Lãnh đạo Sở NN&MT Hà Nội thăm quan gian hàng ô mai Bách Hương Xuân (sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao). Ảnh: NVCC
Tìm về vùng đất xưa nơi nổi tiếng là đất trăm nghề của Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã có dịp được trò chuyện cùng ông Nguyễn Xuân Diệp, năm nay 94 tuổi, xã Cao Viên, TP. Hà Nội để nghe ông trò chuyện về "sự tích" ô mai Bách Hương Xuân giữa vùng đất truyền thống của rất nhiều làng nghề nổi tiếng.
Ông Nguyễn Xuân Diệp kể về thời còn vất vả, khi tìm kế sinh nhai, ông nhận thấy quê hương mình có nhiều hoa quả dân dã cần được tận dụng tìm cách chế biến, vừa để được lâu vừa làm thức quà nhâm nhi cho người dân thành thị.
Nghĩ là làm, ông đã đi học khắp nơi từ những tỉnh thành xa đến những nghệ nhân giữa lòng phố cổ và tìm nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào, sạch sẽ để mang về chế biến.
Góp nhặt tinh hoa từ khắp các loại quả ngon đến việc đưa hương vị chua, cay, mặn, ngọt… vào trong từng quả ô mai, sau rất nhiều lần thất bại, ông đã thành công tìm ra được công thức riêng, đáp ứng nhu cầu ẩm thực khó tính của người dân đất Hà thành. Nhờ vậy, lượng hàng của ông làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, từ những gánh bán lẻ dần được cấp buôn cho các cửa hàng trên phố.
Sau gần trăm năm, để phát huy truyền thống nghề của gia đình, đến thế hệ con cháu ông vẫn tiếp tục làm nghề sản xuất ô mai và đã đạt được nhiều thành công.
Từ những quả ô mai đơn thuần, quen thuộc, nay sản phẩm ô mai của gia đình ông Diệp đã có thương hiệu và đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao - là sản phẩm ô mai duy nhất của Hà Nội đạt được chứng nhận này.
Nguồn nguyên liệu được sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Chị Nguyễn Thị Lệ (cháu ông Diệp) là người chủ hiện tại của thương hiệu ô mai Bách Hương Xuân cho biết, lớn lên và chứng kiến những nhọc nhằn vất vả của nghề, đã có lúc chị rẽ hướng sang nghề khác. Nhưng như một cơ duyên định sẵn, chị vẫn quay lại tìm về với những vị quả quê hương thân thuộc, gắn bó với tuổi thơ và tiếp tục hành trình phát triển nghề truyền thống ô mai.
Theo chị Lệ, để làm được ô mai ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng, cần phải chọn đúng thời điểm thu hoạch để có được nguyên liệu tốt nhất. Như trái sấu mùa hè, để làm nên ô mai sấu non cần phải chọn những quả đầu mùa, khi vừa tầm hạt không bị cứng. Sau đó mang về sơ chế rửa sạch, không khứa quả mà sẽ dùng bàn chông để châm cho quả ngấm đều các loại gia vị… Các công đoạn làm ô mai chủ yếu là bằng thủ công mới tạo nên được hương vị ngon nhất và làm theo công thức truyền thống được chuẩn nhất.
Do số lượng ô mai làm ra hàng ngày rất lớn, như mùa sấu năm nay, mỗi ngày gia đình chị Lệ làm từ 1 đến 2 tạ sấu, vì vậy cơ sở đã sử dụng thêm máy lọc quả và thuê bà con địa phương để sản xuất kịp nhu cầu tiêu thụ. Qua đó cũng tạo thêm công ăn việc làm cho người dân xung quanh.
Sản phẩm ô mai Bách Hương Xuân hiện có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Năm 2022, có 10 sản phẩm ô mai của Bách Hương Xuân đã được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đó là các sản phẩm: Mứt hồng bì chua ngọt đặc biệt; mận xào gừng không hạt chua ngọt; mận tươi xào gừng; mận tươi xào gừng chua ngọt; mận hậu dẻo chua ngọt; mơ gừng chua ngọt; mơ dẻo không hạt; mơ chua ngọt đặc biệt; mơ chua mặn ngọt và mơ chua cay mặn ngọt.
Hiện nay ô mai Bách Hương Xuân đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, TPHCM, các siêu thị, sàn thương mại điện tử và sân bay Nội Bài. Không chỉ vậy, hương vị ô mai này cũng đã có mặt ở nước ngoài, là món quà truyền thống của Thủ đô Hà Nội gửi đến các du khách và những người con xa xứ.
Dẻo thơm, ngọt bùi, chua cay hài hòa - từng viên ô mai là kết tinh của tình yêu nghề, của bàn tay tỉ mỉ gìn giữ công thức truyền thống qua nhiều thế hệ.
Thiện Tâm
Nguồn: https://baochinhphu.vn/o-mai-truyen-thong-goi-tron-huong-vi-tram-nam-102250723173320851.htm
Bình luận (0)