Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Góp phần đưa di sản văn hóa Cao Bằng hòa nhịp cùng thế giới

Trong nỗ lực kết nối những cộng đồng gìn giữ di sản trên toàn cầu, Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO đã phát động Dự án “Dệt hy vọng” - một biểu tượng di sản văn hóa xuyên quốc gia, đề cao sự đa dạng và gắn kết cộng đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO. Hưởng ứng sáng kiến này, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gửi Hội nghị quốc tế lần thứ 11 của Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO tại CVĐC Toàn cầu Kutralkura (Chi-lê) tấm thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày - một tác phẩm dệt nghệ thuật không chỉ thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo mà còn dệt nên câu chuyện văn hóa đặc sắc, giàu tính nhân văn của đồng bào dân tộc thiểu số Cao Bằng.

Báo Cao BằngBáo Cao Bằng24/07/2025


Gắn kết từ nghệ thuật dệt - Sáng kiến toàn cầu đầy ý nghĩa

Dự án “Dệt hy vọng” là sáng kiến nghệ thuật do CVĐC toàn cầu UNESCO Kutralkura (Chi-lê) phối hợp cùng Đại học Công giáo Temuco (Chi-lê) triển khai, với sự tham gia của CVĐC toàn cầu trên khắp thế giới. Mỗi công viên sẽ gửi đến Hội nghị quốc tế lần thứ 11 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu (tổ chức từ ngày 8 - 12/9/2025 tại Chi-lê) một tấm vải dệt phản ánh bản sắc văn hóa đặc trưng tại khu vực của mình.

Những tấm vải dệt từ nhiều dân tộc, đến từ các quốc gia là những mảnh ghép văn hóa sống động về di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên thế giới được bảo tồn, gìn giữ qua hàng trăm, nghìn năm sẽ được kết nối lại thành một tác phẩm nghệ thuật thống nhất và trưng bày trang trọng tại hội nghị, như một biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc anh em trên thế giới về trách nhiệm phát triển bền vững. Sau sự kiện, toàn bộ tác phẩm dệt từ CVĐC các nước gửi đến sẽ được gửi tới trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp) như một thông điệp toàn cầu về gìn giữ ký ức di sản văn hóa của nhân loại.

Tấm thổ cẩm Tày - Ký ức của miền di sản

Trong hàng trăm di sản phi vật thể tại Cao Bằng, thổ cẩm dân tộc Tày là một biểu tượng tiêu biểu, kết tinh từ truyền thống văn hóa lâu đời, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, thẩm mỹ dân gian và tri thức bản địa được lưu truyền hàng trăm, nghìn năm qua. Hưởng ứng Dự án “Dệt hy vọng”, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng lựa chọn gửi đến hội nghị tấm vải chàm dệt thổ cẩm của dân tộc Tày - dân tộc chiếm dân số đông và có nền văn hóa lâu đời tại tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, thổ cẩm dân tộc Tày vẫn được dệt thủ công bằng tay trên khung cửi truyền thống, với các nguyên liệu từ thiên nhiên: sợi lanh, sợi bông, thuốc nhuộm chàm từ lá cây…

Điểm độc đáo của tấm thổ cẩm Tày không chỉ ở màu nền xanh chàm đặc trưng mà còn ở hệ thống hoa văn được chia thành 4 nhóm chính: Hoa văn hình học: hình thoi, hình vuông, tam giác lồng ghép, tượng trưng cho sự cân bằng, sinh sôi và luân hồi. Hoa văn thực vật: hoa cúc, lá rừng, cành tre - biểu tượng cho thiên nhiên gần gũi và vòng đời sinh trưởng. Hoa văn động vật: chim lạc, cá, rồng - gắn với truyền thuyết và đời sống tâm linh. Hoa văn tín ngưỡng mang yếu tố linh thiêng, thể hiện chiều sâu tâm linh và mối liên hệ giữa con người - vũ trụ - thiên nhiên.

Mỗi họa tiết là một câu chuyện, mỗi đường chỉ là một ký ức được “ghi nhớ” bằng sợi vải, sợi chỉ màu xanh, đỏ, tím, vàng... Sự kỳ công trong từng công đoạn dệt thủ công, từ se sợi, nhuộm chàm đến lên sợi vải, sợi chỉ màu trên khung cửi, đưa thoi trên khung, dệt cài sợi thành nhiều hoa văn, đan xen màu sắc tinh tế... Thổ cẩm không chỉ thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của dân tộc Tày mà còn phản ánh lối sống tuần hoàn, hài hòa giữa con người với thiên nhiên - đúng tinh thần của phát triển bền vững.

Nghệ nhân Nông Thị Thược, dân tộc Tày, xóm Luống Nọi, xã Hà Quảng trình diễn dệt thổ cẩm dân tộc Tày tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO, khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.

Nghệ nhân Nông Thị Thược, dân tộc Tày, xóm Luống Nọi, xã Hà Quảng trình diễn dệt thổ cẩm dân tộc Tày tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO, khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.

Nghệ nhân dân tộc Tày


Trong quá trình chọn lựa, phục dựng và dệt mẫu thổ cẩm gửi đi hội nghị, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng phối hợp với nhiều nghệ nhân dân tộc Tày dệt thổ cẩm tại các xã: Hòa An, Hà Quảng thêu dệt công phu. Tấm vải thổ cẩm Tày được các nghệ nhân giàu kinh nghiệm dệt thủ công hơn hai tháng, tỉ mỉ từ khâu chọn sợi, nhuộm màu vải chàm, lên khung, dệt nền, tạo hoa văn… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi kinh nghiệm chọn sợi vải, chỉ thêu, cách phối màu, kỹ thuật chính xác và hiểu sâu sắc về ý nghĩa văn hóa bản địa truyền thống. Tấm thổ cẩm gửi đến hội nghị được các nghệ nhân Tày tái hiện lại các hoa văn truyền thống tinh tế và giàu ý nghĩa. Nghệ nhân Nông Thị Thược, dân tộc Tày, xóm Luống Nọi, xã Hà Quảng, người đã gắn bó hơn 45 năm với khung cửi truyền thống, chia sẻ: Tôi học dệt thổ cẩm từ khi còn là thiếu nữ, từ bà và mẹ. Mỗi tấm vải là một phần tâm hồn người Tày chúng tôi. Màu chàm là màu xanh của đất - trời, còn hoa văn là ngôn ngữ của tri thức dân gian.

Sự phối màu trong tấm vải cũng thể hiện rõ kỹ thuật và thẩm mỹ: nền vải nhuộm chàm lam, điểm xuyết các sợi chỉ đỏ, vàng, xanh, tím… mỗi màu sắc đại diện cho một yếu tố: đỏ tượng trưng cho phúc lộc, vàng cho ánh sáng, xanh là đoàn kết hài hòa, tím là thủy chung… Tất cả được đan cài nhịp nhàng, thể hiện óc thẩm mỹ dân gian kết hợp kỹ thuật tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao.

Không chỉ giữ nghề, những nghệ nhân như bà Thược còn truyền dạy cho thế hệ trẻ trong xóm, đặc biệt là các thiếu nữ Tày dệt thổ cẩm tinh xảo để lưu truyền, giữ gìn bản sắc, tạo sinh kế bền vững từ chính nghề truyền thống. Với bà Thược mỗi đường dệt hoa văntrên khung cửi là một mối nối giữa quá khứ và tương lai, giữa văn hóa bản địa với nhịp đập của thế giới hiện đại.

Cam kết gìn giữ di sản - Vai trò của CVĐC Non nước Cao Bằng

Việc tham gia Dự án “Dệt hy vọng” không chỉ là một hoạt động giao lưu văn hóa mà còn thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của CVĐC Non nước Cao Bằng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với khơi dậy truyền thống văn hóa là sức mạnh nội sinh cho Cao Bằng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững.

Tấm vải dệt thổ cẩm dân tộc Tày của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tham gia Dự án “Dệt hy vọng”.

Tấm vải dệt thổ cẩm dân tộc Tày của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tham gia Dự án “Dệt hy vọng”.

Cao Bằng hiện có hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trong phạm vi CVĐC, trong đó, 3 di sản văn vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận cấp quốc gia: chữ Nôm Tày, kỹ thuật in hoa văn sáp ong của người Dao Tiền, nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao Đỏ. Các hoạt động của CVĐC luôn được lồng ghép với truyền thông di sản, du lịch cộng đồng, bảo tồn nghề thủ công, giáo dục địa phương, giúp di sản “sống” cùng cộng đồng.

Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy cho biết: Thông qua Dự án “Dệt hy vọng”, CVĐC Non nước Cao Bằng mong muốn đưa hình ảnh con người, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Non nước Cao Bằng đến với bạn bè quốc tế. Nơi mỗi tấm vải dệt thổ cẩm là một lời nhắn gửi: Chúng tôi không chỉ gìn giữ di sản kiến tạo địa chất, thiên nhiên môi trường, núi rừng hùng vĩ mà còn gìn giữ những giá trị tinh thần quý giá, di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa đã quần cư sinh sống hàng nghìn năm trên vùng di sản CVĐC. 

Hướng tới tương lai - Di sản kết nối phát triển bền vững

Khi các tấm vải dệt từ nhiều CVĐC toàn cầu cùng hội tụ về Kutralkura (Chi-lê), tấm thổ cẩm dân tộc Tày của CVĐC Non nước Cao Bằng hòa vào những sắc màu vải dệt từ Ý, Hàn Quốc, Kenya, Canada… đã lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ: di sản không chỉ để ngắm nhìn, mà là để sống, chia sẻ và để hy vọng.

Trong bối cảnh thế giới đang tìm kiếm những mô hình phát triển bền vững gắn với bảo tồn di sản và tôn trọng đa dạng văn hóa, những sáng kiến như “Dệt hy vọng” là minh chứng cho cách mà địa phương thông qua sự dẫn dắt của các CVĐV có thể đóng góp cho tiến trình phát triển bền vững toàn cầu.

Và như thế, mỗi lần tiếng khung cửi lách cách vang lên ở miền Non nước Cao Bằng, đó không chỉ là âm thanh của quá khứ mà còn là nhịp vọng của tương lai: nơi văn hóa được trao truyền, được tôn vinh và được kết nối bền chặt với thế giới.


Nguồn:https://baocaobang.vn/gop-phan-dua-di-san-van-hoa-cao-bang-hoa-nhip-cung-the-gioi-3178840.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm