Lớp học đặc biệt
"Thầy chào con! Hôm nay con cảm thấy thế nào? Đã sẵn sàng vào học chưa nào?".
Đó là những câu nói đầy yêu thương của thầy Sang khi vừa bước chân vào lớp, chuẩn bị cho giờ dạy của mình. Sau phần chào hỏi, thầy sẽ cho các em nghe nhạc thiền hay nhạc thư giãn. Thầy chia sẻ: "Khi được chào như vậy, các em thì cũng tùy trẻ, có trẻ sẽ phản ứng ngay và chào lại thầy, có trẻ sẽ phản ứng chậm hơn, có trẻ sẽ đáp "ạ!"". Thầy Sang cảm thấy vui vì điều đó và thầy vẫn lặp lại lời chào ấy vào mỗi tiết học.
Thầy Sang dạy chữ cho học sinh của mình. Ảnh: tác giả cung cấp
Giờ học của thầy Sang luôn diễn ra theo những cách rất đặc biệt: Tạo môi trường học tập phù hợp, yên tĩnh, không quá ồn ào, không quá nhiều đồ chơi, đồ dùng quá kích thích vì có thể khiến trẻ mất tập trung. Hoạt động phải phù hợp, chia nhỏ nội dung, thời gian không quá dài, kết hợp hoạt động tĩnh và động. Khen thưởng, động viên kịp thời, hợp lý và cho trẻ giải lao giữa giờ.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế, ngành sư phạm toán, thầy Sang về công tác tại Trường THCS PaNang, H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị (nay là xã Đakrông, Quảng Trị). Sau nhiều năm gắn bó với trường PaNang, năm 2019, thầy xin nghỉ và ứng tuyển tham gia dạy học ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh sau lời giới thiệu của một người bạn. Dù khi đó, đây là một môi trường không hề liên quan đến ngành học của mình nhưng thầy Sang đã quyết định đây sẽ là điểm dừng chân.
Thầy Sang hướng dẫn học sinh nhận biết. Ảnh: tác giả cung cấp
Bắt nguồn từ lòng yêu thương trẻ và cũng hiểu nỗi niềm của các bậc phụ huynh khi có con bị rối loạn phát triển, thầy muốn góp phần nhỏ để hỗ trợ, giúp đỡ những em nhỏ bị rối loạn phát triển, rối loạn phổ tự kỷ phần nào có thể hòa nhập và tự lập sau này.
Vì chưa được đào tạo chuyên môn về giảng dạy các em nhỏ tự kỷ nên thầy Sang đã học thêm chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, học từ đồng nghiệp và trên các trang mạng chính thống về lĩnh vực này cũng như thường xuyên tham gia các lớp học bồi dưỡng chuyên môn do trung tâm tổ chức.
Nhớ lại ngày đầu tiên nhận công tác tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh, thầy giáo trẻ tâm sự: "Ngày mới về trường, tôi nhận dạy lớp lớn, các em có độ tuổi từ 9 đến 18 và đây là lớp có học sinh có độ tuổi khó chỉ dạy nhất… Những ngày đầu, trẻ chưa quen thầy mới nên chưa hợp tác, khó tương tác và giáo viên chưa thực sự hiểu hết nhu cầu của trẻ. Ngoài ra trẻ còn có hành vi nên tôi thấy khá là áp lực". Thầy phải mất 2 tháng mới làm quen được với công việc thực tế: Thầy giáo kiêm bảo mẫu.
Chứng kiến sự thay đổi của con từ sự dạy dỗ và chăm sóc của thầy Sang, chị Trần Thị Hòa (phụ huynh của em P.T.H.H, 13 tuổi) cho biết: "Sau 1 năm con học ở đây tôi thấy con có tiến bộ hơn lúc trước, con biết chủ động nói "xin" khi có nhu cầu muốn ăn hay thích cái gì đó, con biết chào ba mẹ, chào thầy khi đến lớp, khi ra về, con biết tập trung chú ý ngồi học bài cùng mẹ từ 30 - 45 phút, con biết ăn đa dạng các loại rau củ và trái cây...".
Thầy Sang là một giáo viên nhiệt tình, năng nổ, rất thương học sinh. Trong công việc luôn luôn tìm mọi cách nhằm can thiệp để các em đạt được kết quả tốt nhất có thể, luôn trăn trở về những khó khăn của các em nhỏ và không nề hà bất cứ công việc nào để tốt cho các em.
Cô Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh
Hy vọng sẽ là cánh cửa mở ra tương lai cho các em
Lớp học của thầy Sang thường được tổ chức theo hình thức 1 thầy - 1 trò. Trung bình mỗi ngày, thầy dạy từ 7 - 8 em ở nhiều độ tuổi khác nhau từ 1 - 18 tuổi. Mỗi em bị một khuyết tật khác nhau, nhưng thầy Sang luôn chủ động nghiên cứu, tùy vào nhu cầu, năng lực, sở thích của trẻ. Xác định mỗi trẻ có một thế mạnh riêng, thầy Sang dạy học dựa vào thế mạnh của trẻ để hỗ trợ điểm yếu như: Trẻ tự kỷ học qua hình ảnh tốt, trẻ khuyết tật trí tuệ học trực quan tốt, trẻ mắc hội chứng Down tương tác xã hội tốt. Ngoài ra, một số trẻ có năng khiếu (vẽ, ca hát...) sẽ được hỗ trợ và bồi dưỡng để phát triển.
Thầy giáo kiêm luôn bảo mẫu lo chuyện ăn uống cho học sinh. Ảnh: tác giả cung cấp
Cô Nguyễn Thị Tình (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh) chia sẻ: "Thầy Sang là một giáo viên nhiệt tình, năng nổ, rất thương học sinh. Trong công việc luôn luôn tìm mọi cách nhằm can thiệp để các em đạt được kết quả tốt nhất có thể, luôn trăn trở về những khó khăn của các em nhỏ và không nề hà bất cứ công việc nào để tốt cho các em".
Ngoài ra, thầy còn kết nối các ban ngành để giúp hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm, phát triển định hướng tương lai cho trẻ. Trong các học sinh của thầy Sang đến nay đã có một số em hòa nhập cộng đồng, là học sinh khá ở các trường tiểu học. Hàng chục em đã được cải thiện tình trạng khuyết tật từ nghiêm trọng sang nhẹ và đang tiến đến hòa nhập xã hội. Thầy hy vọng mình và các đồng nghiệp sẽ là bước đệm giúp các em sẵn sàng bước đến tương lai.
Dù trải qua nhiều vất vả trên hành trình gieo con chữ tròn trịa cho những mảnh đời khiếm khuyết, nhưng chưa bao giờ thầy Sang có ý định từ bỏ hay cảm thấy hối hận về lựa chọn của mình. Điều khiến thầy luôn trăn trở chính là cái nhìn của xã hội với những đứa trẻ khiếm khuyết. Theo thầy, mọi em nhỏ sinh ra trên đời này đều là niềm hạnh phúc với gia đình, các em không có quyền quyết định số phận nhưng có quyền thay đổi bản thân. Thầy mong mỗi người làm cha, làm mẹ luôn bên cạnh, quan tâm để giúp con tìm ra được điều đặc biệt của mình.
Nguồn:https://thanhnien.vn/thay-giao-cua-tre-tu-ky-185250725195017716.htm
Bình luận (0)