Với diện tích gần 5.000 km², Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn không chỉ là kho tàng địa chất quý giá mà còn là vùng đất hội tụ những giá trị văn hóa, lịch sử và sinh thái đặc sắc của miền núi phía Bắc. Việc chính thức được UNESCO công nhận vào tháng 4/2025 đã đưa Lạng Sơn trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ tư của Việt Nam, sau Đồng Văn (Hà Giang), Non nước Cao Bằng và Đắk Nông, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong định hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh.

Lạng Sơn lưu giữ hơn 100 di sản địa chất, khảo cổ và văn hóa, phản ánh 500 triệu năm tiến hóa địa chất của trái đất. Từ dấu tích biển cổ, núi lửa, hệ tầng đá vôi đồ sộ cho tới hệ thống hang động kỳ vĩ như hàng Ngườm Moóc, hố sụt Thẩm Lũm, Ùng Roặc… tất cả đều là những minh chứng sống động cho lịch sử địa chất lâu đời, mang giá trị khoa học và giáo dục to lớn.

Du lịch Lạng Sơn: Từ di sản địa chất tới điểm đến du lịch xanh - Ảnh 1.

Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (xã Tân Văn) - di tích nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.

Không chỉ mang giá trị về địa chất, Lạng Sơn còn nổi bật với các cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp và sông suối uốn lượn, tạo nên không gian du lịch nguyên sơ đầy cuốn hút. Đây là tiền đề để tỉnh phát triển nhiều loại hình du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm.

Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn còn là nơi hội tụ của hơn 20 dân tộc anh em, mỗi cộng đồng mang theo một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, từ tiếng nói, trang phục, lễ hội đến các tri thức bản địa gắn liền với núi rừng. Các điểm đến như đền Kỳ Cùng, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, Thành cổ Lạng Sơn... không chỉ có giá trị lịch sử, tâm linh mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, gần 300 lễ hội truyền thống và hơn 335 di tích lịch sử, văn hóa là những nền tảng vững chắc để tỉnh Lạng Sơn phát triển các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa, góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản trong đời sống hiện đại.

Đột phá trong phát triển du lịch địa chất

Sau khi được công nhận, tỉnh Lạng Sơn đã nhanh chóng hoạch định chiến lược phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu. Các sản phẩm du lịch cốt lõi được xác định rõ ràng, gồm: du lịch địa chất (bảo tàng thiên nhiên, con đường mòn địa chất tại đầm hồ Na Dương), du lịch mạo hiểm (thám hiểm hang động, hố sụt, vượt thác, chèo kayak…), du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, hành trình khám phá Công viên được chia thành 4 tuyến du lịch chính: “Khám phá thế giới thượng ngàn”, “Hành trình về miền thiên giới”, “Cuộc sống dân dã nơi trần thế” và “Khám phá thủy cung”, kết nối 38 điểm du lịch đặc sắc trên địa bàn. Các tuyến du lịch chủ yếu theo các trục quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279, rất thuận lợi để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tỉnh Lạng Sơn đã tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, phối hợp với các chuyên gia nước ngoài trong công tác khảo sát, xây dựng sản phẩm và quảng bá hình ảnh. Sự kiện khai trương Văn phòng Việt Nam Expeditions tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là bước đi cụ thể, mở ra các tour thám hiểm chất lượng cao dành cho du khách quốc tế.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản, đồng thời tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hạ tầng du lịch theo Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND. Những chính sách này đã góp phần cải thiện rõ rệt môi trường du lịch, tăng sức cạnh tranh của tỉnh.

Từ vùng đất biên cương yên bình, Lạng Sơn hôm nay đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Việc gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu gồm 229 điểm đến tại 50 quốc gia không chỉ mang lại cơ hội quảng bá quốc tế mà còn đặt ra yêu cầu cao về bảo tồn, phát triển và chia sẻ giá trị với cộng đồng.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn chính thức được UNESCO công nhận vào tháng 4/2025 là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội lớn để tỉnh Lạng Sơn phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, đồng thời cũng là cơ hội xây dựng Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của vùng trung du miền núi phía bắc.

Bằng sự quyết tâm của chính quyền, sự đồng hành của người dân và định hướng phát triển đúng đắn, Lạng Sơn đang viết nên một chương mới - chương của hội nhập, phát triển và khẳng định bản sắc trên nền tảng giá trị địa chất và văn hóa đặc sắc.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/du-lich-lang-son-tu-di-san-dia-chat-toi-diem-den-du-lich-xanh-20250724153537835.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm