Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy đánh giá cao vai trò của FAO trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững tại nhiều quốc gia, đồng thời bày tỏ mong muốn FAO tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng trong quá trình phát triển nông nghiệp hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao sinh kế cho người dân.
Thông tin về tình hình phát triển địa phương, ông Trương Quốc Huy cho biết: Từ ngày 01/7/2025, ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định đã chính thức hợp nhất, lấy tên gọi chung là tỉnh Ninh Bình. Sau sáp nhập, tỉnh mới có diện tích gần 4.000 km², dân số trên 4,4 triệu người, trở thành một trong sáu địa phương đông dân nhất cả nước.
Ninh Bình có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, với gần 5.000 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản hỗn hợp duy nhất của Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Bên cạnh đó, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cũng đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Về kinh tế, GRDP năm 2024 của tỉnh ước đạt hơn 310.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ vượt 352.000 tỷ đồng vào năm 2025. Thu ngân sách năm 2024 đạt trên 55.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong số 34 tỉnh, thành phố sau sắp xếp, thể hiện tiềm lực tài chính vững mạnh.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bầy sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TM) |
Trong định hướng phát triển, tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp xanh, bền vững; đồng thời gắn kết hài hòa giữa phát triển du lịch và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trong chương trình OCOP.
Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol cho biết, Chương trình OCOP toàn cầu do FAO triển khai từ năm 2021, hiện có 95 quốc gia tham gia. Chương trình hướng tới phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nâng cao năng suất, lợi nhuận, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người nông dân, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp.
Bà Beth Bechdol đánh giá cao những nỗ lực của Ninh Bình trong phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao và sáng tạo, kết hợp với yếu tố văn hóa bản địa. Bà bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với tỉnh trong thời gian tới và sẽ sớm quay trở lại Ninh Bình.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/to-chuc-fao-tim-hieu-mo-hinh-phat-trien-san-pham-ocop-tai-ninh-binh-214890.html
Bình luận (0)