Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

7 giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, ứng phó với chính sách thuế quan của các nước

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 6/4, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã làm rõ nhiều nội dung về phản ứng của Việt Nam với chính sách thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam06/04/2025

Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, mức thuế đối ứng 46% mà Hoa Kỳ mới áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 9/4 có thể gây tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới; tạo ra tác động không tốt đối với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng đến phát triển của một một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như liên quan đến dịch vụ, việc làm của lao động trong nước.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày…; phần sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu.

Hiện nay, Chính phủ đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với phía Hoa Kỳ. Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng, sáng ngày 03/4/2025, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm gửi Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đề nghị tạm hoãn quyết định áp thuế trên để trao đổi, tìm giải pháp hài hòa lợi ích cho cả hai Bên; đồng thời đề nghị thu xếp cuộc điện đàm trong thời gian sớm nhất để trao đổi, xử lý vấn đề này.

7 giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, ứng phó với chính sách thuế quan của các nước- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài trả lời báo giới

Sau đó, tại cuộc điện đàm tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương, vì lợi ích hai nước; Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, trong thời gian tới, xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025; trong đó tập trung 7 giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 Hiệp định Thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương.

Thứ hai, đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới Trung đông, Mỹ Latin, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.

Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Thứ tư, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển. Ở đây chúng ta phải có chính sách quyết liệt hơn với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy phát triển trong nước, đáp ứng với các yêu cầu xuất xứ của các quốc gia.

Thứ năm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhật mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam.

Thứ sáu, mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Thứ bảy, Bộ Công Thương nhận định, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.

7 giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, ứng phó với chính sách thuế quan của các nước- Ảnh 2.

Quang cảnh buổi họp báo

Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước thực hiện các biện pháp như, chủ động cập nhật thông tin thị trường; Khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới. Nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/7-giai-phap-ho-tro-xuat-khau-ung-pho-voi-chinh-sach-thue-quan-cua-cac-nuoc-20250406165944522.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình nửa thế kỷ chưa có hồi kết
Nghệ thuật 3D mapping "vẽ" hình xe tăng, máy bay, lá cờ Tổ quốc trên Hội trường Thống Nhất
Ngắm trận địa pháo 105mm tại Bến Bạch Đằng chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm